Quảng Nam:
Ốc đảo người già ở cuối sông đầu biển với khát vọng được vào bờ
(Dân trí) - Không cơ sở y tế, không trường học, đi lại khó khăn và thiếu nước sạch là những gì đang diễn ra tại làng chài Long Thạnh Tây, Quảng Nam. Với họ, được vào bờ sinh sống là một khát vọng nhiều năm nay.
Ốc đảo người già
Chúng tôi tìm về thôn Long Thạnh Tây ở xã Tam Hải, huyện Núi Thành, Quảng Nam. Trên chiếc đò về ốc đảo, ông Trần Tấn Trưởng (58 tuổi) chia sẻ, thôn Long Thạnh Tây được bao quanh giữa bốn bề sông nước và thông ra nhiều ngõ như Tam Hải, Tam Hòa, Tam Giang… Gọi là ốc đảo nhưng thực chất là cái doi đất rộng khoảng 100ha. Chỉ mất chừng mươi phút là có thể đi bộ từ đầu đến cuối thôn.
Mặt dù nằm ở cuối sông và đầu biển nhưng người dân ở đây chủ yếu mưu sinh bằng nghề giăng lưới, đặt chài trên sông. Do giao thương với đất liền khó khăn, kinh tế chậm phát triển nên trong thôn bây giờ chỉ còn lại người già và trẻ con. Con em trong thôn, nhiều cháu rất ham học nhưng giao thông cách trở, không có điều kiện để học cao lên.
"Ở đây giờ không có phà, muốn vào đất liền người dân phải đi bằng ghe cá nhân, còn ai không có thì đi nhờ. Nhưng mùa nắng còn đi được, chứ mùa mưa, có gió mạnh thì bó tay", ông Trưởng chia sẻ.
Do gần biển, nguồn nước ngầm bị nhiễm mặn, nhà nước từng quan tâm đầu tư đường ống vượt sông, đưa nước ngọt từ xã Tam Giang qua. Nhưng thiên nhiên khắc nghiệt, đường ống bị hư hỏng, chưa đưa vào sử dụng được, vì vậy nước sạch vẫn là điều xa xỉ cho đến hiện tại.
"Cả làng có 3 cái giếng, một cái nước ngọt thì dùng để uống, 2 giếng kia bị nhiễm mặn nên chỉ dùng để tắm rửa, giặt đồ. Đến mùa mưa thì nhà nào cũng phải hứng thêm nước trời để dùng", ông Trưởng nói.
Còn bà Huỳnh Thị Quyết (59 tuổi) cho biết, thôn không có cơ sở y tế nên mỗi khi có người bị đau ốm cần cấp cứu, phải dùng ghe đưa người bệnh qua Tam Giang rồi gọi xe chở đến bệnh viện.
Chưa kể, mỗi lần bão "ghé thăm" thì cả làng phải di tản vào đất liền hoặc nhà tránh bão. Ở đây cũng có trường học nhưng học sinh ít nên trường đã bị bỏ hoang. Muốn đi học, học sinh phải thức dậy từ 5h sáng để tìm đò qua sông.
"Đó là vào mùa nắng, chứ mưa bão thì các em phải nghỉ học. Nhà nước có chủ trương di dời thì chúng tôi cũng sẵn sàng. Nhưng mong được đền bù thỏa đáng và được bố trí tái định cư ở một nơi có cuộc sống tốt hơn", bà Quyết chia sẻ.
Hơn 80% người dân muốn được vào đất liền
Cụ Đỗ Thị Hương (82 tuổi) có nhà nằm tách biệt với ốc đảo lớn của thôn Long Thạnh Tây chia sẻ, với người già như cụ, gắn bó với ốc đảo gần hết đời người, đã quen với cảnh quê. Chuyện rời ốc đảo trong tương lai luôn là lựa chọn khó. Tuy nhiên, vì sự phát triển của quê hương, cụ sẵn sàng chấp thuận.
Ông Phạm Minh Quang - Trưởng thôn Long Thạnh Tây - cho biết hiện có 103 hộ dân sống trên đảo, nhân khẩu chừng vài trăm người, chủ yếu là người già và trẻ nhỏ.
"Về dự án di dời có 80% người dân đồng ý. Tuy có nguyện vọng vào đất liền, song người dân ở đây mong rằng được bố trí tái định cư ổn định và tạo công ăn việc làm cho những người còn độ tuổi lao động", ông Quang bày tỏ.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Tấn Hùng - Phó Chủ tịch xã Tam Hải - cho biết thôn Long Thạnh Tây có phà nhưng đã bị hư hỏng từ đợt bão số 10 năm 2020.
Về vấn đề nước sạch, hiện vẫn đang thi công đường ống đưa nước ngọt từ xã Tam Giang qua thôn, dự kiến cuối năm nay sẽ hoàn thành. Trên thôn hiện có nhà trú bão nhưng phương án sơ tán dân vào đất liền luôn được đặt lên hàng đầu khi bão đến.
"Với dự án di dời dân thì xã rất ủng hộ. Vừa rồi chúng tôi đã thăm dò ý kiến của bà con, kết quả cho thấy 82% người dân muốn được di dời vào đất liền", ông Hùng nói.
Ông Lê Văn Sinh - Chủ tịch huyện Núi Thành - cho biết hiện tỉnh đang có dự án di dời dân tại đây nên để tránh lãng phí, huyện chưa triển khai làm mới phà cho người dân được.
Liên quan đến vấn đề này, mới đây, UBND tỉnh Quảng Nam đã có văn bản gửi các sở, ngành liên quan và UBND huyện Núi Thành về việc nghiên cứu, đề xuất đầu tư dự án khu phức hợp du lịch, nghỉ dưỡng Long Thạnh Tây.
Theo đó, tháng 4/2022, một doanh nghiệp đã có văn bản về việc đề nghị chấp thuận chủ trương trên. Với đề xuất này, UBND tỉnh Quảng Nam đã yêu cầu UBND huyện Núi Thành căn cứ danh mục dự án nghiên cứu đề xuất đầu tư trên địa bàn tỉnh đợt 2 năm 2022 và chỉ đạo của tỉnh để phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục, tổ chức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án nêu trên.
Tỉnh Quảng Nam cũng giao các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn UBND huyện Núi Thành thực hiện các hồ sơ, thủ tục và tham mưu UBND tỉnh giải quyết các nội dung liên quan theo đúng quy định.