Thanh Hóa:
Oái oăm cây cầu hễ đi là… rơi xuống suối
(Dân trí) - Cầu treo nhưng dây treo đã gỉ ngoèn, mặt cầu đã mục nát, với những lỗ thủng người lớn cũng rơi lọt. Vài năm trước liên tục xảy ra cảnh người qua cầu Hón Dồ (xã Cẩm Sơn, huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa) rơi xuống suối. Nay không còn ai qua cầu nữa!
Muốn đi cầu phải biết bơi!
Sau khi đưa vào sử dụng được 3 năm thì cây cầu đã bắt đầu có dấu hiệu hư hỏng, ván trên cầu mối mọt, mục nát, sắt thép hoen gỉ, lỏng lẻo. Đến năm 2007, cây cầu đã hư hỏng nặng, ván trên cầu mục nát toàn bộ, sắt làm lan can cầu đứt gãy do bị gỉ lâu ngày.
Khi ván trên cầu mục nát, người dân bèn chặt tre, luồng để lắp thay ván nhưng cũng chỉ được một thời gian ngắn mặt cầu lại thủng lỗ chỗ. Không ai dám đi qua cầu nữa, chỉ có một số ít người do ngại lội suối nên liều lĩnh đi trên cầu và cũng không ít người trong số “liều” ấy đã rơi xuống suối; thậm chí đã có trường hợp tử vong.
Kể từ đó không ai dám đi trên cầu nữa, chỉ khi mùa nước lên cao, một số ít người biết bơi mới đánh liều qua cầu với suy nghĩ: Nếu lọt xuống suối thì… bơi.
Vạn người dân, một điều ước
Cầu Hón Dồ là tuyến giao thông chính của người dân thôn Gia Dụ III, khi cầu còn hữu dụng, mỗi ngày đều đón hàng ngàn lượt người dân và học sinh đi làm, đi học… Nay cầu hư hỏng nặng, chỉ còn để… làm cảnh, vào mùa cạn dân đành lội suối; vào mua mưa họ đi vòng qua xã Cẩm Yên của huyện Cẩm Thủy, quãng đường đó xa hơn hàng chục km.
Em Nguyễn Văn Quý, học sinh lớp 6A, trường THCS Cẩm Sơn, kể: “Hằng ngày em đi học đều qua con suối này, ngày trước có một số bạn đi trên cầu và bị rơi, bọn em sợ quá nên giờ không bạn nào dám leo lên ấy đi cả. Ai cũng lội suối để đi học. Đến mùa lũ không qua được suối, bọn em phải đi vòng đường, quãng đường ấy xa lắm nên bọn em thường xuyên bị muộn học”.
Ông Hà Văn Khoan, 69 tuổi, Hội trưởng Hội Người cao tuổi thôn Gia Dụ III, chia sẻ: “Người dân thôn tôi bây giờ khổ lắm, mọi người đi làm đều phải lội suối, rồi đi qua con đường đất khó khăn, vào mùa lũ thì họ phải đi vòng qua xã phía dưới xa lắm. Nhưng khổ nhất là các cháu học sinh, bố mẹ bận bịu không đưa các cháu đi học được, các cháu tự đi qua suối rất nguy hiểm. Nhiều cháu vì đi lại vất vả mà bỏ học”.
“Nguyện vọng của chúng tôi là mong sao các cấp chính quyền, các nhà tài trợ quan tâm sửa chữa cây cầu để người dân chúng tôi có đường đi lối lại, không phải chịu cảnh cực khổ như bây giờ…”, ông Khoan nói thêm.
Phạm Văn Điển