1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Ô tô đi ngược chiều để né trạm thu phí Xa lộ Hà Nội hơn một năm

Tâm Linh Hoàng Hướng

(Dân trí) - Đội Thanh tra giao thông số 5 (Thanh tra Sở Giao thông Vận tải TPHCM) có mặt tại dạ cầu Rạch Chiếc (TP Thủ Đức) để ghi nhận người dân phản ánh về tình trạng xe đi ngược chiều vào đây.

Ngày 4/7, theo ghi nhận của phóng viên, hai đường bên hông xuống dạ cầu Rạch Chiếc (phường Phước Long A, TP Thủ Đức) có biển cấm đi ngược chiều, nhưng nhiều phương tiện vẫn "bất chấp" lưu thông vào với mục đích tránh trạm thu phí.

Ô tô đi ngược chiều để né trạm thu phí Xa lộ Hà Nội hơn một năm - 1

Ô tô đi ngược chiều vào đường tạm dưới dạ cầu Rạch Chiếc để né trạm thu phí Xa lộ Hà Nội, ngay vị trí phương tiện từ cầu đổ xuống (Ảnh: Hoàng Hướng).

Bất tiện, mất an toàn cho người dân

Từ ngày 29/5, theo điều chỉnh tổ chức giao thông của cơ quan chức năng, các phương tiện qua cầu Rạch Chiếc (TP Thủ Đức) phải lưu thông qua đường song hành ra Xa lộ Hà Nội, qua trạm thu phí mới lên được cầu. Cùng với đó, lối rẽ dưới chân cầu Rạch Chiếc đã bị rào chắn không cho ô tô lưu thông.

Việc cấm đường trên đã khiến nhiều người dân sống xung quanh trạm thu phí BOT Xa lộ Hà Nội bức xúc vì không thể lưu thông qua đường dẫn (sát bên Xa lộ Hà Nội) để lên cầu Rạch Chiếc như trước. Như vậy, những người dân sử dụng ô tô sẽ phải chi thêm phí cầu đường để di chuyển ra vào trung tâm thành phố.

"Tại đường dân sinh, không biết đơn vị nào ngang nhiên phá tường, chắn đường không cho xe người dân đi",  một cư dân sống trong khu dân cư Bắc Rạch Chiếc (phường Phước Long A gần BOT Xa lộ Hà Nội) phản ánh.

Theo phản ánh của người này, "đơn vị nào đó" đã lấp các đường hiện hữu có thể rẽ vào dạ cầu Rạch Chiếc để đi vào hướng cầu Sài Gòn, khiến các phương tiện phải đi qua trạm BOT, trả phí và quay đầu lại mới được vào cầu Sài Gòn, dù dân không sử dụng đường BOT.

Bên cạnh đó, theo một số người dân thường xuyên đi qua khu vực này, vào giờ cao điểm, phương tiện từ hướng khu dân cư Bắc Rạch Chiếc băng qua đường tạm ngược chiều như trên gây cản trở, va chạm với các xe lưu thông đúng hướng lên xuống cầu Rạch Chiếc.

Ô tô đi ngược chiều để né trạm thu phí Xa lộ Hà Nội hơn một năm - 2

Hướng giao thông xung quanh cầu Rạch Chiếc, trạm thu phí BOT và khu dân cư phường Phước Long A nằm bên Xa lộ Hà Nội (Đồ họa: Ngà Trịnh).

Đội Thanh tra giao thông số 5 (Thanh tra Sở Giao thông Vận tải TPHCM) sáng 4/7 đã tiếp nhận kiến nghị của cư dân về việc kiểm tra lại các biển báo cấm đi một chiều hiện hữu hai bên dạ cầu Rạch Chiếc.

Theo đó, thanh tra sẽ rà soát đơn vị nào đặt biển cấm, có phù hợp với quy hoạch giao thông và quy định pháp luật không.

Ngoài ra, cư dân Võ Quốc Bình cũng có kiến nghị tới Sở GTVT và các cơ quan chức năng. Người này mong muốn trả lại đường cho dân sử dụng theo đúng nhu cầu và chức năng hạ tầng giao thông dân sinh dưới dạ cầu Rạch Chiếc.

Đồng thời, cơ quan chức năng cần điều chỉnh các biển báo phù hợp quy định về an toàn giao thông và pháp luật; xử lý các đơn vị, tổ chức, cá nhân tự ý chắn đường, phá đường, cắm biển báo sai quy định, xâm phạm lợi ích hợp pháp của người dân; nếu có dấu hiệu vi phạm hình sự về việc phá hoại tài sản, cần thì chuyển cơ quan điều tra khởi tố vụ án.

Cơ quan chức năng ghi nhận, ngoài các hộ dân trong khu vực, mỗi ngày có khoảng 3.000 lượt ô tô đi từ hướng Đồng Nai qua đường Nguyễn Văn Bá rồi đi vào đường tạm để rẽ ngược lên cầu Rạch Chiếc.

Các phương tiện này xung đột giao thông với những phương tiện đi thẳng trên trục đường xa lộ Hà Nội, đang trong quá trình tăng tốc lên cầu, đã xảy ra tai nạn giao thông tại chân cầu Rạch Chiếc.

Việc đóng đường là đúng quy hoạch

Từ cuối tháng 5/2022, đoạn đường tạm rẽ vào dạ cầu Rạch Chiếc bị đóng theo phương án tổ chức giao thông của thành phố.

Sau đó một tháng, ông Phan Công Bằng, Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM, khẳng định, chủ đầu tư dự án BOT mở rộng Xa lộ Hà Nội đã thực hiện thi công, tổ chức giao thông đúng kế hoạch được duyệt.

"Trước đây, một số phương tiện thường lưu thông từ đường tạm dưới cầu chui quay ngược vào trung tâm thành phố, vừa nguy hiểm, vừa gây ùn tắc giao thông giờ cao điểm. Phương án tổ chức giao thông mới nhằm hạn chế phương tiện rẽ qua điểm giao cắt để lên cầu, tránh nguy hiểm cho người điều khiển phương tiện", ông Phan Công Bằng thông tin.

Ô tô đi ngược chiều để né trạm thu phí Xa lộ Hà Nội hơn một năm - 3

Phương tiện đang rẽ "chui" vào một con đường chưa thành hình đầy sỏi đá thay vì đi đường hiện hữu dưới chân cầu Rạch Chiếc (Ảnh: Hoàng Hướng).

Liên quan việc đóng đường tạm hai bên hông cầu Rạch Chiếc, Công ty Đầu tư Hạ tầng kỹ thuật TPHCM (CII - chủ đầu tư dự án BOT mở rộng Xa lộ Hà Nội) khẳng định, đơn vị không cố tình ngăn đường khiến các phương tiện phải đi qua trạm thu phí để tận thu.

Công ty chỉ hoàn thành thi công theo đúng phương án thiết kế được thành phố duyệt, đảm bảo an toàn giao thông cho tất cả phương tiện.

Theo phương án được duyệt, sau khi thi công xong đường song hành, khuôn viên đất của hai đường tạm sẽ được trồng cây xanh, thuộc hành lang bảo vệ công trình. Do mảng xanh chưa hình thành, một số hộ dân đã sử dụng đường tạm để đi xe máy lên cầu Rạch Chiếc vào trung tâm thành phố.

Dự án BOT mở rộng Xa lộ Hà Nội và Quốc lộ 1 (đoạn từ ngã ba Trạm 2 cũ đến nút giao Tân Vạn) có lý trình bắt đầu từ chân cầu Sài Gòn (phía quận 2 cũ) đến cầu Đồng Nai, bao gồm cầu Rạch Chiếc và đi ngang khu dân cư Bắc Rạch Chiếc, phường Phước Long A.

Do đó, các phương tiện đi trên lý trình này là đã sử dụng phần đường của dự án. Nhiều người dân, chủ phương tiện đã hiểu nhầm dự án chỉ nằm trong đoạn từ ngã ba Trạm 2 cũ đến nút giao Tân Vạn (không đi qua các khu dân cư nói trên), nên đã bức xúc khi phải trả phí BOT vì cho rằng "tôi không đi qua dự án".

Ô tô đi ngược chiều để né trạm thu phí Xa lộ Hà Nội hơn một năm - 4

Đơn vị thi công tái lập lại khuôn viên mảng xanh bên hông cầu Rạch Chiếc (Ảnh: G.M.).

UBND TPHCM ra quyết định về việc thu phí phương tiện đi qua trạm BOT ngày 18/3/2021. Để hỗ trợ người dân ở xung quanh dự án, việc thu phí đã được thành phố và chủ đầu tư tính toán các trường hợp miễn giảm phí BOT khi lưu thông qua trạm.

Theo đó, các chủ phương tiện là cư dân được giảm 50% phí cho các loại ô tô dưới 12 chỗ không sử dụng để kinh doanh, có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú dài hạn trên 6 tháng (trước ngày trạm thu phí BOT Xa lộ Hà Nội hoạt động 1/4/2021) tại các vị trí thuộc mặt tiền 2 đường song hành của trục Xa lộ Hà Nội thuộc TP Thủ Đức.

Cuối tháng 11/2022, Sở GTVT có văn bản ghi nhận các nội dung kiến nghị của người dân phường Phước Long A liên quan đến trạm BOT Xa lộ Hà Nội.

Sở đã đề nghị CII và Công ty Xa lộ Hà Nội phối hợp với UBND phường Phước Long A để rà soát, khảo sát, thống kê các hộ dân (thường trú và tạm trú) có các loại xe thuộc trường hợp miễn giảm nói trên, sau đó báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét.

Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn nhiều người dân thể hiện sự chưa đồng thuận và bày tỏ bức xúc khi vẫn phải đi qua trạm thu phí BOT Xa lộ Hà Nội.

Dự án BOT mở rộng Xa lộ Hà Nội và Quốc lộ 1 (đoạn từ ngã ba Trạm 2 cũ đến nút giao Tân Vạn) có chiều dài 15,7km, bắt đầu từ cầu Sài Gòn đến cầu Đồng Nai. Trong đó, trục đường chính nằm tại TPHCM dài 13,3km và 2,4km thuộc tỉnh Bình Dương. Tổng mức đầu tư của dự án hơn 4.905 tỷ đồng.