1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Ô-sin chăm bệnh nhân: Những mảnh ghép

Rời quê nghèo lên TPHCM kiếm việc, “Ô-sin” nuôi bệnh là nghề mà nhiều người lựa chọn bởi dù vất vả nhưng bù lại họ được trả công cao. Tuy nhiên quanh cái nghề mưu sinh cực chẳng đã này, cũng lắm chuyện tương phản.

Nhiều năm nay bà Tám như một người mẹ hiền luôn chăm sóc cho Tuấn như con của mình 
Nhiều năm nay bà Tám như một người mẹ hiền luôn chăm sóc cho Tuấn như con của mình 
Đại gia đình ô-sin

Hai năm sau khi đặt chân lên Sài Gòn với nghề ô-sin chăm trẻ ở quận 7, năm 2008 chị Nguyễn Thị H, 41 tuổi, ở Châu Thành, tỉnh Tiền Giang đã chuyển sang làm ô-sin bệnh viện. Nơi chị “nhập khẩu” đầu tiên là Bệnh viện Nhân dân 115 với mức lương 3 triệu đồng/tháng.

Bám trụ được ở Bệnh viện này hai năm, năm 2010 chị H, chuyển sang làm ô-sin chăm bệnh ở khoa Nội 2 thuộc Bệnh viện Điều dưỡng phục hồi chức năng với mức lương 6 triệu đồng/tháng.

Thấy lương cao, lại không vất vả như làm nông ở quê, chị quyết định gọi thêm chồng và bố mẹ chồng cùng hai người em của mình bỏ quê lên bệnh viện gia nhập làm… đại gia đình ô-sin.

Những ngày đầu vào làm việc, 5 người thân của chị H lớ ngớ không biết phải bắt đầu công việc chăm người bệnh từ đâu. Nhưng chỉ một tuần, nhờ khóa tập huấn của bệnh viện Điều dưỡng phục hồi chức năng mở ra dành cho người nuôi bệnh, cả 5 đã bắt đầu thạo nghề. Họ được dạy cách bồng bế, tắm, thay tã, mặc áo quần cho bệnh nhân.

Đặc biệt các kỹ thuật viên ở Khoa Vật lý trị liệu còn dạy họ cách để tập cho người bệnh khi nằm ở phòng giúp không bị cứng cơ. Anh Hoàng Văn Th, 42 tuổi chồng của chị H, nhận nuôi một ông cụ 70 tuổi bị đột quỵ, liệt nửa người cũng với mức lương 6 triệu đồng/tháng. Anh Th. nói.

“Có những ô-sin gắn với nghề chăm bệnh cả 5-10 năm, ở bệnh viện ai cũng yêu thương, nhưng cũng có người mới vài ba ngày bị đuổi. Nói chung cũng như những công việc khác, ô-sin nuôi bệnh cũng muôn hình vạn trạng”

TS-BS Nguyễn Đình Phú - Phó Giám đốc BV Nhân dân 115

Các bệnh viện như Chợ Rẫy, Nhân dân Gia Định, 115 và Bệnh viện Điều dưỡng phục hồi chức năng TPHCM luôn khát…ô-sin.

Chị H, nói rằng ở các bệnh viện này người nuôi bệnh luôn được chào đón vì ở đó có các Khoa Tim mạch, Tai biến mạch máu não, Lão khoa… người bệnh thường nặng, nằm dài ngày rất cần người chăm.

Sau hai năm đi chăm người khác, ông Hải, bố của anh Th, giờ không muốn bỏ cái nghề này.

Ông nói: “Hồi con dâu gọi vợ chồng tui lên chăm bệnh thuê, tui cứ lưỡng lự. Mình đã sáu mươi mấy tuổi đầu rồi lại đi làm ô-sin, coi sao được”.

Vậy mà sau khi lên đây, ông Hải thấy những người tuổi như mình làm ô-sin quá nhiều nên giờ ông không còn ngại ngùng. Vợ ông, bà Ba cũng ngoài 60 tuổi, mấy năm nay bà chăm sóc cho ít nhất 3 bệnh nhân điều trị tại bệnh viện này.

Buổi tối sau khi các thành viên trong “đại gia đình ô-sin” lo xong việc cho người bệnh, họ lại tụ tập ở hành lang bệnh viện để ăn cơm cùng nhau. Câu chuyện một ngày làm việc mệt mỏi được những người trong gia đình chia sẻ.

Ông Hải nói vui: “Thương người bệnh, với lại lấy tiền của người ta nên mình có trách nhiệm. Nhiều lúc vợ tui đau, tui cũng chăm sóc hời hợt chứ không như chăm mấy bệnh nhân này”.

Theo chị H, sau gần 3 năm vào nghề, mấy thành viên trong gia đình bây giờ đều thạo. “Hai em gái của tôi sau 3 năm đã nuôi cho 6 người bệnh lành lặn trở về nhà. Có người bệnh khi được xuất viện cũng muốn mấy đứa em về nhà ở để chăm sóc tiếp cho họ luôn”- chị H cho biết.

Anh Hồ Tr. và vợ ở Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp gia nhập vào hội người nuôi bệnh được 5 năm nay, mới đây kéo thêm con gái 25 tuổi vào làm nghề này. Anh Tr. kể, trước đây vợ chồng đi làm thuê, gia đình khó khăn nên con gái nghỉ học sớm. Một hôm có người quen ở trong ấp về chơi kể chuyện làm người nuôi bệnh lương khá nên anh xin theo. Vậy là làm được 5 năm rồi.

Tương phản ô-sin

Bà Nguyễn Thị Tám, 57 tuổi, ô-sin nuôi bệnh kể lại câu chuyện đầy nước mắt về đứa bé mắc bệnh bại não đang điều trị tại BV Điều dưỡng phục hồi chức năng TPHCM. Cậu bé không may mắn là Nguyễn Anh Tuấn. Năm nay 15 tuổi, Tuấn là bệnh nhân nhỏ tuổi nhất ở khoa Nội 2 của bệnh viện này.

Căn bệnh bại não quấn lấy em từ khi lọt lòng, và từ đó đến nay, cuộc sống của Tuấn hoàn toàn phải nhờ vào người thân. Năm lên 14 tuổi, không còn sức lực để nuôi con tại nhà, bố mẹ Tuấn đưa con vào bệnh viện này và nhờ bà Tám chăm sóc.
Không có người thân thích bên cạnh, đối với bệnh nhân, ô-sin nuôi bệnh như là người ruột thịt.
Không có người thân thích bên cạnh, đối với bệnh nhân, ô-sin nuôi bệnh như là người ruột thịt.
 
Hơn một năm nuôi Tuấn ở bệnh viện, ngoài số tiền viện phí hai tháng phải đóng một lần cho bệnh viện đã được bố mẹ Tuấn đưa sẵn; tiền ăn, tiền công nuôi bệnh cho Tuấn đến hết tháng thì bố hoặc mẹ Tuấn vào thăm con rồi đưa luôn cho bà Tám.

Tuấn không nói được, tay chân không thể nhúc nhích và khuôn mặt ngây dại như một em bé say ngủ. Sống với Tuấn lâu dần bà Tám thành quen, và thương Tuấn như con. Đối với bà Tám, có tháng bố Tuấn chậm trả tiền công vẫn không sao.

“Giá chung cho ô-sin nuôi bệnh bây giờ là 6 triệu đồng/ tháng nhưng thương Tuấn tôi chỉ lấy 5 triệu thôi. Mấy bà ô-sin khác bảo tôi phá giá nhưng cứ ở với cháu nó rồi mới biết. Gia cảnh nó tội lắm”- bà Tám rưng rưng.

Còn với bệnh nhân Nguyễn Văn Khang, 67 tuổi, ở khoa Nội 1 của bệnh viện này thì 5 năm nay chả có ai đến thăm nom ngoài một người được cho là “lính” dưới thời ông Khang khi còn đương quyền.

Bà Thảo- 56 tuổi ở Thanh Hóa, người nuôi bệnh cho ông từ lúc ông nhập viện đến nay, cho biết tiền viện phí, lo ăn ở cho ông Khang và tiền trả cho người nuôi bệnh… thường một vài tháng “lính” của ông Khang đến đưa một lần.

Ông Khang bị căn bệnh xuất huyết não, tai biến liệt nửa người bên phải mấy năm nay. Không vợ con, anh em thân thích, ông lủi thủi một mình mấy chục năm nay, và đến khi quỵ ngã. Bà Thảo từ đó thành người thân chăm sóc ông Khang.

Trường hợp ông Hỷ, 78 tuổi ở quận 8, TPHCM lại rơi vào thái cực khác. Ông nằm liệt giường do tai biến chấn thương tủy sống đã 4 năm nay. Vợ chết đã 20 năm, còn người con gái duy nhất của ông đã lấy chồng và sống tận Cà Mau, vì vậy ông Hỷ phải sống nhờ vào ô-sin.

Bà Lương Thị K, ở Nghệ An, nuôi ông Hỷ được 2 năm, lương tháng nào cũng nhận đủ 6 triệu đồng. Mới đây vì quá bức xúc cách đối đãi quá tệ với người bệnh, nhiều ô-sin ở khoa đã “vạch tội” bà K sau lần con gái ông Hỷ lên thăm. Bà K đã bị đuổi việc. Bà Thảo kể: “Ngày nào bà K. cũng bỏ bê người bệnh, không chu đáo chăm sóc nên lưng ông Hỷ càng lở loét nặng thêm”.

Có nhiều ô-sin nuôi bệnh nhưng làm theo kiểu “đứng núi này trông núi nọ”, làm nơi này nhưng dò hỏi có nơi nào cần với tiền cao hơn là chạy theo. Họ tìm ra đủ lý do để từ chối ở lại khi tìm được chỗ mới. “Có nhiều bà viện lý do về quê do chồng bệnh, con đau nhưng hai ba ngày sau lại thấy ở cho người ta bên khoa khác. Tiền cao thì họ nhảy biết làm sao”- bà Tám kể.

“Cò” ô-sin xuất hiện

Nhiều ô-sin “đàn anh, đàn chị” bắt đầu làm “cò” để đưa người từ quê hoặc từ các mối chăm trẻ, phụ việc nhà trước đó vào nghề ô-sin bệnh viện. Dịch vụ cung cấp ô-sin ra đời.

Tại Bệnh viện Điều dưỡng phục hồi chức năng TPHCM có gần 150 ô-sin nuôi bệnh. Để quản lý và bảo vệ an ninh trật tự trong bệnh viện, số ô-sin này được cấp một chiếc thẻ ra vào cổng và ở lại đêm tại phòng bệnh. Tuy nhiên, theo bảo vệ của Bệnh viện này, thỉnh thoảng vẫn xảy ra xô xát, lời qua tiếng lại vì ô-sin tị nạnh với nhau. Nhiều ô sin giấu giếm tụ tập cờ bạc và chơi đề đóm.
Ghé vào thăm bệnh ở Khoa Bệnh lý mạch máu não thuộc Bệnh viện Nhân dân 115, tôi bắt gặp một người nuôi bệnh khoảng 50 tuổi đến hỏi thăm. “Người nhà chú đau gì. Có cần ô-sin không”.

Khi biết tôi có người thân bị đột quỵ, đang nằm liệt giường, đang tìm người chăm giúp, người phụ nữ giới thiệu tên Hồng, mau miệng: “Chị có 2 đứa em khoảng 40 tuổi đang cần chăm bệnh, em cần chị dẫn tới. Giá 6,5 triệu/tháng, cơm nước tụi chị tự lo”.

Bà Hồng, làm nghề ô-sin nuôi bệnh ở Bệnh viện Nhân dân 115 đã 8 năm nay, gần như đã quen mặt với tất cả những ai gắn bó với bệnh viện này. Dần dà, bà Hồng thiết lập đường dây cung cấp ô-sin cho những ai có nhu cầu. Hầu hết ở các khoa, nơi nào cũng có ô-sin là người của bà Hồng. Mỗi lần dẫn được mối, bà Hồng được nhận 300 – 500 nghìn đồng.

Tại Bệnh viện Điều dưỡng phục hồi chức năng TPHCM, bà Hoa được những người nuôi bệnh ở đây mệnh danh là “trùm ô-sin”.

Chị Nguyễn Thị H. kể, để cả nhà vào làm được ô-sin nuôi bệnh tại đây mỗi người phải đóng “hụi chết” cho bà Hoa 200 nghìn đồng/tháng. “Chúng tôi không dám nâng giá bậy bạ vì bà Hoa quy định rồi. Đến tháng, bà đánh tiếng nâng giá thì tất cả phải nâng theo không thì bà hù dọa”- chị H, kể.

“Những ô-sin “cứng đầu” không nghe lời thì bị bà ấy bôi nhọ, mách lẻo hoặc kêu mấy đứa đầu trâu mặt ngựa vào dọa”- chị H, không giấu giếm.

Ô-sin lập phe cánh rồi “quậy” ở bệnh viện không có gì lạ. Anh Hoàng bảo vệ bệnh viện cho biết trong năm qua đã đuổi 8 ô-sin quậy ra khỏi bệnh viện.

Theo Lê Nguyễn

Tiền Phong