Ô nhiễm từ Trung Quốc tràn sang Việt Nam vào mùa đông
(Dân trí) - Ô nhiễm không khí nghiêm trọng từ Trung Quốc, trong đó 55% là lượng khí độc SO2, sẽ tràn sang miền Bắc Việt Nam vào mùa đông và còn có nguy cơ kéo dài. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống của con người.
Theo Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, qua nghiên cứu sử dụng công nghệ tiên tiến và thực hiện quan trắc tại 9 tỉnh thành, trong đó có Hà Nội, Vĩnh Phúc và các tỉnh biên giới phía Bắc, nồng độ ô nhiễm không khí vào mùa đông ở miền Bắc có sự tác động rất lớn từ nguồn phát thải của Trung Quốc.
Trong nồng độ các chất ô nhiễm không khí ở miền Bắc, ảnh hưởng xuyên biên giới từ Trung Quốc đóng góp khoảng 55% đối với SO2 (khí lưu huỳnh dioxit), 48% đối với NO2 (khí nitrogen dioxit) và 30% với CO (khí cacbon monoxit). Chính vì vậy, miền Bắc Việt Nam đang chịu ảnh hưởng đáng kể do ô nhiễm không khí xuyên biên giới từ Trung Quốc.
Hiện tại ảnh hưởng của ô nhiễm ở Trung Quốc tới miền Bắc Việt Nam chưa rõ rệt nhưng đã bắt đầu xuất hiện ở các tỉnh biên giới.
Nguyên nhân của hiện tượng này là gió mùa đông bắc hoạt động mạnh vào mùa đông đã đẩy một lượng khí độc hại từ Trung Quốc tràn sang miền Bắc Việt Nam. Vào mùa hè, gió mùa tây nam và đông nam chiếm ưu thế đã ngăn cản sự xâm lấn của không khí ô nhiễm từ phương Bắc.
Nghiên cứu của Khoa học Khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu cho thấy, vào tháng Một, khi gió mùa đông bắc hoạt động mạnh, các tỉnh Lạng Sơn, Lào Cai, Hà Giang… có mức SO2 cao gấp đôi TPHCM và cao hơn Hà Nội.
Nghiên cứu của các tác giả nuớc ngoài cũng cho thấy, lượng SO2 lắng đọng tại Việt Nam xấp xỉ ngưỡng cho phép theo tiêu chuẩn châu Âu và trên 50% lượng SO2 lắng đọng tại miền Bắc Việt Nam có nguồn gốc từ Trung Quốc, nơi lượng SO2 lắng đọng cao gấp 1-3 lần ngưỡng nói trên.
Trung Quốc đang gánh chịu ô nhiễm không khí nặng nề do khai thác và sử dụng than quá nhiều làm phát sinh SO2 và bụi. Năm 2014, chính phủ Trung Quốc phải khởi động chương trình tuyên chiến với ô nhiễm không khí. Tuy nhiên, việc phụ thuộc nặng nề vào nguyên liệu than sẽ khiến công cuộc này trở nên khó khăn và các tác động tiêu cực tới miền Bắc Việt Nam sẽ còn kéo dài.
Lưu huỳnh dioxit (SO2) sinh ra như là sản phẩm phụ trong quá trình đốt cháy than đá, dầu, khí đốt; là một trong những chất gây ra mưa axit ăn mòn các công trình, phá hoại cây cối, biến đất đai thành vùng hoang mạc. Khí SO2 gây bệnh cho người như viêm phổi, mắt.
Nitrogen dioxit (NO2) con người nếu tiếp xúc nhiều có thể bị tổn thương phổi và các vấn đề về hô hấp. Mức NO 2 là một chỉ số quan trọng về mức độ ô nhiễm nói chung. Các nguồn chính thải ra NO2 gồm có các nhà máy điện, các lọai xe máy và ngành công nghiệp nặng.
Cacbon monoxit (CO) là khí độc cực kỳ nguy hiểm. Hít thở phải một lượng quá lớn CO sẽ dẫn tới thương tổn do giảm ôxy trong máu hay tổn thương hệ thần kinh, có thể gây tử vong. Nồng độ chỉ khoảng 0,1% CO trong không khí cũng có thể nguy hiểm đến tính mạng.
CO là chất khí không màu, không mùi và không gây kích ứng nên rất nguy hiểm vì con người không cảm nhận được sự hiện diện của CO trong không khí. CO có tính liên kết với hemoglobin (Hb) trong hồng cầu mạnh gấp 230-270 lần so với ôxy nên khi được hít vào phổi CO sẽ gắn chặt với Hb thành HbCO, do đó máu không thể chuyên chở ôxy đến tế bào. CO còn gây tổn thương tim do gắn kết với myoglobin của cơ tim.
Nguyễn Dương