1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Ô nhiễm tại TPHCM đang ở mức báo động

(Dân trí) - Hầu hết các khu công nghiệp, chợ đầu mối, bệnh viện... chưa được xử lý nước thải; kênh rạch, nguồn nước ô nhiễm nặng. Lượng công trình thi công quá lớn, hệ thống xe cá nhân phát triển quá nhanh càng khiến môi trường TPHCM diễn biến phức tạp.

>> TPHCM - Siêu ô nhiễm!

>> Câu cá trong dòng nước “chết”

 

Đó là kết luận của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TPHCM sau đợt giám sát hàng loạt khu công nghiệp, đơn vị sản xuất, bãi rác… trên địa bàn thành phố vừa qua. Ban Kinh tế - Ngân sách đánh giá: Nhìn chung tình trạng ô nhiễm môi trường tại TPHCM chưa giảm, có nơi còn phát sinh ô nhiễm mới nặng hơn. 

 

Theo Sở Tài nguyên - Môi trường TP, đến nay TPHCM còn 9/15 khu công nghiệp chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung; 2/3 chợ đầu mối và 35/105 bệnh viện - trung tâm y tế chưa có hệ thống xử lý nước thải…

 

Riêng huyện Bình Chánh có 72 kênh, rạch thì hầu hết đều bị ô nhiễm; 10/13 xã bị ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất nông nghiệp, thủy sản và đời sống nhân dân. Theo UBND huyện, các kênh rạch bị ô nhiễm chủ yếu là do các khu công nghiệp đổ trực tiếp nước thải ra hệ thống kênh mà không qua xử lý.

 

Tại các khu dân cư, tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn diễn biến phức tạp. Do lượng công trình hiện đang thi công quá lớn tạo nên một lượng bụi khổng lồ; rồi hệ thống xe cá nhân phát triển quá nhanh, tăng nồng độ ô nhiễm không khí. Theo Chi cục Bảo vệ môi trường TPHCM thì tại hầu hết các điểm đo trên địa bàn TP đều có lượng chất độc hại trong không khí vượt mức cho phép.

 

Ngoài ra, nhiều cơ sở sản xuất gây ô nhiễm nằm trong danh sách phải di dời nhưng vẫn không “nhúc nhích”. Hiện có hơn 140 cơ sở sản xuất thuộc diện “lì” nói trên, các cơ sở này khá lớn, đều gây ô nhiễm môi trường ở mức nặng.

 

Một nguyên nhân lớn nữa là với 8 triệu dân sinh sống nhưng TPHCM vẫn chưa có cơ sở xử lý phân hầm cầu chính thức nào. Hiện nay, cả TP chỉ có bãi chôn lấp rác Đông Thạnh (huyện Hóc Môn) là có khả năng tiếp nhận khoảng 200m3 phân hầm cầu/ngày. 

 

Con số còn lại - không ít hơn số đó - chắc chắn sẽ được các đơn vị thu gom nhỏ lẻ lén lút đem đổ trực tiếp xuống lòng kênh rạch hoặc hệ thống thoát nước của TP, gây ô nhiễm nguồn nước.

 

Do vậy, Ban Ngân sách - Kinh tế HĐND TP đề nghị UBND TP chỉ đạo 9 khu công nghiệp còn lại công khai lộ trình hoàn thành hệ thống xử lý nước thải tập trung; xử lý trách nhiệm cá nhân, đơn vị chậm trễ; có quy định thống nhất và hướng dẫn việc phối hợp kiểm tra, xử lý nghiêm các doanh nghiệp vi phạm về môi trường… 

 

Tùng Nguyên