1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Ô nhiễm bụi trong không khí ở Hà Nội và TPHCM duy trì ngưỡng cao

(Dân trí) - Báo cáo hiện trạng môi trường Quốc gia giai đoạn 2011-2015 vừa được công bố cho thấy, các đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM hay đô thị có hoạt động công nghiệp mạnh như Việt Trì (Phú Thọ), ô nhiễm bụi trong không khí có xu hướng duy trì ở ngưỡng cao, đặc biệt là các khu vực gần các trục giao thông chính.

Ô nhiễm bụi ở Hà Nội (Ảnh: Xuân Ngọc)
Ô nhiễm bụi ở Hà Nội (Ảnh: Xuân Ngọc)

Theo Báo cáo hiện trạng môi trường Quốc gia giai đoạn 2011-2015 vừa được Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố chiều qua (29/9), chất lượng không khí tại các đô thị lớn, khu vực xung quanh các khu sản xuất công nghiệp và làng nghề chưa có nhiều cải thiện so với giai đoạn 2006-2010. Trong các tác nhân gây ô nhiễm không khí thì bụi là vấn đề nổi cộm nhất.

Các đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM hay đô thị có hoạt động công nghiệp mạnh như Việt Trì (Phú Thọ), ô nhiễm bụi trong không khí có xu hướng duy trì ở ngưỡng cao, đặc biệt là các khu vực gần các trục giao thông chính. Tại các công trường xây dựng (khu chung cư, khu đô thị mới, sửa chữa đường giao thông, xây dựng đường trên cao) tình trạng ô nhiễm bụi cục bộ vẫn tiếp tục diễn ra.

Bụi và khí thải từ hoạt động giao thông thị vẫn là một trong những nguồn ô nhiễm chính đối với môi trường không khí tại các khu vực này. Bên cạnh đó, chất lượng các phương tiện tham gia giao thông còn hạn chế (xe cũ, không được bảo dưỡng thường xuyên) đã làm tăng đáng kể nồng độ các chất khí ô nhiễm trong không khí.

Tại các khu dân cư, nồng độ bụi trong không khí nhìn chung thấp hơn so với hai bên đường giao thông và các công trường xây dựng. Tuy nhiên, do chịu ảnh hưởng bởi hoạt động giao thông, công nghiệp nên hầu hết các điểm quan trắc tại khu dân cư đều ghi nhận mức độ ô nhiễm bụi vượt nhiều lần ngưỡng cho phép QCVN 05:2013/BTNMT.

Không những vậy, đối với khu dân cư còn tồn tại hoạt động đun nấu sử dụng nhiên liệu than tổ ong đã gây ra ô nhiễm cục bộ bởi SO2, CO, PM10 trong phạm vi một hộ gia đình hoặc vài hộ xung quanh.

Kết quả đánh giá chất lượng không khí thông qua chỉ số chất lượng không khí AQI cho thấy, tại các đô thị lớn, số ngày có chất lượng không khí ảnh hưởng xấu đến sức khỏe chiếm tỷ lệ khá lớn. Điển hình như tại Thủ đô Hà Nội, số ngày trong năm 2014 có AQI ở mức kém chiếm tỷ lệ hơn 50% tổng số ngày quan trắc trong năm.

Việc tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông xây dựng trong thời gian kéo dài (khởi công từ cuối năm 2011) đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động giao thông và sinh hoạt của các khu vực dân cư xung quanh. Báo cáo đánh giá, ô nhiễm bụi là vấn đề dễ nhận biết nhất bằng mắt thường, đặc biệt vào những ngày nắng nóng.

Ngoài ra, chất lượng không khí tại các khu vực xung quanh các khu sản xuất công nghiệp và làng nghề phụ thuộc vào loại hình sản xuất và mức độ phát thải của các nhà máy. Nhiều khu vực trong số này, đặc biệt là các khu xung quanh nhà máy xi măng và khai thác khoáng sản đã bị ô nhiễm. Các khu vực nông thôn và miền núi cách xa trục đường giao thông chính chất lượng không khí vẫn ở mức tốt.

Đối với ô nhiễm không khí liên quốc gia, báo cáo đưa ra nhận định, một số vấn đề như lắng đọng axit, sương mù quang hóa hay ô nhiễm xuyên biên giới đã xuất hiện những dấu hiệu ảnh hưởng nhất định đến chất lượng môi trường không khí một số khu vực. Hiện tượng sương mù quang hóa đã diễn ra ở các đô thị lớn tại một số thời điểm trong năm. Theo một số nghiên cứu, toàn bộ miền Bắc và miền Trung được đánh giá là chịu tác động đáng kể từ các nguồn phát thải từ các khu vực phía Đông, Đông Bắc, Đông Nam của Trung Quốc, Đài Loan.

Nhóm đô thị có nguy cơ ngập lụt cao

Báo cáo dẫn phân tích của Bộ Xây dựng phân chia nhóm đô thị có nguy cơ ngập cao theo vị trí đặc thù. Đó là các tỉnh, thành ven biển, ven sông, các khu vực đô thị đồng bằng có nguy cơ ngập lụt, nước biển dâng, triều cường, mất đất, nhiễm mặn nguồn nước.

“Có thể kể đến những khu vực đô thị có nguy cơ ngập lụt cao như vùng Đồng bằng sông Hồng với 141 đô thị thuộc 11 tỉnh, thành, dự kiến 5 tỉnh, thành có nguy cơ ngập cao là Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Quảng Ninh. Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung hiện có 190 đô thị thuộc 14 tỉnh, dự kiến toàn bộ 14 tỉnh có nguy cơ ngập lụt, có 41 đô thị có nguy cơ ngập cao, trong đó có Vinh, Huế, Đà Nẵng... Riêng khu vực Đông Nam Bộ, dù chỉ có 55 đô thị nhưng tỷ lệ đô thị hóa lại là 62%. Vùng Đồng bằng sông Cửu Long với 63 đô thị có nguy cơ ngập cao ở các đô thị lớn như Cần Thơ, Cà Mau, Rạch Giá”- báo cáo nêu rõ.

Thế Kha