"Ở Mỹ, người dân sợ có nhà mà không ở"

Thế Kha

(Dân trí) - Đại biểu Quốc hội Đồng Ngọc Ba chất vấn: Bao giờ đề xuất đánh thuế cao người sở hữu nhiều nhà đất? Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói: "Ở Mỹ, người dân sợ lắm khi có nhà mà không ở".

Là người cuối cùng chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà chiều 16/3, đại biểu Quốc hội Đồng Ngọc Ba - Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội - phản ánh thực tế hiện nay đang có những diễn biến rất phức tạp về đất đai. Từ năm 2019, Quốc hội đã có nghị quyết giao Chính phủ nghiên cứu giải pháp thông qua chính sách thuế để người nhiều nhà, nhiều đất bỏ hoang thì sẽ bị đánh thuế cao, nhưng gần 3 năm trôi qua vẫn chưa đề xuất được chính sách này.

Ở Mỹ, người dân sợ có nhà mà không ở - 1

Ông Đồng Ngọc Ba, đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định (Ảnh: QH).

"Xin hỏi Bộ trưởng tại sao chậm đề xuất như vậy và thời gian tới có đề xuất không? Bao giờ chúng ta làm được việc này?" - vị đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định đặt vấn đề.

Đánh giá đây là câu hỏi rất hay, Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định việc này phải sửa luật về thuế và đất đai.

Về vấn đề thuế sử dụng đất, ông Hà đồng ý rằng dự án chậm sử dụng đất thì khi đấu giá, đấu thầu phải đưa ra lộ trình sử dụng, coi là quy định bắt buộc. Nếu kéo dài phải có biện pháp đánh thuế tránh đầu cơ, trục lợi. Thuế này tăng như thế nào thì sẽ bàn tiếp.

Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường dẫn ví dụ: "Ở Mỹ, người dân sợ lắm khi có nhà mà không ở. Kể cả đất ở, dự án không đầu tư, đất nông nghiệp không sử dụng thì vẫn phải đánh thuế. Người có 5-6 nhà mà không mang lại hiệu quả cho xã hội như cho thuê, kinh doanh, thương mại... phải đánh thuế, đánh thuế lũy tiến để nhà đầu tư phải tính toán lợi ích của họ".

Ở Mỹ, người dân sợ có nhà mà không ở - 2

Bộ trưởng Trần Hồng Hà (Ảnh: Quốc Chính).

Trong khi đó, đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) hỏi về tình trạng dự án chậm triển khai ở nhiều địa phương gây lãng phí nguồn lực. Quan điểm của Bộ Tài Nguyên và Môi trường và biện pháp giải quyết trong thời gian tới như thế nào?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, những năm qua Hà Nội, TPHCM và các địa phương đã thu hồi các dự án chậm triển khai. Dự án chậm triển khai có nguyên nhân trong đó chưa xác định đâu là khách quan, chủ quan và trách nhiệm rõ ràng. Có việc chậm do làm sai thì phải xử lý, sau đó phải trả lại đất cho phát triển.

Chính phủ đã thành lập ban chỉ đạo về vấn đề này. Ví như ở Đà Nẵng có 1.000 dự án, hàng nghìn dự án ở các địa phương khác đang có liên quan đến kết luận thanh tra do vi phạm, liên quan đến tòa án đã phán xét, nhưng trên thực tế chưa giải quyết được.

Theo ông Hà, cũng có nguyên nhân do đầu cơ, doanh nghiệp một lúc nhận nhiều dự án, khu công nghiệp nhưng năng lực còn hạn chế nên không triển khai được. Vì vậy, cần phải xem các địa phương có điều kiện khó khăn thì ưu đãi các doanh nghiệp vào đầu tư. Các địa phương có giao thông hạ tầng tốt thì cần có tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư được tốt để tăng tính hiệu quả sử dụng đất.

"Có những doanh nghiệp găm đất, để chờ giá lên, không muốn đầu tư dự án thì phải dùng công cụ về thuế. Công vụ về thuế sẽ làm cho người đang ôm đất sẽ bỏ đất ra, giá đất đang cao có thể thấp xuống" - ông Hà dự đoán.

Ở Mỹ, người dân sợ có nhà mà không ở - 3

"Người đầu cơ đất đai thì cần đánh thuế cao hơn vì đầu cơ, lướt sóng không làm phát sinh giá trị kinh tế cho xã hội" - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nêu quan điểm.

Cũng theo ông Hà, nhiều trường hợp đất đáng lẽ giao làm dự án khu công nghiệp nhưng găm lại không làm thì đất vẫn lên giá và chậm thời gian đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội, hạ tầng cũng là hiện tượng trốn thuế. Do đó, khi dự án đấu thầu, đấu giá cần xác định thời gian bao lâu được hưởng chính sách ưu đãi, nếu không làm thì phải tăng thuế lũy tiến để bổ sung nguồn thuế.

"Người đầu cơ đất đai thì cần đánh thuế cao hơn vì đầu cơ, lướt sóng không làm phát sinh giá trị kinh tế cho xã hội" - tư lệnh ngành tài nguyên và môi trường nêu quan điểm.

Bộ Tài chính chưa xây dựng luật đánh thuế nhà đất

Ngày 14/3, Bộ Tài chính phát đi thông báo cho biết đang đề nghị các bộ, ngành, địa phương và tổ chức có liên quan tổng kết, đánh giá tác động về tình hình thực hiện Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp và Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp.

6 luật thuế dự kiến sửa đổi, bổ sung gồm: Thuế tài nguyên; Thuế bảo vệ môi trường; Thuế sử dụng đất nông nghiệp; Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp; Thuế thu nhập cá nhân; Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

Bộ Tài chính thông tin thêm, hiện nay chưa xây dựng dự thảo luật để lấy ý kiến của các tổ chức, cá nhân trước khi trình Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội. Bộ này sẽ tổng kết, đánh giá quá trình triển khai thi hành Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp và Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp để đề xuất các giải pháp hoàn thiện chính sách thuế liên quan đến bất động sản sau đó báo cáo cấp có thẩm quyền theo đúng tiến độ.