1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Hải Phòng:

Ở đảo tiền tiêu ngày gió mùa

(Dân trí) - Tôi trở lại Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) sau 12 năm kể từ chuyến ra đảo cuối cùng vào năm 2005. Giữa tiết trời xuân nhưng đảo tiền tiêu đón tôi cùng các đồng nghiệp bằng cơn gió mùa kèm cái rét đến cắt da, cắt thịt. Ở đảo những ngày này mới thấy cái khó, cái khổ của nơi đầu sóng ngọn gió và hơn cả là được chứng kiến cư dân cùng chính quyền nơi đây vượt qua gian khó như thế nào.


Cứ gió mùa về đảo Bạch Long Vĩ là tàu thuyền phải kéo vào sát bờ

Cứ gió mùa về đảo Bạch Long Vĩ là tàu thuyền phải kéo vào sát bờ

Sống chung với gió mùa

Đêm đầu tiên ở đảo, cuộn mình trong tấm chăn bông mà chính tay chị cán bộ nhà khách huyện lồng vào cho chúng tôi lúc chiều, tôi vẫn không sao xua được cái rét bủa vây từ bốn phía. Ngoài kia, gió rít lên từng đợt, gió như muốn nhấc cả khung cửa sổ ra khỏi bức tường căn phòng chúng tôi đang ở. Tôi và cô bạn đồng nghiệp nằm trằn trọc nghe gió rít và cùng thấm cái khổ đầu tiên mà người dân ở đảo phải đối mặt.


Thuyền nan được ngư dân Bạch Long Vĩ đưa hẳn lên bờ khi có gió mùa về để đảm bảo an toàn

Thuyền nan được ngư dân Bạch Long Vĩ đưa hẳn lên bờ khi có gió mùa về để đảm bảo an toàn

6h sáng, tiếng kèn hiệu lệnh phát ra từ phía doanh trại quân đội đóng trên đỉnh đồi thuộc trung tâm huyện Bạch Long Vĩ. Tiếp theo là tiếng loa phóng thanh ngay cột điện gần nơi chúng tôi ở phát đi những bản tin đầu tiên trong ngày. Rồi tiếng xe máy, tiếng người gọi nhau… rộn ràng cả đảo.

Khoác chiếc áo bông đại hàn, quấn khăn chừa mỗi đôi mắt, chúng tôi lên chiếc máy cà tàng của một anh cán bộ huyện cho mượn trước đó, làm một vòng quanh đảo. Dọc đường, trái ngược với vẻ co ro trong áo ấm của chúng tôi, nhiều người dân đảo vẫn áo mỏng đi tập thể dục, thỉnh thoảng vẫn có thanh niên áo thun, quần cộc phóng xe máy vù vù. Lác đác ở con đường trung tâm đảo, đã có vài hàng quán mở cửa.


Ngưng gió mùa là ngư dân lập tức ra khơi

Ngưng gió mùa là ngư dân lập tức ra khơi

Ông Nguyễn Văn Hùng (56 tuổi), người ra đảo đã ngót 20 năm nay, chia sẻ, những ngày mới ra đảo sợ nhất là gió mùa. Sợ vì có gió mùa tức là ngừng đi biển, gió mùa tới là tốc mái nhà, gió mùa tới là tàu không thể ra đảo nên thiếu gạo, thiếu thực phẩm, thiếu rau xanh…

“Bây giờ tuy đã có thể phần nào tự chủ được lương thực, thực phẩm, nhà cũng bớt lo tốc mái vì đã có nhà mái bằng. Nhưng gió mùa vẫn là nỗi lo lắng bởi không thể ra khơi được. Nhất là với những gia đình sống bằng nghề chài lưới”, ông Hùng nói.

Chị Trần Thị Loan (40 tuổi) vốn là thanh niên xung phong ra đảo rồi lấy chồng và ở lại đảo lập nghiệp, kể, đối mặt với gió mùa mãi rồi thành quen. Dân đảo đã học cách sống chung với gió mùa cũng như mưa bão vậy. “Chằng chống nhà cửa, đưa thuyền lên bờ, dự trữ lương thực thực phẩm… Chúng tôi đã vượt qua gió mùa bằng cách tập sống chung với nó”, chị Loan cười nói.

Quả thật, dạo quanh đảo trong những ngày này, chúng tôi thấy những con tàu đỗ ngay ngắn thành hàng trong âu cảng, nhiều thuyền nhỏ được đưa lên bờ… Và mặc kệ gió mùa đang quần thảo, thịt lợn kèm giò chả vẫn được bày bán, rau xanh không thiếu thứ gì; những hàng ăn phong phú với bún cá, bánh đa cua; những quán cà phê căng sóng wifi... vẫn sẵn sàng phục vụ khách.

Những con người mến khách không thích nói về mình

Khi chúng tôi theo con tàu Biên phòng vượt biển đến với đảo, anh bạn là lãnh đạo huyện ủy ra tận cầu tàu đón và nói vui: đảo chẳng có gì, chỉ có gió mùa, sóng biển và sự mến khách.

Đúng là như vậy, vừa đặt chân đến UBND huyện, khi dư âm của trận say sóng còn chưa dứt, chúng tôi lập tức được các chị trong nhà ăn chăm sóc một cách chu đáo và tận tình. Từ hỏi han về sức khỏe cho đến bát cháo nóng hay những cốc nước gừng... Cậu Bí thư đoàn thanh niên tên Oanh còn dúi vào tay tôi chiếc chìa khóa xe máy và nói thầm: "Em chọn cho chị chiếc xe “ngon” nhất đảo để chị đi thăm đảo đó".

Rồi các chị Chuyên, chị Hương… nhà bếp ngày nào cũng lo cho chúng tôi từng bát cơm dẻo, canh nóng…mà lúc nào cũng áy náy vì chúng tôi ra đảo ngay sau tết, ngư dân còn nghỉ nhiều nên chưa có đồ ăn tươi. Khi tôi gặp gió bị dị ứng không ra khỏi phòng được, các chị thay nhau mang cháo đến tận nơi, chờ tôi ăn hết mới yên tâm ra về.


Ngư dân trên đảo thu lưới sau một đêm thả.

Ngư dân trên đảo thu lưới sau một đêm thả.

Các anh chị lãnh đạo huyện chu đáo dặn dò chúng tôi từng chút một, từ cách mặc ấm khi ra ngoài gió cho đến buổi tối ra đường phải mang theo đèn pin đề phòng rắn… Bí thư kiêm Chủ tịch UBND huyện đảo Đỗ Đức Hòa còn đích thân lái xe đưa chúng tôi đi một vòng quanh đảo để tận mắt thấy những gì huyện đảo đã có được và những thiếu thốn đang phải đối mặt.

Mến khách là thế, tận tình là thế nhưng đến khi nói về mình, ai cùng từ chối hoặc chỉ sang người khác. Bác sĩ Nguyễn Đức Quân, phụ trách Trung tâm y tế Quân dân y của huyện đảo cũng vậy. Dù trung tâm giờ đã trở thành địa chỉ tin cậy của cư dân đảo, của ngư dân vì cứu sống biết bao bệnh nhân cận kề cửa tử, thực hiện thành công nhiều ca phẫu thuật khó… nhưng khi trả lời chúng tôi, anh dường như chỉ nói về công sức của tập thể, của các đồng nghiệp khác.

Rồi chị Hân - Chủ tịch Hội Phụ nữ, chị Bích - Phó Bí thư kiêm Chủ tịch HĐND… rất khó khăn và kiệm lời khi nói về mình. Riêng Bí thư kiêm Chủ tịch huyện đảo Đỗ Đức Hòa thì thẳng thắn chia sẻ: “Những gì huyện đảo có được ngày hôm nay là nhờ ý tưởng của những người đi trước, chúng tôi chỉ là người kế thừa, phát huy và biến ý tưởng đó thành sự thật khi thời cơ đến mà thôi”.

Gặp những người ăn Tết muộn

Chúng tôi rời đảo sớm hơn dự kiến 2 ngày bởi theo một cán bộ huyện, nếu không về sớm sẽ có một đợt gió mùa mới ập tới và không biết ngày nào mới có thể về lại đất liền. Lúc này gió mùa đã ngớt, trời hửng nắng, lác đác đã có các con thuyền ra thả lưới trong khu vực âu tàu. Thỉnh thoảng lại thấy một vài người dân đi thu lưới được thả từ đêm trước về. Và trên chuyến tàu về đất liền hôm ấy, chúng tôi may mắn được gặp các anh, các chị, những cán bộ lãnh đạo huyện đã ở lại cùng dân đảo đón Tết, bây giờ mới được về đất liền ăn Tết muộn cùng với gia đình.

Một lãnh đạo huyện chia sẻ, Tết năm nào cũng vậy, các anh chị sẽ phân công nhau một nửa về đất liền ăn Tết, một nửa ở lại bám đảo, ăn Tết cùng người dân. Khi những người ở đất liền quay ra thì những người trực Tết mới được về.

Chuyến về hôm ấy dù sóng khá to nhưng chúng tôi dường như quên cả say sóng khi được nghe anh Toản, Chính trị viên Ban Chỉ huy Quân sự huyện hát từ quan họ đến chèo rồi cả chầu văn... Rồi một bữa tiệc nhỏ được bày biện ngay trên sàn tàu với cháo gà và bánh kẹo...


Bạch Long Vĩ đang thay da, đổi thịt từng ngày

Bạch Long Vĩ đang thay da, đổi thịt từng ngày

Anh Đoan - Viện phó VKS huyện, anh Toản... hồ hởi gọi về báo với gia đình đang trên tàu trở về nhà ăn Tết. Chị Hương băn khoăn khi tàu về đất liền vào chiều muộn, không biết kịp bắt xe về Hòa Bình với con cháu? Chị Bích yên tâm vì đã có ông xã hứa ra tận cầu tàu đón... Những câu chuyện, cuộc gọi rôm rả và hào hứng cho một cái Tết muộn bên gia đình.

17h, tàu cập Cảng Đông Hải, Hải Phòng, chúng tôi bịn rịn chia tay các anh chị ngay cầu tàu. Vẫn biết là vì nhiệm vụ, vì lý tưởng… nhưng nếu không có tình yêu đảo, chắc chắn các anh, các chị không thể bám trụ lại đảo lâu như thế. Chỉ với 6 ngày ở đảo, sống giữa tâm gió mùa, chúng tôi đã thấm những gì người dân cùng chính quyền huyện đảo Bạch Long Vĩ đang phải trải qua. Và chắc chắn chúng tôi sẽ quay trở lại nơi đây vào một ngày không xa, để chứng kiến một Bạch Long Vĩ ngày càng thay da, đổi thịt.

Hải Sâm

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm