Quảng Ngãi:
Nuôi cá bằng nước thải nhà máy giấy để "thử" độ ô nhiễm
(Dân trí) - Lo ngại ô nhiễm, tỉnh Quảng Ngãi sẽ tăng cường giám sát hệ thống xử lý nước thải của nhà máy Bột - Giấy VNT19. Nuôi cá bằng nước thải đã qua xử lý là một trong nhiều giải pháp được thực hiện.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh vừa có ý kiến chỉ đạo liên quan đến việc tư vấn, phản biện và giám định xã hội đối với dự án nhà máy Bột - Giấy VNT19 (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi).
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi thống nhất việc không tổ chức tư vấn, phản biện và giám định xã hội đối với toàn bộ dự án. Thay vào đó, ông Minh yêu cầu Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật tỉnh Quảng Ngãi tập trung phản biện, giám định xã hội đối với hệ thống xử lý nước thải của dự án này. Đặc biệt lưu ý đến việc bố trí hệ thống hồ sự cố kết hợp hồ sinh học, bể chỉ thị sinh học để nuôi cá nhằm kiểm định chất lượng nước thải sau xử lý trước khi thải ra biển.
Dự án nhà máy Bột - giấy VNT19 do Công ty cổ phần Bột giấy VNT19 làm chủ đầu tư, được UBND tỉnh Quảng Ngãi cấp Giấy chứng nhận đầu tư vào tháng 3/2011. Dự án có công suất giai đoạn 1 là 350.000 tấn bột giấy tẩy trắng/năm, với tổng vốn đầu tư khoảng 9.900 tỷ đồng. Trong quá trình xây dựng, nhà máy bị phát hiện nhập một số máy móc đã qua sử dụng về lắp ráp.
Theo dự kiến ban đầu, đến quý 4/2019, nhà máy này sẽ đi vào hoạt động. Tuy nhiên, do có nhiều vướng mắc nên đến thời điểm này dự án vẫn chưa thể hoàn thành.
Theo báo cáo đánh giá tác động môi trường được duyệt năm 2015, nhà máy này sẽ xả thải ra vịnh Việt Thanh (huyện Bình Sơn). Những vấn đề trên khiến người dân địa phương lo ngại nhà máy sẽ gây ô nhiễm.
Năm 2017, chính quyền tỉnh Quảng Ngãi từng bày tỏ nhiều lo ngại đối với dự án này, đặc biệt là vị trí xả thải ra vịnh Việt Thanh. UBND tỉnh Quảng Ngãi nhiều lần gửi văn bản đến Bộ TN&MT đề nghị xem xét lại vị trí xả thải, và hệ thống xử lý nước thải. Thời điểm đó, tỉnh này cũng yêu cầu phải bổ sung hồ chỉ thị sinh học nhằm kiểm soát nguồn nước thải trước khi thải ra biển.