Nước sông Thị Vải ô nhiễm: Cá chết, người khóc
Trong mấy ngày qua, nhiều hộ dân nuôi cá, tôm ở đùng ven sông Thị Vải, trên địa bàn xã Mỹ Xuân, huyện Tân Thành (tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu) đang điêu đứng vì cá của họ chết hàng loạt, nổi và dạt trắng cả bờ. Cá không bán được phải mang đốt, làm phân.
Hàng tấn cá thành...nước!
Đó là tình cảnh đùng cá rộng 30ha của các ông Ngô Văn Lượng, Phạm Văn Lạng, Vũ Văn Quý và Vũ Văn Mộng. Tối ngày 13/12, vì nước triều lên ông Lượng mở cống cho nước từ sông Thị Vải vào đùng của mình. Sáng sớm ngày 14/12, ông Lượng phát hiện cá trong đùng ông chết hàng loạt. Vợ chồng ông Lượng cùng những người đồng sở hữu đùng vớt sơ sơ được khoảng… 1 tấn cá chết.
Cá bán không ai mua, cho không ai ăn, vợ chồng ông Lượng đành phải cho người họ hàng để làm phân. Ngoài 1 tấn cá chết vớt được theo ước tính của ông Lượng thì còn khoảng 2 tấn không vớt trong đùng. Cá chết dạt vào bờ, ông Lượng phải vớt lên trên bờ để đốt hoặc hốt ra sông để đùng khỏi hôi thối. Sau ngày 14/12 đó, cá trong đùng của ông Lượng còn tiếp tục rả rích "rụng" dần như lá mùa thu.
Chiều ngày 19/12, sau gần 1 tuần xảy ra hiện tượng cá chết, xác cá chết vẫn nằm đầy rẫy dọc mép nước lẫn với lá vàng và rác. Có con còn đang phân rữa, có số bị phân huỷ hết chỉ còn xương trắng.
Vợ ông Lượng xót xa: "Chưa bao giờ, chúng tôi gặp cảnh này. Cá chết cứ từng bè, từng bè nổi trên nước mà toàn là cá loại 30.000-40.000 đồng/kg". Theo ước tính của ông Lượng thì thiệt hại do cá chết khoảng trên 100 triệu đồng. Cá chết nổi lên thì còn thể ước được số lượng, còn tôm chết thì chịu không biết là bao nhiêu vì chìm dưới đáy nước. Người làm thuê của gia đình ông Lượng cho biết trước đây cất một mẻ tôm cỡ chục ký là thường nhưng bây giờ chỉ có vài con trong lưới.
Mặc dù biết nước bị ô nhiễm nhưng ông Lượng vẫn phải lấy nước vào đùng vì nếu không thì mực ngoài sông sẽ cao hơn mực nước trong đùng làm bờ đùng rất dễ bị vỡ. Ông cho biết, đùng của ông có 14 cống để xả, lấy nước nhưng đêm 13 ông chỉ lấy nước ở một cống. Hôm cá chết, ông Lượng không dám cho vợ mình ra đùng vì sợ vợ thấy cá chết mà hoảng. Ngày sau biết cá chết, bà Lượng đã ngồi khóc trên bờ đùng.
Cùng chung tình cảnh với đùng của ông Lượng còn có đùng của ông Ngô Văn Vãng rộng 30 ha, đùng của ông Nguyễn Văn Tuấn, Trương Trọng Ngân, đùng chuyên nuôi cá chẽm của ông Nguyễn Văn Thiện…
Thủ phạm: Nước sông Thị Vải
Những người dân có cá, tôm bị chết khẳng định nguồn nước sông Thị Vải bị ô nhiễm quá nặng do nước thải của các nhà máy công nghiệp đổ ra. "Mấy năm trở lại đây, đùng nào ở dọc sông này cũng đều bị "dính" như tôi hết", ông Lượng cho hay. Theo chiếc ghe nhỏ của gia đình ông Lượng ra đùng, đi trên sông Thị Vải chúng tôi đã ngửi thấy mùi hôi khó chịu. Càng đi gần vào những bờ đùng thì mùi càng nặng hơn. Nước ở giữa sông còn có màu vàng nhưng đi vào trong thì chuyển sang màu đen dần.
Anh Ngô Văn Vãng cho biết, nước sông vào ban ngày còn đỡ hôi chứ vào ban đêm hôi lắm. Vì theo anh Vãng do ban đêm các nhà máy dọc sông Thị Vải mới xả nước thải ra sông. Có những lúc màu nước đen như nước kẹo đắng. Nhiều người nuôi cá tôm dọc sông Thị Vải cho biết những năm gần đây cá, tôm chỉ rải rác chết còn bây giờ thì cá đã chết hàng loạt. Ông Lượng nói: "Vào đầu năm 2005 chúng tôi nghe nói có đoàn kiểm tra của Nhà nước đến làm việc thì nước sông đỡ hôi, đỡ đen nhưng được một thời gian sau đâu lại vào đấy".
Nhiều gia đình đang sống bằng nghề nuôi cá đùng như ông Lượng, ông Vãng đang rất lo lắng. "Nước cứ như thế này thì chúng tôi không làm ăn gì được", ông Vãng than thở.
Thực tế thì mới đây, khi cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra một số nhà máy đóng dọc sông Thị Vải đã phát hiện việc đổ nước thải ra sông không qua xử lý, vượt quá quy định cho phép. Qua kiểm tra 18 nhà máy, Thanh tra Sở Tài nguyên-Môi trường tỉnh phát hiện có 7 đơn vị đã vi phạm Luật Bảo vệ Môi trường gồm: Nhà máy Gạch men Hoàng Gia, Nhà máy Gạch men Mỹ Ý, Nhà máy phân bón Baconco, Cảng Baria-Serece, Nhà máy chế biến hải sản Tiến Đạt, Nhà máy chế biến bột cá East Wind và Nhà máy chế biến bột cá Phúc Lộc.
Sau ngày 30/12/2005, nếu các nhà máy trên tiếp tục vi phạm thì Sở Tài nguyên-Môi trường sẽ kiến nghị tỉnh ra quyết định tạm đóng cửa cho đến khi khắc phục xong.
Theo Đình Thìn
Báo Bà Rịa - Vũng Tàu