Nước sông Lam lên nhanh, người dân bình thản đón lũ

(Dân trí) - Mưa lớn kéo dài, thượng nguồn xả lũ khiến mực nước hạ nguồn sông Lam dâng cao từng giờ, một số địa phương đã bị ngập cục bộ. Người dân vùng rốn lũ Hưng Nguyên (Nghệ An) sơ tán gia súc, gia cầm, chuẩn bị lương thực, thực phẩm sẵn sàng đón lũ.

Người dân hạ nguồn sông Lam sẵn sàng đón lũ

Gần 4 ngày qua, mưa lớn liên tục đã gây lũ trên sông Cả (sông Lam), mực nước tại trạm thủy văn Nam Đàn (Nghệ An) lúc 7h ngày 12/10/2017 là 6,11m (trên báo động I là 0,71m). Đến rạng sáng ngày 13/10, dự báo lũ hạ lưu sông Cả tại Nam Đàn sẽ đạt đỉnh ở mức 6,5m.

Nhiều khu vực hạ nguồn sông Lam bị chia cắt, cô lập do nước lũ dâng cao
Nhiều khu vực hạ nguồn sông Lam bị chia cắt, cô lập do nước lũ dâng cao

Có 639 hộ dân tại 3 xã ven sông Lam thuộc huyện Hưng Nguyên (gồm xã Hưng Nhân, Hưng Lợi, Hưng Lam) bị ngập lụt, 6 điểm trường học ở khu vực ngoài đê Tả Lam bị ngập sâu, phải cho học sinh nghỉ học.

Mưa lớn làm nước sông lên cao gây sạt lở bờ sông Lam, kè bảo vệ đê Tả Lam (địa bàn xã Hưng Hòa, thành phố Vinh; xã Hưng Xá, huyện Hưng Nguyên; xã Thanh Khai, huyện Thanh Chương, đê Tả Lam phía hữu huyện Thanh Chương, xã Nam Trung huyện Nam Đàn, sông Rộ, xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương...).

Nhiều chuồng trại chăn nuôi của người dân xã Hưng Lợi (Hưng Nguyên, Nghệ An) bị ngập sâu
Nhiều chuồng trại chăn nuôi của người dân xã Hưng Lợi (Hưng Nguyên, Nghệ An) bị ngập sâu

Sáng ngày 12/10, nhiều khu vực thuộc các xã ven sông Lam thuộc huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) đã bị ngập lụt cục bộ. Nhiều điểm nước ngập sâu hơn 1 mét, chia cắt với khu vực xung quang. Đây là khu vực hạ nguồn sông Lam, vẫn được xem là vùng rốn lũ của huyện Hưng Nguyên, do vậy, việc sống chung với ngập lụt không phải là điều quá mới mẻ, khó khăn đối với người dân.

Nước ngập đường chỗ sâu nhất lên tới 1 mét, nhiều người dân xóm 2, xã Hưng Nhân đã bắt đầu sơ tán trâu bò đến các khu vực cao gần trung tâm UBND xã. Xóm 2 giống như một ốc đảo, một bên là dòng sông Lam dâng nước theo từng giờ.

Nước dâng cao theo từng giờ, xóm 2, xã Hưng Nhân đã bị chia cắt, cô lập hoàn toàn với bên ngoài
Nước dâng cao theo từng giờ, xóm 2, xã Hưng Nhân đã bị chia cắt, cô lập hoàn toàn với bên ngoài

Là vùng rốn lũ, người dân đã quá quen với cảnh ngập lụt nên vào thời điểm này hàng năm, tất cả các hộ dân trong xóm đã tích trữ lương thực, chất đốt, thức ăn cho gia súc, gia cầm để sẵn sàng đón lũ. Xóm này cũng được người dân hài hước gọi là xóm “nhà tầng” bởi dù giàu hay nghèo thì nhà dân ở đây đều làm thêm "cồn tự cứu". Cồn tự cứu thực chất là gác 2 của căn nhà, có cầu thang vững chắc, lúc cần thiết có thể sơ tán người, gia súc, gia cầm lên đây tránh lũ.

Phương tiện di chuyển duy nhất của người dân vùng rốn lũ Hưng Nguyên là thuyền
Phương tiện di chuyển duy nhất của người dân vùng rốn lũ Hưng Nguyên là thuyền

“Đây là nơi cất trữ lương thực cho người, thức ăn khô cho gia súc. Có những năm lụt to, trâu bò đều được sơ tán lên đây hết. Lụt một tuần đến nửa tháng vẫn yên tâm. Nhà chống lụt chỉ sử dụng khi lụt kéo dài thôi, còn giờ nước mới dâng mấp mé bờ sân, ở trong xã vẫn có nhiều khu vực khô hoặc lùa trâu bò lên đê, dựng lán tạm để chăn thả”, ông Phạm Văn Tâm – xóm 2, xã Hưng Nhân cho biết.

Những căn nhà chống lũ đã sẵn sàng
Những căn nhà chống lũ đã sẵn sàng

Kinh nghiệm của người dân vùng rốn lũ, ông Tâm phán đoán trận lụt năm nay sẽ lớn khi nước liên tục dâng theo từng giờ. Ngoài việc tích trữ lương thực, nước sạch, lo chỗ sơ tán cho gia súc, gia cầm, trước mỗi cổng nhà dân đều có một thân gỗ buộc chắn ngang, ngăn rác rưởi theo dòng chảy tràn vào sân vườn. Nước ngập đường liên xóm nên trẻ em đã được nghỉ học từ hôm qua.

Người dân sơ tán gia súc lên đê Tả Lam tránh lũ
Người dân sơ tán gia súc lên đê Tả Lam tránh lũ

Mưa lớn kéo dài cũng khiến trang trại chăn nuôi của ông Ngô Văn Lượng (xóm 6, xã Hưng Lợi, Hưng Nguyên) bị ngập. Hơn 50 con lợn sắp đến kỳ xuất chuồng lội bì bõm trong nước. Ông Lượng quây lưới sắt trên đê Tả Lam làm chuồng tạm rồi nhờ người đến “sơ tán” đàn lợn của mình. Trong khi đó, đàn gia cầm đã được tháo chuồng, lên trú ngụ ở nóc nhà, nóc chuồng trại.

Gia đình ông Lượng đưa đàn lợn từ khu vực chuồng trại bị ngập nước lên chuồng tạm dựng trên đường ven đê Tả Lam
Gia đình ông Lượng đưa đàn lợn từ khu vực chuồng trại bị ngập nước lên chuồng tạm dựng trên đường ven đê Tả Lam

Từ khu vực chuồng trại đến khu chuồng tạm dài khoảng 50m, nước ngập có đoạn hơn nửa mét. Đàn lợn sợ nước, không dám di chuyển. 3 người đàn ông đánh vật với con lợn khoảng 70kg, vừa dỗ, vừa kéo, vừa đẩy đi trong nước. Phải mất 15-20 phút, toát cả mồ hôi hột, 3 người đàn ông mới “kè” được con lợn lên đường, nhốt vào chuồng tạm.

“Tình hình còn diễn biến phức tạp, thượng nguồn xả lũ, cộng với mưa lớn kéo dài, nước không kịp thoát, lại chuẩn bị đón cơn bão mới, thôi cứ sơ tán hết gia súc, gia cầm lên đường cho yên tâm”, ông Lượng nói.

6 điểm trường ngoài đê Tả Lam thuộc huyện Hưng Nguyên phải cho học sinh nghỉ học tránh lũ
6 điểm trường ngoài đê Tả Lam thuộc huyện Hưng Nguyên phải cho học sinh nghỉ học tránh lũ

Đối với các hộ chăn nuôi lớn, chuẩn bị đủ thức ăn cho gia súc, gia cầm trong thời tiết mưa lớn, nước dâng cao liên tục là điều không dễ dàng. Nhiều hộ dân căng bạt bên vệ đường, nhóm củi nấu cám cho lợn. “Đêm nay, chúng tôi cũng phải ở lại trên mặt đê để canh lợn, canh trâu bò. Lúc nào nước rút thì đưa về chuồng trại. Hi vọng đợt lụt này không kéo quá dài”, ông Lượng cho biết thêm.

Hoàng Lam