1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Kon Tum:

Nước sạch tiền tỉ bị “tẩy chay”

(Dân trí) - Ngày 31/1/2002, Công trình thí điểm Dự án phát triển nước ngầm Tây Nguyên đặt tại xã Đăk Ui, huyện Đăk Hà (Kon Tum) trị giá 2,6 tỉ đồng đã chính thức khánh thành và đưa vào sử dụng. Nhưng niềm vui đón nước sạch của người dân chỉ kéo dài được vài tháng rồi... ngưng hẳn.

Ông Phạm Minh Toản, Phó Chủ tịch HĐND xã Đăk Ui, dẫn chúng tôi đi mục sở thị một vòng các điểm đặt bể nước tại các thôn, bể chứa trung tâm và trạm bơm nước. Tất cả đều được xây dựng khá bề thế và quy củ.

 

Trạm bơm nước được đặt ngay trước mặt Trạm Y tế xã, giếng khoan được khoan sâu vào lòng đất đến 150m để lấy cho được nước sạch. Lúc đầu, theo thiết kế nước từ trạm bơm được đưa theo đường ống thép đổ thẳng vào bể chứa trên đồi cao. Tại đây, nước tiếp tục được xử lý qua các khâu để “sạch hoá” trước khi toả về 36 bể sinh hoạt tại các thôn.

 

Nhưng, theo ông Toản, do không đủ áp lực bơm nên nước không lên nổi bể chứa, ngành chủ quản đành phải chuyển sang dùng ống cao su. Trong khoảng vài ba tháng đầu, gần 800 hộ gia đình đồng bào dân tộc Xê Đăng rất mừng vui vì từ đây họ đã có nước sạch “chính hiệu” để sử dụng. Chị Y Lah, Phó Trạm y tế xã nói: “Có nước sạch, chúng tôi là người mừng hơn tất cả, bà con ít bệnh hơn!”.

 

Sau gần 4 tháng sử dụng, khi cán bộ quản lý trạm bơm đưa hoá đơn thu tiền, bà con đã có sự mâu thuẫn, không bằng lòng. Nguyên nhân là do một bể nước chung cho 5-7 hộ, với duy nhất 1 đồng hồ điện nên khi thanh toán tiền phải chia trung bình. Anh A Viên  ở thôn 7 nói: “Như nhà mình bình quân mỗi tháng phải mất 30.000 đồng”.

 

Theo ông Toản, trạm bơm đã “ngốn” một lượng điện quá lớn, chi phí này lại đổ lên đầu dân. Trong khi tập tục lâu đời của bà con là dùng “nước trời”, nước tự chảy, đâu mất tiền. Thế nên họ đồng loạt “tẩy chay” nước sạch.

 

Ông Toản cho biết đã nhiều lần vận động người dân quay trở lại với nước sạch, nhưng cũng khó vì dân ở đây còn nghèo, chi phí hàng tháng như thế là quá cao. Rất nhiều lần họp tiếp xúc cử tri, bà con phản ảnh rất dữ. Họ đề nghị chính quyền nên cho mỗi hộ một đồng hồ điện riêng, xem xét hạ thấp mức thu tiền điện… nhưng việc này không thuộc thẩm quyền của xã.

 

Vậy là đã 5 năm trôi qua, công trình thí điểm nước ngầm tiền tỉ (do Tổ chức hợp tác quốc tế Nhật Bản - JICA) viện trợ vẫn nằm im lìm “đắp chiếu”. Theo thời gian, các hạng mục công trình ngày càng hư hỏng nặng. Các đường ống phần thì hư hỏng, phần bị tháo trộm, bể chứa nước vỡ toang hoác, cây cối mọc um tùm xung quanh. 36 bể nhỏ tại các thôn “may thay” được dân tận dụng làm bể chứa nước tự chảy!

Đại Hoà

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm