1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

TT-Huế:

Nước ngầm ăn mòn gây sụt đất

(Dân trí) - Hôm qua 18/6, Tiến sĩ Trần Hữu Tuyên (trường ĐH Khoa học Huế) cho biết bước đầu xác định nguyên nhân của hiện tượng sụt lún đất xảy ra bất ngờ ngày 13/12/2007 tại thôn Trung Thượng, xã Thuỷ Biều, TP Huế là do sự ăn mòn của nước ngầm.

Nước ngầm ăn mòn làm thành hang hốc karst mỏng dần, mất sức chịu tải bởi các lớp đất nằm trên gây ra hiện tượng sụt lún bề mặt. So với một số khu vực khác như ở Quảng Trị, Quảng Bình thì khu vực đá vôi Thủy Biều có mật độ hang hốc karst thấp, vùng có nguy cơ sụt lún đất chiếm diện tích không đáng kể. Tuy nhiên, hiện tượng sụt đất do karst này thuộc dạng tai biến địa chất, tương tự như động đất, sóng thần... nên cần mở rộng công tác điều tra, khoanh định và dự báo các vị trí có nguy cơ xảy ra sụt đất do karst tại một số địa phương khác trong tỉnh.

 

Theo kết quả của hố khoan thăm dò, tài liệu mặt cắt điện và bằng phương pháp đo sâu ảnh điện 2D trên 6 tuyến mặt cắt với khoảng cách các điểm quan sát địa vật lý là 6m, đoàn nghiên cứu đã xác định hố sụt karst này có hình dạng một giếng karst với đường kính khoảng 6m và chiều sâu khoảng 15m kể từ mặt đất, không liên thông với hệ thống hang động khác.

 

Đá gốc ở đây chủ yếu là đá vôi, có cấu tạo khối với mật độ khe nứt không lớn, có độ mở từ 2- 5cm. Nhưng vào mùa mưa lũ sắp đến, khả năng sụt lún mặt đất tại khu vực này rất lớn.

 

Các giải pháp khẩn cấp trước mắt đối với hố sụt này: Tiến hành rào chắn và cắm biển báo nguy hiểm xung quanh hố sụt karst nhằm hạn chế những thiệt hại về người và trâu bò; đắp bờ cao xung quanh miệng hố sụt, cách bờ hố từ 5m đến 7m nhằm hạn chế sự tiêu thoát nước tưới ruộng của nhân dân ở đây và cần theo dõi sự biến động của hố sụt này thường xuyên để có biện pháp giải quyết kịp thời.

 

Để khắc phục nước từ hố sụt karst chảy vào khu vực mỏ đá vôi Long Thọ, có thể tiến hành đắp bù vật liệu sét vào hố sụt và thi công tường chống thấm bằng phụt vữa dung dịch xi măng...

 

Anh Sơn