1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Nước mắt trước ngày đặc xá

(Dân trí) - Chỉ ít ngày nữa, quyết định đặc xá của Chủ tịch nước sẽ được công bố, 180 phạm nhân trong diện được hưởng đặc xá tại trại giam Thanh Phong (đóng tại huyện Nông Cống, Thanh Hóa) càng thêm náo nức và hồi hộp đón chờ...

Những giọt nước mắt hạnh phúc

 

Trò chuyện với chúng tôi, Nguyễn Thị Quyên, 20 tuổi, quê ở Ba vì, Hà Nội, không ít lần đưa tay quệt nước mắt, Quyên bảo: “Cháu vui lắm, mừng lắm, cháu sắp được về nhà rồi”... Đang học lớp 11, do ham chơi, bạn bè rủ rê nên Quyên vướng vào tội đồng phạm buôn bán phụ nữ và bị phạt 5 năm tù. Thời gian cải tạo ở trại giúp cho Quyên nhận thức ra được nhiều điều và rất hối hận về những việc mình đã làm trước đây. Ở trại được các cô chú cán bộ rồi chị em ở cùng phân trại dạy bảo, động viên Quyên đã cố gắng lao động, cải tạo tốt nên hàng năm đều được xét giảm án và dịp này Quyên là một trong số những phạm nhân được hưởng đặc xá, sớm trở về với gia đình, người thân. Mong ước của Quyên khi về với cộng đồng là mở một cửa hàng buôn bán thời trang để kiếm sống...

 

Tại nơi nghỉ ngơi của phạm nhân thuộc phân trại I, Phạm Thị Hương, sinh năm 1990 ở xã Thuỵ Quân (huyện Thái Thuỵ, tỉnh Thái Bình) đang gấp bộ quần áo cho vào ba lô nhỏ. Hương không nhớ đây là lần thứ mấy trong ngày mở quần áo ra rồi lại gấp lại bởi tâm trạng vui mừng, hồi hộp. Vậy là những ngày phấn đấu cải tạo tốt để sớm nhận chính sách khoan hồng của nhà nước đối với em đã thành hiện thực.

 

Hương tâm sự: em vào trại từ năm 2007. Lúc đó mới 16 tuổi, do tuổi trẻ bồng bột, em đã đâm chết bà cụ hàng xóm. Nhưng nhờ cải tạo tốt em đã được hưởng chính sách khoan hồng của nhà nước. Tuy nhiên Hương cũng có nhiều lo lắng bởi khi ra trại không có bằng cấp gì, không biết phải làm gì để sinh sống và không biết xã hội có chấp nhận không. Đây cũng là những tâm sự của rất nhiều phạm nhân khi sắp mãn hạn tù.

 

Trại Giam Thanh Phong (Tổng cục VIII, Bộ Công an) là một trong những trại giam có số phạm nhân đông nhất cả nước với 2.600 phạm nhân ở 5 phân trại. Để công tác xét đặc xá được công bằng, dân chủ, Ban Giám thị của Trại đã phân công các Phó Giám thị xuống từng phân trại để triển khai công tác đặc xá, cùng với cán bộ quản giáo ở các phân trại thông báo tới toàn thể phạm nhân về quyết định đặc xá của Chủ tịch nước. Những điều kiện, tiêu chuẩn để được đặc xá cũng được phổ biến rộng rãi, được niêm yết ở nhà ăn, buồng nghỉ, khu lao động cải tạo để các phạm nhân biết và tự đối chiếu với bản thân mình để làm đơn xin xét đặc xá. Sau đó các phạm nhân tự bình xét, bỏ phiếu kín để chọn những người xứng đáng nhất để được hưởng chế độ khoan hồng của Nhà nước. Với cách làm dân chủ này, 180 hồ sơ của Trại gửi lên cấp trên để xét đặc xá dịp này đều được chấp nhận, không có kiện cáo, thắc mắc giữa các phạm nhân.

 

Khi phạm nhân gọi quản giáo là thầy

 

Thăm nơi làm nghề mi mắt giả thuộc phân trại I, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên bởi môi trường khu lao động sạch sẽ, ngăn nắp và đặc biệt không khí làm việc khá vui vẻ, chan hoà, không có sự cách biệt giữa cán bộ quản giáo với phạm nhân. Khi gặp các cán bộ ở đây, các phạm nhân đều chào cán bộ bằng thầy. Đồng chí Nguyễn Văn Nhung- Đội trưởng Đội giáo dục phạm nhân người đã có thâm niên hơn 10 năm làm công tác giáo dục ở Trại giam Thanh Phong giải thích: “Ở đây chúng tôi hướng dẫn các em cải tạo, làm việc để sau này mãn hạn tù các em có nghề nuôi sống bản thân. Tự các em cũng gọi chúng tôi bằng thầy chứ không gọi là cán bộ như những nơi khác”.

 

Thượng tá Đỗ Thanh Sơn- Phó Giám thị trại giam Thanh Phong - cho biết: Toàn thể cán bộ trại giam Thanh Phong đều xác định, đã nhận nhiệm vụ ở trại giam thì phải coi đây là nghề nhân đạo và phải có tình thương đối với các phạm nhân; phải đặt địa vị mình là người anh, người cha, người chú của các phạm nhân để hiểu tâm tư, nguyện vọng của họ, động viên họ và cũng phải nghiêm khắc với các phạm nhân. Với những phạm nhân mới vào trại lần đầu tâm lý thất thường, các cán bộ phải đặc biệt lưu ý, thường xuyên động viên giúp đỡ họ để họ cải tạo tốt, sớm nhận được chính sách đặc xá của Đảng và nhà nước.

 

Thực tế cho thấy ở những đội nào, phân trại nào có nhiều phạm nhân được đặc xá thì ở các đội, các phân trại đó cán bộ quan tâm nhiều đến phạm nhân, thường xuyên nắm bắt tâm lý, động viên họ. Nhiều lúc xét hồ sơ đặc xá mà chảy nước mắt bởi nhiều phạm nhân đều cải tạo, tuân thủ nội quy của trại tốt như nhau, đều ân hận về những việc làm của mình trong quá khứ và có chí hướng làm lại cuộc đời. Tuy nhiên nhiều trường hợp chưa hoàn thành hình phạt bổ sung nên chưa được hưởng đặc xá trong đợt này.

 

Để giúp các phạm nhân có điều kiện hòa nhập cộng đồng từ ngày 25/8, cán bộ trại giam Thanh Phong đã tổ chức 3 lớp hoà nhập cộng đồng cho các phạm nhân như dạy quyền lợi và nghĩa vụ của người chấp hành sau tù, giáo dục về kỹ năng sống, giáo dục đạo đức cho phạm nhân, luật cơ bản về giao thông đường bộ-đường sắt... nhằm giúp phạm nhân có những kỹ năng cơ bản sau khi mãn hạn tù, nhanh chóng hoà nhập với cộng đồng và trở thành người có ích. Những bài học này cũng giúp các phạm nhân nắm kịp thời những chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước, đồng thời nhận thức rõ quyền và nghĩa vụ của mình khi tái hòa nhập cộng đồng. Trại cũng chuẩn bị xe đưa, đón phạm nhân đến bến xe gần nhất.

 

Cũng trong dịp này những phạm nhân là người Thanh Hoá cũng được các cán bộ ở trại làm lại chứng minh thư để họ thuận lợi trong các hoạt động xã hội.

 

Một trong những tiêu chuẩn trong công tác xét đặc xá năm 2011 là các phạm nhân phải hoàn thành hình phạt bổ sung (nộp đủ tiền bồi thường, án phí) mới đủ điều kiện xét đặc xá. Nhiều phạm nhân ở đây đã phấn đấu, cải tạo tốt nhưng thiếu tiền án phí, họ không có người thân, hoặc gia đình ở quá xa, các cán bộ trại giam Thanh Phong đã tự nguyện hỗ trợ các phạm nhân để họ đủ điều kiện xét đặc xá. Cũng chính vì tình cảm chân tình yêu thương đã khiến nhiều phạm nhân sau khi mãn hạn được ra tù vẫn thường xuyên gửi thư, gọi điện hỏi thăm cán bộ trong trại.

 

Niềm vui ngày đặc xá không chỉ đến với những phạm nhân, người nhà phạm nhân mà theo như đồng chí Nguyễn Văn Nhung thì mỗi một dịp đặc xá anh em cán bộ cũng nhiều niềm vui bởi đây là cơ hội tốt nhất để những phạm nhân rũ bỏ quá khứ tội lỗi, tái hòa nhập cộng đồng và làm lại cuộc đời.

 

Trịnh Duy Hưng

 TTXVN