TPHCM:
Nước mắt trôi theo triều cường
(Dân trí) - Đau đớn nhìn vườn mai bạc tỷ đang héo úa sau ba ngày chìm sâu trong nước, anh Tùng buồn rười rượi: “ Công sức tám năm trời bị nước triều cướp đi tất cả”.
Trở lại phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức sau ba ngày xảy ra sự cố vỡ bờ bao trong đợt triều cường lịch sử, người dân vẫn đang loay hoay khắc phục hậu quả nặng nề do con nước để lại. Không chỉ hoa màu bị thiệt hại nặng nề mà những vật dụng trong các gia đình hầu hết đều bị hư hỏng.
Nhiều khu vực tại quận Thủ Đức vẫn ngập sâu trong nước
Đang còng lưng tát nước từ trong nhà ra, bác Phạm Văn Ân, ở phường Tam Phú, bàng hoàng kể : “Trong vòng 15 phút, nước đã dâng cao gần một mét. Lúc đó chỉ có hai vợ chồng già ở nhà. Tôi chỉ kịp ngắt cầu giao điện, bê vội chiếc tivi lên lầu. Quay xuống thì máy giặt, tủ lạnh và toàn bộ giường chiếu đã chìm trong nước. Quê tôi dưới miền Tây nhưng ngay cả mùa nước nổi cũng chưa bao giờ gặp cảnh này”.
Nước không rút nên gia đình bác Ân buộc phải đắp bờ bao tát ra ngoài
Thế nhưng so với những gia đình khác thì thiệt hại của bác Ân vẫn "chưa thấm tháp". Hơn nửa năm trời ròng rã chăm chút từng ngày cho ao cá, ông Trần Văn Thanh, ngụ tại phường Hiệp Bình Chánh, dự định ít ngày nữa sẽ kêu thương lái đến vét ao bán cá. Vậy mà, chỉ trong thoáng chốc, hàng tấn cá trôi sạch theo dòng nước.
“Nghe dự báo sắp có triều cường lớn, ngày nào tôi cũng chạy lên bờ bao đứng nhìn. Cái bờ thì mỏng manh có dấu hiệu rạn nứt, trong khi dòng nước lại quá đỗi hung hãn. Tôi và nhiều người trong khu phố đã báo cáo lên chính quyền địa phương, nhưng họ còn chưa kịp khắc phục thì chuyện tồi tệ đã xảy ra… Mình của thì ráng còng lưng mà trả nợ chứ có ai hỗ trợ được đồng nào", ông Thanh chua chát nói.
“Chỉ trong vòng 15 phút, nước dâng lên cả mét, mọi đồ đạc trong nhà đều chìm trong biển nước...”
Đến với vườn mai của vợ chồng anh Nguyễn Thanh Tùng ở khu phố 2, phường Tam Phú. Nhìn khu vườn trị giá cả tỷ đồng đang dần héo úa sau ba ngày ngập trong nước, anh Tùng không giấu được nỗi buồn: “Năm nay thời tiết tương đối thuận lợi, cây mai phát triển tốt. Những tưởng sẽ bán được giá để gỡ lại khoản nợ từ năm trước nhưng không ngờ lại trắng tay rồi.
Nước dâng lên quá nhanh, tôi đã phải thuê hàng chục người đến để kê mai lên nhưng hầu hết cả vườn đều bị ngập đến nửa thân cây. Với tình trạng này cây mai có thể sẽ bị thối rễ hoặc nở sớm do bị rụng lá. Cây nào vượt qua được thì bộ rễ cũng yếu, việc chăm sóc lại rất khó khăn”.
Tám năm vợ chồng anh Tùng về đây gây dựng vườn mai thì đã 5 năm rơi vào cảnh thua lỗ vì triều cường dâng cao hoặc đê bao bị vỡ. Mọi tài sản tích cóp được chẳng mấy chốc dốc hết vào việc đầu tư phân bón, cây trồng, công chăm sóc… Chi phí bỏ ra nhưng không thể thu vào, để duy trì vườn mai, vợ chồng anh phải thế chấp vay vốn ngân hàng. Đến nay số tiền đã lên đến hàng trăm triệu đồng thì lại một năm thất bát nữa ập đến.
Vườn mai trị giá bạc tỷ của vợ chồng anh Tùng có nguy cơ mất trắng
Hàng nghìn hộ dân thuộc các quận Thủ Đức, quận 12, quận 8, quận Bình Thạnh… phải hứng chịu hậu quả nặng nề của triều cường do sự biến đổi khí hậu gây ra. Từ nay đến cuối năm còn đến năm đợt triều cường, nguy cơ tiếp tục vỡ bờ bao vẫn trực tiếp đe dọa đời sống của người dân thành phố.
Trước vấn đề trên, tại cuộc họp khẩn cấp bàn giải pháp chống ngập, ông Lê Hoàng Quân - Chủ tịch UBND TPHCM - yêu cầu Sở Tài nguyên – Môi trường nhanh chóng nghiên cứu mức độ ảnh hưởng của tình trạng biến đổi khí hậu đối với thành phố. Đồng thời nghiên cứu tình trạng sụt lún để thực hiện các giải pháp đồng bộ trong công tác chống ngập.
Ông Quân cũng đề nghị Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước nhanh chóng xây dựng quy hoạch chống ngập, thoát nước cho vùng nội thị và cả nông thôn để hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng ngập lụt trong thời gian tới.
Trước vấn đề trên, tại cuộc họp khẩn cấp bàn giải pháp chống ngập, ông Lê Hoàng Quân - Chủ tịch UBND TPHCM - yêu cầu Sở Tài nguyên – Môi trường nhanh chóng nghiên cứu mức độ ảnh hưởng của tình trạng biến đổi khí hậu đối với thành phố. Đồng thời nghiên cứu tình trạng sụt lún để thực hiện các giải pháp đồng bộ trong công tác chống ngập.
Ông Quân cũng đề nghị Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước nhanh chóng xây dựng quy hoạch chống ngập, thoát nước cho vùng nội thị và cả nông thôn để hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng ngập lụt trong thời gian tới.
Vân Sơn