1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Nước mắt người Điện Biên

(Dân trí) - “Hôm nay chúng tôi tề tựu đông đủ để báo công với Đại tướng sau 9 năm thực hiện lời người căn dặn Cựu chiến binh Điện Biên “Cựu nhưng không cũ”, mà sao Đại tượng lại lặng thinh không trả lời!”.

Những ngày này trên mảnh đất Điện Biên, nơi từng ngọn núi, con sông… từng bản làng gắn liền với tên tuổi của Đại tướng đang lặng chìm trong nỗi đau và khoảnh khắc tiễn biệt – vị tướng huyền thoại về nơi an nghỉ cuối cùng.

Người đến dâng hương, đặt vòng hoa nơi có ban thờ đại tướng với lòng thành kính, cảm xúc khác nhau nhưng đều có chung một niềm tin: Tướng Giáp sống mãi với Điện Biên Phủ anh hùng.

Những người lính Điện Biên năm xưa đã từng sống chiến đấu trên chiến trường Điện Biên Phủ hào hùng. Trong giờ phút chuẩn bị tiễn đưa Đại tướng, họ vẫn tin rằng trái tim của vị tướng tài dù thác xuống tuyền đài thì niềm tin ấy cũng hề chẳng tan.

Nước mắt người Điện Biên


Làm trưởng đoàn Hội CCB Điện Biên lên dâng hương, đặt vòng hoa tại ban thờ tại đồi E2, ông Tao Văn Khứn, Chủ tịch Hội CCB Điện Biên “báo công” trước vong linh Đại tướng: “Hôm nay chúng tôi tề tựu đông đủ để báo công với Đại tướng sau 9 năm giời thực hiện lời người từ sau đại lễ kỷ niệm 50 Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ mà sao Đại tượng lại lặng thinh không giả nhời! Những CCB Điện Biên luôn dõi theo từng nhịp thở của người từ khi Đại tướng nằm dưỡng bệnh tại viện 103. Thế rồi Đại tướng ra đi... Những địa danh Đại tướng đã bước chân qua như: đồi A1, D1, E2, Mường Phăng… từng cánh rừng, bờ tre, gốc lúa và mỗi tấc đất Điện Biên nâng bước chân người qua còn in đậm bóng hình Đại tướng.

Trước bàn thờ khói hương nghi ngút, CCB Lường Văn Pấn, (92 tuổi) xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên giờ mới tin là Đại tướng đã mất trước giờ ông vẫn nghĩ: biết đâu con cháu mình nghe nhầm thông đó báo ở đâu. - Không kìm được lòng mình, ông Pấn nghẹn ngào: “Đại tướng yên tâm nhé, tôi sẽ về thờ Người tại gia, để trước mỗi bữa ăn, bát cơm quả trứng tôi mời Đại tướng về”.

Cũng như hàng trăm gia đình khác ở bản Yên, xã Mường Phăng, vợ chồng anh Lò Văn Thanh dẫn theo 3 đứa con nhỏ đến dâng hương, hoa tiễn biệt Đại tướng trong niềm xót thương và biết ơn người đã đem lại cho gia anh và nhân dân bản Yên có cuộc sống ấm no như bây giờ.

"Như bao gia đình khác trong bản, gia đình tôi biết ơn Đại tướng nhiều lắm! Bởi bao năm nay diện tích ruộng ở Mường Phăng chỉ làm được một vụ, có năm phải bỏ hoang cả hai vụ vì không đủ nước gieo cấy lúa. Từ khi có hồ Noọng Luông 1 mà bà con vẫn gọi là "hồ Đại tướng", được Đại tướng Võ Nguyên Giáp đích thân viết thư gửi Bộ Chính trị cùng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương đề nghị cho xây dựng hồ chứa nước để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, không chỉ gia đình tôi mà các gia đình khác trong bản đều làm được lúa hai vụ, nhân dân trong vùng yên tâm sản xuất. Chúng tôi thực sự biết ơn Đại tướng. Nhờ sự quan tâm của Đại tướng mà người dân xã Mường Phăng ngày càng no ấm, công lao của Đại tướng với người Mường Phăng nói riêng và Điện Biên nói chung dày như như trời bể" - anh Thanh chia sẻ.

Kiên Cường