1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Nước mắt đồng ri

(Dân trí) - Phường 4, khu phố 2, thị xã Đông Hà, Quảng Trị có 162 nóc nhà thì tới gần 100 gia đình theo nhau đi đào đồng ri (rà sắt thép, phế phẩm của chiến tranh). Chuyện về làng đồng ri là những câu chuyện thấm đẫm nước mắt, cay đắng và thương tâm. Nhưng vì miếng cơm manh áo, người dân nơi đây chẳng thể xa được đồng ri.

Ào ào đi đào đồng ri

 

Sáng sớm đứng trên đỉnh dốc con đường dẫn vào làng, những chiếc xe máy cũ mèm của đội quân đi đào đồng ri rú ga inh ỏi. Xe kẹp đôi, xe kẹp ba, từng đoàn xe rùng rùng vượt đèo, mang theo cuốc, xẻng, bao bì, máy rà,… Ngôi làng thoắt trở lên vắng lặng, chỉ còn con trẻ và những cụ già ngồi “trông nhà, giữ cháu”.

 

Ông Trần Tiến Lành, chủ tịch khu phố, cho biết trước đây người dân chủ yếu sống bằng nghề đánh cá. Mười năm trở lại đây, khi giá cả sắt thép lên, khi người dân phát hiện thấy những “mỏ vàng đen” nằm lẩn khuất dưới lòng đất, cả khu phố buông lưới lên bờ, kéo nhau đi đào đồng ri.

 

Để có thể rà được đồng ri, ngoài sức khoẻ ra cần phải có phương tiện: một cái thuổng để cạy sắt thép, một cái cuốc chim dài lưỡi để đào đất cứng, một chiếc bao xác rắn để đựng và quan trọng nhất là phải có một chiếc máy rà, thông thường là loại máy do Trung Quốc sản xuất có giá từ 4-5 trăm ngàn. Vậy là cũng không quá khó để có thể trở thành một thợ rà đồng ri chuyên nghiệp.

 

Gia đình ông Xuân Thắng có 7 thành viên thì cả 7 đều đào đồng ri kiếm sống. Tinh mơ, mấy đứa con cơm nắm muối vừng gói ghém cùng đồ đạc lên đường vào rừng, đến chập choạng mới về. Ông tâm sự: “4 đứa đi đào mỗi ngày cũng kiếm được vài yến sắt, đem nhập cũng kiếm được gần trăm ngàn đong gạo, hôm gặp thì có khi được cả mấy trăm, nhưng có bữa đi lại về tay không”.

 

Gia đình anh Quang cả hai vợ chồng đều theo nhau đi đào đồng ri, đứa con mới học hết lớp 7 cũng bỏ học theo cha mẹ kiếm sống. Căn nhà nhỏ thấp mới xây chưa kịp trát luôn vắng bóng người. Anh than: “Cực lắm chú à, làm cái nghề ni giàu thì chẳng có nhưng không có đất đai thì cũng phải làm thôi chứ biết mần răng được. Cưới nhau được 10 năm thì cũng chừng ấy thời gian hai vợ chồng gắn bó với mảnh sắt. Tội nghiệp thằng nhỏ, thấy bạn bè bỏ học nó cũng bỏ, vác cuốc theo cha mẹ đi kiếm tiền”.

 

Ông Lành cho biết hiện tại khu phố 2 là nơi có số người đi đào đồng ri nhiều nhất (trên 70% gia đình). Trình độ dân trí thấp, đất đai sản xuất không có nên dù biết hiểm nguy chết chóc cũng phải chấp nhận để mưu sinh.

 

Nước mắt đồng ri

 

12 người đã chết vì bom đạn trong khi đào đồng ri, số người thoát chết nhưng mang thuơng tật suốt đời nhiều không đếm xuể. Ai đi đào đồng ri mà không từng bị sứt tay, chảy máu, thậm chí chột mắt, què chân,… Người dân đào đồng ri dám dấn thân như thế vì có thể chỉ sau vài nhát cuốc nữa thôi, họ có thể trúng cả tấn sắt. Nhưng cũng có thể họ sẽ tan xương nát thịt nếu không may gặp phải bom bi. Khu phố 2 không năm nào là không có người chết một cách đau đớn, oan uổng.

 

Vợ chồng chị Trần Thị Giỏ mới cưới nhau, vừa có một đứa con trai. Cuộc sống cơ cực, anh bàn với vợ mua dụng cụ về đi đào đồng ri. Hôm đó đúng vào ngày sinh nhật con trai, cả nhà đợi mãi không thấy anh về, tối đến đốt đuốc đi tìm mới thấy anh nằm chết bên mớ sắt và hố bom bi trong rừng. Kể từ đó, ngôi nhà nhỏ vắng bóng đàn ông; người vợ trẻ tuổi đời chưa đến 30 lay lắt nuôi con qua ngày.

 

Bà Nguyễn Thị Sen có hai con trai, một đã chết vì tai nạn giao thông, một sắm đồ theo người làng đi đào sắt, nào ngờ gặp bom bi chết thảm. “Nó bảo đi làm tích cóp tiền về cưói vợ, mẹ nghèo không có thì nó phải bươn chải, nó chết mà không được toàn thây chú ơi…” - người mẹ già nước mắt tuôn rơi trên khuôn mặt răn reo.

 

Thật ra, chuyện người đi đào đồng ri gặp bom bi vẫn xảy ra như cơm bữa, người xấu số thì vĩnh viễn nằm xuống, người “may mắn” hơn thì mang thương tật suốt đời. Anh thanh niên nhiệt tình dẫn đường cho chúng tôi vào khu phố cũng là một nạn nhân của bom bi, anh kể: “Sáng đó hai anh em đang lụi hụi đào thì một tiếng nổ gầm trời, tỉnh dậy thấy mình trong bệnh viên, một mắt đã không còn, đau đớn hơn người em trai cùng đi đã chết”.

 

Ông Nguyến Tiến Lành cũng đã mất một ngón tay vì đồng ri. Ông băn khoăn: “Người chết, kẻ bị thương tật đã đành, đáng lo là tình trạng trẻ em bỏ học theo cha mẹ đi đào đồng ri trở nên phổ biến. Hiện tại có đến 70% trẻ em học không hết lớp, bỏ học giữa chừng theo cha mẹ đi làm sắt. Phường đã vận động tổ chức hai lớp học linh hoạt vào ban đêm để xoá mù chữ nhưng cũng chẳng có mấy em đến học”.

 

Những câu chuyện buồn ở làng đồng ri nhắc chính quyền sở tại sự cấp bách trong việc giải quyết công ăn việc làm, đất đai sản xuất cho người lao động. Và nói như ông chủ tịch khu phố 2 thì “chưa biết đời nào người dân khu phố chúng tôi thoát chết nếu đất đai cứ mãi tình trạng “chó nằm thừa đuôi như thế này”!”.

 

Bá Dũng