1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Nước mặn “bao chiếm” khắp tỉnh Bến Tre

(Dân trí) - Sở NN&PTNT Bến Tre cho biết, độ mặn 1 phần nghìn đã xâm nhập toàn tỉnh. Tình trạng này ảnh hưởng hàng chục nghìn héc ta lúa, cây ăn trái và làm hàng nghìn hộ dân có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt.

Ngày 20/2, ông Nguyễn Hoàng Hiệp - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cùng đoàn công tác đã đến tỉnh Bến Tre kiểm tra tình hình hạn, mặn và công tác ứng phó của địa phương. Đoàn công tác cùng lãnh đạo địa phương đã đến khảo sát một số công trình phòng chống hạn, mặn; hồ chứa nước ngọt tại huyện Ba Tri.

Tại buổi làm việc, Giám đốc Sở NN&PTNT Bùi Văn Lâm cho biết, ngay từ đầu tháng 12/2019, nước mặn trên các sông chính trong tỉnh đã xâm nhập nhanh, sớm hơn so với trung bình nhiều năm khoảng hai tháng. Dự báo độ mặn trong thời gian tới sẽ diễn biến phức tạp, xâm nhập sâu và duy trì ở mức rất cao từ nay đến cuối tháng 3/2020. Hiện độ mặn 1 phần nghìn đã bao trùm toàn bộ tỉnh Bến Tre.

Nước mặn “bao chiếm” khắp tỉnh Bến Tre - 1

Hiện Bến Tre có 5.000ha lúa Đông Xuân bị ảnh hưởng và có trên 20.000ha cây ăn trái cũng bị ảnh hưởng do hạn mặn

Theo Sở NN&PTNT, hiện toàn tỉnh có 5.000ha diện tích lúa Đông Xuân chậm phát triển do ảnh hưởng của xâm nhập mặn và có nguy cơ mất trắng. Các loại cây ăn quả, cây giống, hoa kiểng cũng bị ảnh hưởng với diện tích trên 20.0000 hecta.

Hầu hết người dân trên địa bàn tỉnh đều bị ảnh hưởng của hạn mặn. Nguồn nước phục vụ sinh hoạt hiện nay tại các nhà máy đều bị nhiễm mặn 2 phần nghìn.

Nước mặn “bao chiếm” khắp tỉnh Bến Tre - 2

Do nước mặn 1 phần nghìn đã xâm nhậm khắp tỉnh Bến Tre nên nhiều địa phương thiếu nước sinh hoạt

Đặc biệt, hiện nay có khoảng 75.000 hộ dân sẽ thiếu nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Hiện nhiều hộ dân phải bỏ tiền ra mua 1m3 nước giá 100.000 -  200.000 đồng. Nước ngọt khan hiếm và trở nên đắt đỏ đã khiến hàng trăm hộ dân nghèo càng thêm khó khăn.

Trong thời gian qua, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp phòng chống, ứng phó xâm nhập mặn. Hiện tại đang thực hiện khẩn cấp các đập tạm trữ nước ngọt, mua sắm thiết bị bơm, vận hành hồ chứa nước ngọt, sửa chữa, nâng cấp các công trình cống để ngăn mặn... nhằm giảm bớt thiệt hại trong sản xuất và khó khăn cho người dân trong đợt hạn mặn lịch sử này.

Cụ thể, tại Khu công nghiệp Giao Long, Bệnh viện đa khoa Nguyễn Đình Chiểu đã trang bị máy lọc mặn RO. Đồng thời, đối với nước sinh hoạt đã vận hành 12 nhà máy nước được trang bị máy lọc mặn RO để cung cấp 24/24 giờ phục vụ các điểm trường chính tập trung khu vực trung tâm xã, trạm y tế...

Nước mặn “bao chiếm” khắp tỉnh Bến Tre - 3

Làm việc với Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, lãnh đạo Bến Tre cho biết đang tiếp tục đắp đập trữ ngọt, nhằm giảm bớt thiệt hại và có nước ngọt phục vụ người dân trong sinh hoạt

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp đánh giá cao công tác chỉ đạo ứng phó hạn mặn tại tỉnh Bến Tre. Trong đó địa phương chủ động, vào cuộc quyết liệt, người dân có kinh nghiệm để chuyển dịch cơ cấu cây trồng, mùa vụ và trữ nước ngọt. Đến thời điểm này đã giảm thiểu tối đa thiệt hại, chỉ bằng 7% so với cao điểm 2015 – 2016.

Trong thời gian tới, tỉnh cần vận hành hợp lý các công trình đã có và tăng cường các đập tạm để trữ nước ngọt. Dự báo trong cuối tháng 2, đầu tháng 3/2020 tới sẽ có một đợt nước ngọt về nên chủ động bơm, tích trữ tối đa phục vụ sản xuất và sinh hoạt.

Nguyễn Hành

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm