1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Nước ép trái cây: hương liệu là chính!

Nhiều hãng nước giải khát đã làm người tiêu dùng tưởng rằng sản phẩm của họ hoàn toàn là nước cốt cam, chanh... nguyên chất. Nhưng các nhà khoa học cho biết trên thực tế, nhiều nhà sản xuất chủ yếu sử dụng hương liệu tổng hợp.

Thi nhau... “nổ”

 

“Tắc ép, chanh dây, dâu tằm nguyên chất bảo đảm thơm ngon”, tờ quảng cáo có nội dung này đang có mặt ở rất nhiều quán ăn, giải khát tại TPHCM. Theo một chủ quán trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (quận 1) thì chị lấy loại hàng này từ một mối quen.

 

Đây là loại sản phẩm được sản xuất thủ công, vỏ chai là vỏ chai nước suối được tận dụng lại. Chai tắc ép có màu vàng ngà ngà, đục ngầu, còn nước chanh dây thì màu vàng cam. Gọi một ly chanh dây uống thử, mùi không khác gì mùi vị của chanh dây tươi nhưng càng uống càng cảm giác có vị đắng. Chị chủ quán cho biết, mỗi chai 1,25 lít chị mua vào trên dưới 10.000 đồng. Cứ khoảng hai, ba ngày thì có một người đàn ông mang hàng đến tận nơi, trường hợp cần gấp thì gọi điện thoại.

 

Xin địa chỉ nơi cung cấp hàng để “đặt hàng buôn bán lâu dài”, chúng tôi được chị chủ quán đưa cho một tấm danh thiếp có mấy dòng chữ “T.V: Tắc ép, chanh dây, dâu tằm nguyên chất”, điện thoại 090397... gặp anh T. (không ghi địa chỉ). Liên hệ số điện thoại này nhiều lần, nhưng lần nào cũng nghe giọng người đàn ông hỏi đi hỏi lại với giọng tò mò: "Ai cho số điện thoại, nhà ở đâu, đặt hàng để làm gì?”... Chúng tôi xin địa chỉ để đến đặt hàng thì ông liền tắt máy...

 

Đối với sản phẩm sản xuất công nghiệp, nhiều loại nước trái cây được nhà sản xuất giới thiệu làm từ nước cốt trái cây, thơm ngon nhưng trên nhãn không ghi thành phần vitamin là bao nhiêu, hoặc chỉ ghi chung chung. Chẳng hạn sản phẩm nước chanh dây chỉ ghi thành phần gồm: nước, đường, nước chanh dây. Còn nước me thì trong thành phần ghi “nửa Anh nửa Việt” như: nước, đường, caramel... Thế nhưng nhiều loại được quảng cáo rất “kêu”, nào là: được làm từ nước cốt trái cây thơm ngon, nhiều vitamin v.v... hoặc: sản phẩm nguyên chất, hoàn toàn không dùng hương, không dùng đường hóa học.

 

Hương liệu + nước + màu + đường hóa học = nước ép trái cây

 

Đó là công thức mà theo các nhà khoa học thì hiện nay nhiều nơi đang áp dụng để sản xuất nhiều loại nước giải khát sau đó gắn “mác” nguyên chất, tự nhiên. Tại chợ Kim Biên (quận 5) các loại hương liệu được bán ê hề. Hương tắc, chanh dây, dâu tằm... giá 170.000 đồng - 180.000 đồng/kg, nhưng chỉ cần nhỏ 1 giọt thì có thể pha được hàng chục lít nước mà vẫn thơm nồng không thua hương tự nhiên.

 

GS-TS Nguyễn Thế Kỷ, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Hóa hữu cơ trường ĐH Y Dược TPHCM, cho rằng nếu gọi là nguyên chất thì trong sản phẩm chỉ có một thành phần hóa học, còn nói là nước cốt thì bắt buộc phải lấy từ một loại trái cây cụ thể, hoàn toàn không lẫn lộn một chất nào khác.

 

GS-TS Nguyễn Thế Kỷ giải thích: Trong thành phần nước cốt cam có một lượng chất nhất định tinh dầu, đường, vitamin C... Nhưng với công nghệ hiện đại như ngày nay, nhiều nhà sản xuất đã lạm dụng hóa chất, phối trộn để chế biến ra các loại nước giải khát với nhiều mùi hương vị trái cây khác nhau rất giống nước trái cây tự nhiên nên người tiêu dùng khó có thể phân biệt được. Nước trái cây tự nhiên, nguyên chất rất dễ hấp thụ vì chúng phân hủy nhanh, có lợi cho sức khỏe, còn những loại nước giải khát chủ yếu dùng hương liệu, hóa chất để chế biến thì cơ thể người phân giải chậm, nó sẽ tích lũy dần trong cơ thể, lâu dài sẽ gây ra các bệnh ung thư.

 

Tuy nhiên, một điều đơn giản mà người tiêu dùng có thể nhận biết bằng mắt thường, đó là nếu nước trái cây nguyên chất chỉ cần để một vài giờ sẽ lắng xuống và trở thành lớp nước trong phía bên trên, còn nếu nước trái cây đó có sử dụng nhủ hóa thì luôn luôn đục. Nếu người sản xuất sử dụng loại nhủ hóa độc hại, không được Bộ Y tế cho phép hoặc dùng với liều lượng không đúng quy định thì sẽ rất nguy hiểm cho sức khỏe con người.

 

Một nữ tiến sĩ của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM cho biết: Một số loại nước giải khát hiện nay được pha chế từ bột màu, hương trái cây, nước và đường (thậm chí đường hóa học). Những loại nước uống này hoàn toàn không có dinh dưỡng mà chỉ có một ít năng lượng là đường, nếu sử dụng đường hóa học sẽ có hại đối với sức khỏe người tiêu dùng. Trong trường hợp nhà sản xuất có sử dụng nước trái cây thật thì họ vẫn phải pha thêm đường, đồng thời sử dụng chất bảo quản, thậm chí có cả chất bột màu.

 

Theo Sơn Nhung
Người lao động