Nửa năm nếm trải 14 loại thiên tai, cả nước thiệt hại 870 tỷ đồng
(Dân trí) - Từ đầu năm 2018 đến nay, trên cả nước đã xảy ra 14 loại hình thiên tai, gây thiệt hại về kinh tế ước tính trên 868 tỷ đồng. Đáng chú ý là đợt mưa lũ, lũ quét kéo dài từ ngày 23 đến ngày 26/6/2018 ở khu vực miền núi phía Bắc đã làm 23 người chết, 10 người mất tích, thiệt hại về vật chất gần 500 tỷ đồng.
Chiều nay (9/7) tại Hà Nội, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai (PCTT) tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ trọng tâm PCTT những tháng cuối năm với 11 tỉnh, thành phố khu vực miền núi phía Bắc và rút kinh nghiệm phòng chống đợt lũ quét cuối tháng 6 năm 2018. Nhận định chung đưa ra, thiên tai ngày càng diễn biến bất thường và khốc liệt đòi hỏi phải đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác ứng phó trước, trong và sau thiên tai.
Từ đầu năm 2018 đến nay, trên cả nước đã xảy ra 14 loại hình thiên tai, gây thiệt hại về kinh tế ước tính trên 868 tỷ đồng. Đáng chú ý là đợt mưa lũ, lũ quét kéo dài từ ngày 23 đến ngày 26/6/2018 ở khu vực miền núi phía Bắc làm 23 người chết, 10 người mất tích, thiệt hại về vật chất gần 500 tỷ đồng.
Bài học kinh nghiệm rút ra sau đợt mưa lũ ở các tỉnh miền núi phía Bắc là sự vào cuộc quyết liệt từ Trung ương đến địa phương trong cảnh báo, dự báo, tổ chức ứng phó, xử lý và khắc phục. Thực tế đặt ra cho thấy, trong tổ chức thực hiện cần tăng cường nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền địa phương và người dân trong chủ động ứng phó thiên tai; Nâng cao năng lực chỉ đạo điều hành và năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, tăng cường trang thiết bị cảnh báo mưa, thông tin liên lạc cho trưởng thôn, trưởng bản và người dân. Đồng thời chủ động đánh giá trước những rủi ro về thiên tai nhất là đánh giá nơi ở an toàn cho người dân và trang bị kỹ năng cho người dân vùng thường xuyên chịu thiên tai,
Ông Lê Trọng Quảng - Phó chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu chia sẻ kinh nghiệm của bản Sáng Tùng, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu - một bản của người Mông, nơi người dân có kỹ năng tự phát hiện nguy cơ và tự tổ chức di dời khỏi khu vực nguy hiểm khi các lực lượng cứu hộ chưa tiếp cận được.
"Tới đây nhà nước làm sao trang bị cho người dân kỹ năng sống chung với mưa, lũ. Ngoài hệ thống chỉ huy phòng chống bão, lũ các cấp, chúng tôi cho rằng trong cộng đồng, vào những lúc như này nên có Tổ chuyên trách hoặc xung kích để cảnh báo cho cộng đồng và chủ động giúp cộng đồng xử lý những tình huống cấp bách tại chỗ khi các lực lượng khác chưa cơ động đến được" - ông Quảng đề xuất.
Theo nhận định của Trung tâm khí tượng thủy văn Quốc gia, từ nay đến cuối năm xu thế diễn biến thiên tai còn phức tạp. Dự báo, Việt Nam sẽ đón từ 8 đến 10 cơn bão và áp thấp nhiệt đới trên biển Đông. Trong đó, có khoảng 4-5 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta.
Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường - Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về PCTT nêu rõ, diễn biến thiên tai vừa qua cho thấy tính khốc liệt ngày càng gia tăng của các loại hình thời tiết cực đoan. Đây là những biểu hiện dị thường của thời tiết cộng với tác động của biến đổi khí hậu gây tổn thất nặng nề về người và tài sản của nhân dân. Thiên tai hiện nay không chừa một vùng nào, từ nông thôn đến thành thị, từng miền biển đến vùng miền núi.
Phải chủ động nhận dạng và nâng cao tính chủ động trong ứng phó và tái thiết sau thiên tai. Theo đó, đầu tư nâng cấp trang thiết bị, nguồn lực để nâng cao năng lực cảnh báo, dự báo. Các thành viên Ban chỉ đạo và địa phương rà soát các phương án theo phương châm "4 tại chỗ", tăng cường năng lực cho Ban chỉ huy phòng chống thiên tai các cấp ở địa phương.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu đánh giá để nhận định từ đó chuyển nhận thức, rà soát lại hành động và phương án phòng chống thiên tai trong những tháng cuối năm. Yêu cầu bối cảnh này phải hết sức cảnh giác, những tổn thương về cơ sở hạ tầng, sản xuất về kinh tế thời gian qua bây giờ thiên tai xảy ra chỗ nào là rất nguy hiểm. Tinh thần phải cảnh giác cao nhất, ý thức trách nhiệm chủ động đối với từng cấp, từng ngành, từng địa phương. Không thể chủ quan lơ là trong ứng phó thiên tai.
Nguyễn Dương