1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Nữ tử tù có thai sẽ thoát án tử hình?

Có thể khẳng định rằng theo luật pháp Việt Nam hiện hành, tử tù Nguyễn Thị Oanh đã thoát án tử hình. Chủ nhiệm đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội Phạm Hồng Hải cho biết như vậy khi được hỏi về <a href="http://dantri.com.vn/Sukien/2006/10/146332.vip">vụ mang thai hi hữu </a>trong trại tạm giam ở Hoà Bình.

Luật sư Phạm Hồng Hải viện dẫn điều 35 Bộ Luật hình sự và Nghị quyết số 32/1999/QH10 do Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 21/12/1999 và có hiệu lực từ ngày 1/7/2000, theo đó: “Không áp dụng hình phạt tử hình đối với phụ nữ có thai, phụ nữ nuôi con dưới 36 tháng tuổi khi phạm tội hoặc khi xét xử... Hình phạt tử hình đã tuyên đối với những đối tượng này nhưng chưa thi hành thì không thi hành nữa và được chuyển xuống hình phạt cao nhất mà Bộ Luật hình sự này quy định với hành vi phạm tội đó; trong trường hợp điều luật mới vẫn giữ hình phạt tử hình, phụ nữ có thai và phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, hình phạt tử hình đã được tuyên chuyển thành tù chung thân...”.

 

Cùng với phạm nhân Nguyễn Thị Oanh, bị can Trần Thị Hương (hiện đang ở trại tạm giam Chí Hòa, TPHCM) cũng mang thai trong thời gian chờ thi hành án sẽ bị xử lý ra sao khi được chứng minh là cố tình mang thai để “chạy án”?

 

Ông Hải cho biết luật pháp VN hiện cũng chưa có điều khoản nào quy định về điều này. Đối với “tác giả” của những cái thai kia, nếu bị phạm nhân tố cáo là hiếp dâm, cưỡng dâm... thì mới bị xử lý. Còn nếu phạm nhân tự nguyện “xin” thì không thể truy cứu.

 

Để hạn chế việc tử tù mang thai trong khi chờ thi hành án, trách nhiệm đầu tiên là thuộc về đội ngũ giám thị, quản giáo, bảo vệ của các trại giam. Các vụ tù trốn trại hoặc mang thai... chỉ xảy ra được khi mà anh em không làm đúng chức trách hoặc có tiêu cực.

 

Ông Hải đề xuất các trại giam nên có phạm nhân tự giác là nữ, đồng thời các buồng giam phạm nhân nam, nữ nên tách biệt với khoảng cách xa. Bên cạnh đó, ông cũng kiến nghị chúng ta cần phải bổ sung việc giám định y khoa với tử tù xem có thai hay không trước khi thi hành án, tránh việc có thể giết oan những đứa trẻ sắp ra đời.

 

Ông Phạm Hồng Hải là người trực tiếp nhận bào chữa cho tử tù Nguyễn Thị Oanh theo lời mời của Nguyễn Thị Yến - em gái của phạm nhân. Ông cũng là người đại diện cho Văn phòng luật sư Phạm Hồng Hải và cộng sự 3 lần gửi đơn kiến nghị đến các cơ quan chức năng đề nghị tạm dừng việc thi hành án và lập hội đồng giám định y khoa đối với phạm nhân Nguyễn Thị Oanh vào các ngày 5, 12 và 25/9/2006.

 

Theo PV
Công An Nhân Dân