Nữ thạc sĩ bỏ việc lương cao, về quê "dãi nắng dầm mưa" trồng hồng hữu cơ
(Dân trí) - Từ bỏ công việc ổn định, lương cao và những cơ hội, chị Hà quyết định về quê làm nông nghiệp sạch: trồng hoa hữu cơ và làm trà hoa hữu cơ.
Chị Nguyễn Hà (32 tuổi) là một thạc sĩ ngôn ngữ Anh, vốn làm quản lý nhân sự và điều hành một chi nhánh trong hệ thống trung tâm tiếng Anh có tiếng tại Hà Nội. Chị Hà cũng tham gia tổ chức chương trình đào tạo giáo viên cho các trường mầm non song ngữ. Công việc này mang đến nguồn thu nhập không hề thấp.
Tuy nhiên, sau nhiều năm học tập và làm việc tại nội đô, chị vẫn ấp ủ mong ước được về quê, xây căn nhà gỗ, làm vườn hoa. Sau khi sinh bé thứ hai, do sức khỏe không tốt, chị Hà thường xuyên về quê ở với bố mẹ. Cuộc sống trồng rau, chăm cây ở quê nhà càng thôi thúc chị sớm được trở về.
"Tuy nhiên, chồng mình chưa đồng ý. Bản thân mình cũng đắn đo vì mong muốn con được ở thành phố, học tập trong môi trường tiên tiến, được phát triển kỹ năng ngoại ngữ, học các môn năng khiếu yêu thích", chị Hà tâm sự.
Tết năm 2019, chị Hà thử lấy hoa, cây cảnh từ các nông trại gửi về nhà cho bố mẹ bán thử. Sau khi thấy có cơ hội đầu ra, chị vừa duy trì công việc ở thành phố, vừa nghiên cứu kiến thức về nông nghiệp, làm trang trại, trồng hoa.
Dịch Covid-19 ập đến khiến công việc của 2 vợ chồng ảnh hưởng, nhưng đó lại là cú hích khiến anh chị quyết định đưa con về quê nhà tại Ứng Hòa, Hà Nội. Với 50 triệu đồng sẵn có, hai vợ chồng vay mượn thêm 30 triệu đồng để mở một cửa hàng hoa nhỏ xinh tại quê nhà.
Từ thạc sĩ ngoại ngữ, chị Hà bắt đầu thử sức với kinh doanh. Cuối tuần, khi anh được nghỉ làm, vợ chồng đèo nhau rong ruổi hàng trăm cây số trên chiếc xe máy cũ để lấy hàng.
Vừa duy trì cửa hàng hoa, chị Hà vừa mượn đất bố mẹ để gieo hạt, ươm cây, tập trồng hoa hữu cơ. Hai vợ chồng đèo nhau đi nhặt xơ dừa về xay nhỏ, trộn giá thể trồng cây và bán cho khách. Vài tháng đầu gần như công việc tại trang trại không mang lại thu nhập cho anh chị.
Chị Hà theo đuổi nông nghiệp thuận tự nhiên nên việc chăm sóc rất vất vả. Chị phải làm cỏ bằng tay, không sử dụng máy cắt; tự chế dung dịch từ tỏi, chanh, ớt để trừ sâu bệnh… Chị Hà ủ dịch chuối, vỏ dưa, mít, rác nhà bếp, cá… để bón cho cây. Mẹ chị Hà nhiều lần phàn nàn khi thấy con gái bỏ công việc lương cao về quê dãi nắng dầm mưa ngoài ruộng vườn.
Ban ngày cặm cụi ngoài vườn, chiều tối chị Hà lại dạy học tại nhà tới 21h. Cuối tuần, chị Hà đi dạy thêm ngoại ngữ ở trung tâm gần nhà, tối muộn trở về còn phải soạn giáo án, chương trình gửi ra các trường tại thành phố. Tiền kiếm được đều dồn hết vào đầu tư vườn. Chị vay mượn thêm với mục tiêu trồng trang trại hoa làm trà hoa hữu cơ. Hiện, ngoài diện tích đất có sẵn của bố mẹ, chị Hà thuê thêm đất, mở rộng quy mô trang trại.
Riêng hoa hồng, chị Hà trồng và chăm sóc hàng chục loại khác nhau. Chị ưu tiên những giống phù hợp làm trà hay nước hoa hồng hữu cơ. Theo chị, các giống hồng ngoại phù hợp để làm trà hơn và đa dạng màu nên có thể chế biến thành màu thực phẩm vị hoa hồng.
"Mình đọc rất nhiều tài liệu, hỏi thêm người có chuyên môn để học cách kết hợp các loại nguyên liệu với nhau như hoa hồng kết hợp mật ong, táo đỏ hay trà hoa cúc kết hợp nhãn/vải sấy… Mình vẫn làm trà thủ công, số lượng có hạn để đảm bảo chất lượng tốt nhất, phục vụ gia đình và khách hàng quen", chị Hà chia sẻ.
Sau một thời gian, công việc của chồng chị Hà cũng ổn định, anh đi lại làm việc giữa quê và thành phố.
"Nhờ sự hỗ trợ của chồng nên sau thời gian đầu khó khăn, vừa phải lo công việc vừa phải lo kinh phí nuôi dạy con, giờ mình có thể toàn tâm toàn ý đầu tư làm vườn", chị Hà cho biết.
Chị Hà cũng chia sẻ quan điểm, dù bỏ phố về quê nhưng vẫn duy trì ít nhất một công việc khác ngoài nông nghiệp để có thể lo toan cuộc sống, bù vào chi phí đầu tư. Thời điểm trước khi giãn cách xã hội, chị cũng mở thêm 5 lớp dạy tiếng Anh miễn phí. "Vì giáo dục cũng là công việc mà mình yêu, dành tâm huyết. Trong nội dung bài học, mình cố gắng lồng ghép cả tình yêu thiên nhiên, nông nghiệp đến các con", chị chia sẻ.
Theo chị Hà, vấn đề lớn nhất khi về quê chính là việc học tập của các con. Quan điểm của chị trong giáo dục là để các bé theo đuổi sở thích chứ không ép phải đạt điểm cao, giỏi kiến thức. Khi về quê, các lớp năng khiếu ở quá xa nên vợ chồng chị khó lòng cho con theo học.
Thời gian đầu, con gái lớn của chị không thể hòa nhập môi trường giáo dục ở quê nhà, con sợ đến lớp, sợ áp lực các môn toán, tiếng Việt. Thương con, chồng chị Hà muốn đưa cả nhà quay lại thành phố sau một năm sống ở quê. Nhưng chị Hà vừa trao đổi với chồng, vừa động viên con cố gắng hòa nhập..
"Công việc làm nông nghiệp hay lựa chọn bỏ phố về quê đều có những khó khăn, thử thách. Nhưng hiện tại, mình hài lòng với cuộc sống. Trong thời điểm dịch, cả gia đình vẫn có cuộc sống bình yên, chủ động về nông sản sạch, có không gian sống trong lành, vậy là điều may mắn. Các con được lớn lên cùng thiên nhiên, có nơi để học những kỹ năng mềm về cây cỏ, hiểu về nông nghiệp - điều mà ở thành phố, khó lòng các bạn được trải nghiệm", chị Hà tâm sự.