1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

TT-Huế:

Nữ quận chúa - nhà báo canh tân cho giới nữ đầu tiên

(Dân trí) - Bà là một quận chúa - nhà báo nổi tiếng tại Huế trong thời kỳ phong kiến nhà Nguyễn và đô hộ của thực dân Pháp. Từ năm 1918 đến 1930, bút danh Đạm Phương của bà hiện diện ở các tờ báo uy tín nhất thời bấy giờ...

Các lĩnh vực bà từng hoạt động thành công đã được nhìn nhận nhiều chiều tại hội thảo quốc gia vừa diễn ra tại TP Huế ngày 18/6.
 
Nữ nhà báo canh tân cho giới nữ đầu tiên của đất nước

Đó là nữ văn sĩ, nhà báo, nhà thơ, nhà văn hóa Đạm Phương nữ sử, tên thật là Công Nữ Đồng Canh (1881-1947), mẹ của nhà báo cách mạng Hải Triều, bà của Nguyễn Khoa Điềm (nguyên Bộ trưởng Bộ Văn hóa thông tin).

Nữ quận chúa - nhà báo canh tân cho giới nữ đầu tiên - 1
Chân dung quận chúa - nữ nhà báo nổi tiếng Đạm Phương nữ sử (1881-1947)

Sinh ra trong một gia đình quyền thế thời vua Nguyễn, là cháu nội vua Minh Mạng, con của Hoàng Hóa quận vương Miên Triện, một vị đại thần và là một nhà thơ, trong cảnh rối ren đất nước, triều đình hỗn độn khi chỉ 4 tháng thay đến 3 vua, tuổi thơ của nữ quận chúa cành vàng lá ngọc không hề êm ấm. Lúc bà lên ba (1883), thân sinh bà bị hạ phẩm hàm, giam lỏng, đưa đi quản thúc. Bà lên bốn (1884), gia đình phải bồng bế chạy loạn thất thủ kinh đô.

Nhưng với nghị lực phi thường, bà từng là nữ quan dạy trong nữ cung triều Nguyễn, nhà báo nữ hiếm hoi ở miền Trung, liên tục cho ra đời những tác phẩm báo chí từ Nam chí Bắc nói về đấu tranh nữ quyền gắn liền với tư tưởng Cách mạng Việt Nam và là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên thông thạo nhiều sinh ngữ như Hán văn, Pháp văn, Quốc văn, có tầm nhìn ra thế giới tiếp thu những tinh hoa nhân loại

Nữ quận chúa - nhà báo canh tân cho giới nữ đầu tiên - 2
Một bài viết trong nhật báo Phụ nữ Tân văn của Đạm Phương ra ngày 6/3/1930 với tựa đề “Tại sao phụ nữ cần phải có học thức rộng?”

Từ năm 1918 đến 1930, bút danh Đạm Phương đã nổi lên ở các tờ báo uy tín thời bấy giờ như Nam phong - Tạp chí ra hàng tháng, Hữu thanh - tạp chí nửa tháng, Tiếng dân - tuần 2 kỳ và các báo hàng ngày như Trung Bắc tân văn, Thực nghiệp dân báo, Đông phương, Phụ nữ tân văn... Theo thống kê, bà đã có gần 200 bài báo có uy tín trong 12 năm hoạt động khi mà điều kiện thông tin liên lạc rất khó khăn và bà còn nhiều trách nhiệm, bởi bà là người vợ, người mẹ trong gia đình. Chính khả năng lao động báo chí không biết mệt mỏi của Đạm Phương đã khiến cho rất nhiều nhà nghiên cứu tán dương khen ngợi

Ngoài phóng viên viết báo, bà còn đảm nhận vai trò làm trợ bút, biên tập viên cho các chuyên mục về nữ giới. Bà là người đứng ra sáng lập báo Phụ nữ tùng san (1929) tập hợp tiếng nói của giới nữ ở Huế trong thời phong kiến và đô hộ Pháp. Bà đã thành lập và điều hành Nữ công học hội (1926) - tổ chức phụ nữ đầu tiên của Việt Nam có tôn chỉ, điều lệ, trụ sở, ban lãnh đạo, tài khoản riêng nhằm giúp chị em học nghề và cùng tiến bộ theo xu hướng mới. Chính tổ chức này đã tạo thanh thế cho bà mở rộng giao lưu, liên kết với trí thức trong Nam ngoài Bắc, giao lưu với các nhà yêu nước Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng, Đào Duy Anh...

Nữ quận chúa - nhà báo canh tân cho giới nữ đầu tiên - 3
Ban trị sự Hội Nữ công Huế (Đạm Phương ngồi ở giữa, sau bàn) - tổ chức phụ nữ đầu tiên của Việt Nam trong ngày ra mắt Nữ Công học hội năm 1926

Năm 1929, bà đã bị giặc Pháp bắt giam vì nghi có liên quan đến hoạt động của đảng Tân Việt (một trong 3 tổ chức sau này thành lập nên Đảng Cộng sản Việt Nam). Con trai đầu của bà đang dạy học thì buộc thôi việc và trục xuất khỏi Huế. Con trai thứ bị đuổi học vì tham gia bãi khóa, một thời gian sau bị bắt giam ở Sài Gòn... Người con cả lại bị Pháp bắt lần nữa, ông bị đánh đập dã man, về nhà thì qua đời năm 1931. Đúng một năm sau, phu quân của bà lâm bệnh từ trần. Nhiều nỗi đau dồn dập, cộng thêm các sức ép khác đã ảnh hưởng đến sức khỏe và khiến Đạm Phương giã từ báo chí, tập trung vào việc làm sách. Từ cuối năm 1930 trở đi, vắng hẳn bút danh Đạm Phương trên các phương tiện truyền thông.

Nữ quận chúa - nhà báo canh tân cho giới nữ đầu tiên - 4
Đạm Phương bên chồng - Nguyễn Khoa Tùng

Khoảng thời gian cuối đời, bà tiếp xúc nhiều chiến sĩ cách mạng, hun đúc khí tiết cho các con để làm cách mạng, ủng hộ Xô viết Nghệ Tĩnh. Bên cạnh đó, bà còn đầu tư nghiên cứu, dịch thuật, biên khảo về sách giáo dục gia đình, phụ nữ, nhi đồng, nghiên cứu Phật học, hồi ức để viết tiểu thuyết lịch sử; các biến cố đau thương trong gia đình...

Cống hiến cho nghiệp báo không biết mệt mỏi

Theo tác giả Nguyễn Hữu Ngôn, Đạm Phương là một nhà tư tưởng với nhiều tư tưởng giải phóng phụ nữ, bình đẳng giới, mở mang dân trí, đề cao vai trò của giáo dục đối với phụ nữ và thiếu niên nhi đồng. Cô Hoàng Thị Ái Nhiên (PCT Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) đánh giá rất cao về ý tưởng mở trường dạy nghề phụ nữ của Đạm Phương: “Thật đáng khâm phục, ở thời của mình, Đạm Phương đã tha thiết mong mỏi mỗi tỉnh sẽ có năm bảy trường để đàn bà con gái học tập. Có thể coi đây là giải pháp cho giáo dục phụ nữ đi trước thời đại của bà”.

Đặc biệt, hoạt động báo chí của Đạm Phương đã được khẳng định qua nhiều ý kiến ở hội thảo. TS Tôn Phương Lan (Viện Văn học) nói: “Bà là người phụ nữ đầu tiên và duy nhất ở nước ta vào thời điểm đó đã viết cho cùng một lúc cả ba tờ báo lớn nhất ở cả ba miền”.

Ông Dương Phước Thu (Chánh văn phòng Hội Nhà báo tỉnh TT-Huế) trao đổi: “Sự tài hoa, trí tuệ mẫn tiệp và tư duy nhạy cảm của Đạm Phương không chỉ giúp bà viết báo súc tích, ngắn gọn, văn hay, dễ hiểu mà bà còn viết liên tục và gửi bài cho nhiều tờ báo có số kế tiếp nhau ra hàng ngày. Chính vì vậy số lượng độc giả của bà khá đông ở cả ba miền đất nước. Ngoài ra bà còn tham gia biên tập, tổ chức bài vở cho các tờ nhật báo ở rất xa kinh đô Huế. Điều này thật sự gây kinh ngạc cho những người làm báo và ngành bưu chính ngày nay”.

Nữ quận chúa - nhà báo canh tân cho giới nữ đầu tiên - 5

Gần 200 tác phẩm báo chí được tuyển tập lại của nữ nhà báo Đạm Phương

“Quãng đời làm báo của bà Đạm Phương không dài, trong hơn một thập niên, bà đã chứng tỏ là cây bút sung sức, tự tin, có mặt đều đặn với năng suất cao. Sức làm việc của bà thật đáng kính phục. Bà là một trong số nhà báo được nhiều người biết nhất, bất luận nam hay nữ thời bấy giờ. Bằng tài năng, nghị lực và cống hiến của mình, Đạm Phương nữ sử tự khẳng định là một trong số hiếm hoi những nhà văn, nhà báo lớn thuộc phái nữ nước ta trước Cách mạng tháng Tám 1945.”, nhà báo lão thành Phan Quang (nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam) thán phục.

Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế nhất định ở nữ nhà báo này theo như PGS.TS. Nguyễn Đăng Điệp: “Đạm Phương vẫn còn bàn nhiều đến chữ trinh, đạo làm vợ, chuyện vợ cả vợ lẽ... với sự dùng dằng cũ - mới. Đó là điều khó có thể tránh được, nhất là đối với một người sinh ra trong môi trường hoàng tộc, gia phong nghiêm cẩn. Nhưng ở khía cạnh khác, ta sẽ nhận thấy một phẩm tính đáng trân trọng trong di sản tư tưởng Đạm Phương: duy tân mà không lìa đứt gốc rễ, chủ trương hiện đại hóa nhưng không tuyệt giao với truyền thống, hướng về phương Tây nhưng không đánh mất bản sắc văn hóa dân tộc”.

Từ kết quả nghiên cứu về sự nghiệp báo chí của Đạm Phương, TS. Nguyễn Thu Linh, (Trung tâm Các vấn đề phát triển, Hà Nội) đề xuất một ý tưởng “Với gần 200 bài báo chứa đựng tư tưởng tiến bộ, đăng trên các báo có tiếng trong khoảng thời gian khá dài (1918-1929), bà cần có vị trí xứng đáng trong môn học về lịch sử báo chí Việt Nam cho những ai theo nghiệp báo chí”.

Nữ quận chúa - nhà báo canh tân cho giới nữ đầu tiên - 6
Ngoài viết báo, bà còn viết rất nhiều sách. Trên đây là cuốn sách “Giáo dục Nhi đồng” - in 4.000 bản năm 1942 tại Nhà in Lê Cường (Hà Nội), tựa của Phạm Quỳnh đặt

Qua hội thảo đã đưa ra nhiều kiến nghị như: kế hoạch bổ sung nội dung trưng bày về cuộc đời hoạt động của Đạm Phương nữ sử ở Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, xây dựng khẩn trương đề cương trưng bày về cuộc đời hoạt động của bà trong Bảo tàng Huế.

Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh TT-Huế cũng có chương trình sinh hoạt chuyên đề giới thiệu về cuộc đời bà và các cuộc thi trình diễn nữ công gia chánh, phát động xây dựng quỹ khuyến học Đạm Phương cho nữ sinh vượt khó học tập.
 
Nữ quận chúa - nhà báo canh tân cho giới nữ đầu tiên - 7

Con cháu của Đạm Phương nữ sử bên con đường mang tên bà được chính quyền tỉnh Thừa Thiên - Huế trân trọng đặt tên ở phường Tây Lộc, TP Huế

Ngoài ra là ý tưởng đề xuất nên có 1 bức tượng của Đạm Phương nữ sử đặt ở 1 vị trí trang trọng tại TP Huế từ cuộc vận động “Một giọt đồng đúc tượng danh nhân” của Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Nhà báo TT-Huế, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và tỉnh TT-Huế.

Đại Dương