1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Nữ dũng sĩ 7 lần được gặp Bác Hồ

(Dân trí) - “Bảy lần gặp Bác, mỗi lần tôi lại có được những bài học quý từ những lời dặn dò, bảo ban ân cần của Người. Bài học khắc sâu nhất trong tôi là sống yêu thương con người và không lãng phí”.

Bà Ngô Thị Tuyết (SN 1949, đang sống tại TP Đà Nẵng) được phong tặng danh hiệu dũng sĩ khi mới 15 tuổi, từng 7 lần được gặp Bác Hồ, kể lại những câu chuyện về Người, về những bài học từ Bác Hồ mà bà luôn ghi nhớ.

Bà Ngô Thị Tuyết, nữ dũng sĩ vinh dự 7 lần được gặp Bác Hồ
Bà Ngô Thị Tuyết, nữ dũng sĩ vinh dự 7 lần được gặp Bác Hồ

Nữ dũng sĩ 15 tuổi

Năm 1961, mới 12 tuổi, cô bé Tuyết đã bắt đầu tham gia kháng chiến chống Mỹ. Ý chí đấu tranh của nữ du kích nhỏ ở quê hương Bình Đông, Bình Sơn, Quảng Ngãi càng sôi sục với lòng căm thù giặc sâu sắc khi lần lượt chứng kiến anh trai, cha và mẹ hy sinh. Bà kể: “Anh trai hy sinh năm 1963, khi đang thoát ly thì bị lộ hầm trú ẩn. Cha thì hy sinh trong nhà lao ở Quảng Ngãi vì bị địch tra tấn da man mà suy kiệt. Còn mẹ tôi, khi đang làm ruộng ngoài đồng, bà nhận thấy địch đang bao vây đơn vị chiến đấu của mình, mẹ tôi bỏ lúa chạy về báo tin, giữa đường, bị địch nổ súng bắn, mẹ tôi hy sinh. Năm ấy là năm 1964, năm tôi 15 tuổi”.

Cô bé Tuyết 15 tuổi ngày ấy được các anh chị giao liên tin tưởng giao nhiệm vụ tiếp cận địch nắm bắt thông tin báo về đơn vị. Trong những lần tham gia bắn tỉa, bà đã diệt được 50 tên địch. 

Bà Ngô Thị Tuyết và em trai Ngô Nết cũng được phong danh hiệu dũng sĩ
Bà Ngô Thị Tuyết và em trai Ngô Nết cũng được phong danh hiệu dũng sĩ

15 tuổi, bà đã từng len lỏi giữa những giao thông hào, địa đạo làm nhiệm vụ, có thể dẫm phải bom đạn quân thù rải đầy trên đất quê bất cứ khi nào, phía trên là trực thăng địch càn quét, có lúc mặt đối mặt chiến đấu với quân thù.

Sau này ra thủ đô Hà Nội gặp Bác Hồ lần đầu tiên năm 1967, Bác hỏi: “Cháu còn nhỏ thế làm thế nào mà có thể tham gia chiến đấu?”, bà đã trả lời: “Bọn chúng nghĩ cháu là trẻ con không biết gì nên cháu càng dễ tiếp cận nắm bắt thông tin của địch báo về đơn vị, lại lấy vũ khí, đạn dược từ đồn địch đem về làm vũ khí chiến đấu cho đơn vị”. Bác lại hỏi: “Chiến đấu giữa mưa bom bão đạn bao hiểm nguy cháu có sợ không?”, bà trả lời: “Cháu sợ. Nhưng lòng căm thù giặc sâu sắc hơn nên cháu quyết chiến đấu đến cùng”.

Học Bác cách sống yêu thương

Bà Tuyết kể: “Tham gia chiến đấu ở quê hương Quảng Ngãi đến năm 1966, tôi bị thương nặng. Lần ấy, chúng tôi đang tập huấn công tác chính trị thì địch từ Chu Lai lên bao vây. Muốn thoát khỏi vòng vây địch phải qua một con sông.  Mọi người qua hết, còn lại tôi, chị Trà, 2 anh cán bộ và em Tịnh mới 9 tuổi thì địch truy đuổi sát bên. Trong lúc chèo đò qua sông, bị địch bắn trúng, thuyền thủng, chúng tôi nhảy xuống sông, tôi bị địch bắn trúng. Chúng bắt tôi lên trực thăng đưa về bệnh viện. Nhân có người trong làng bị thương nhập viện, tôi nhờ báo về cho đơn vị biết tình hình của tôi. Tôi được đơn vị tìm cách đưa về trạm xá trong chiến khu.

Sau Đại hội chiến sỹ thi đua Miền Trung Trung Bộ, tôi được ra Bắc chữa bệnh và học tập. Tôi bị thương, không đi lại được, các anh chị giao liên thay phiên cáng tôi đi ba tháng ròng rã mới ra tới Hà Nội. Ra Hà Nội được hai ngày, tôi đã được Bác gọi vào. Nghe tin báo mà tôi sững sờ, đâu có ngờ tôi có vinh dự được gặp Bác Hồ. Tôi biết nói gì với Bác đây? Bác Phạm Văn Đồng và anh Vũ Kỳ đã dặn dò tôi trước lúc vào gặp Người rằng kể những chuyện vui thôi, đừng làm Bác xúc động, ảnh hưởng sức khỏe của Bác.
 
Và lần đầu tiên ấy, trong Phủ Chủ tịch, trong nhiều câu chuyện chiến đấu ở miền Nam, tôi kể với Người về lời dặn của các anh bộ đội miền Bắc vào Nam chiến đấu. Gặp tôi trên đường Trường Sơn, khi tôi đang được đưa ra Hà Nội, các anh nói: “Ra hà Nội, chắc chắn em sẽ được gặp Bác Hồ. Em nói với Bác các anh vào Nam chiến đấu quyết hy sinh đến hơi thở cuối cùng, quyết giành độc lập cho dân tộc, để ngày thống nhất đất nước, miền Nam đón Bác vào thăm”. Kể tới đây, tôi ngẩng nhìn thấy Người rơm rớm nước mắt.

Tôi ở Hà Nội vừa chữa bệnh vừa học tập. Nhiều lần, tôi được vinh dự chọn vào đoàn đại biểu của nước mình đi khắp các nước Trung Quốc, Tiệp Khắc, Cu Ba, Pháp,... công tác.  Nhiều lần, Bác gọi tôi vào Phủ Chủ tịch cùng ăn trưa với Bác vào những ngày lễ, chủ nhật. Bác hỏi việc học hành, Bác hỏi về cảm nhận sau mỗi chuyến đi nước ngoài về...”.

Bà Ngô Thị Tuyết và em trai Ngô Nết cũng được phong danh hiệu dũng sĩ
Bà Tuyết (bìa phải), ngồi sát cạnh nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình trong chuyến công tác ở Pari 

Bà Tuyết rưng rưng nước mắt nhớ Người, chia sẻ: “Bảy lần gặp Bác, mỗi lần tôi có được những bài học riêng cho mình từ những lời dặn dò, bảo ban ân cần của Người. Bài học khắc sâu nhất trong tôi là sống yêu thương con người và không lãng phí. Nhớ bữa cơm đầu tiên cùng Bác, được Người dặn dò không lãng phí dù là một hạt gạo.

Bác luôn quan tâm tới mọi người xung quanh từ những điều nhỏ nhặt nhất. Như lần đầu tiên gặp Bác, quá mừng rỡ, quýnh quáng thế nào tôi lại làm đứt quai dép, tôi cứ để quai dép đó mà chạy theo Người. Đến chiều quay về, đã thấy đôi dép lành lặn, lại đã có thể xỏ chân mang vào. Người dặn dò đứa cháu nhỏ miền Nam ra Bắc nhớ mặc áo thật ấm vì thời tiết ngoài này lạnh hơn. Lần nào gặp, sức khỏe tôi mạnh hay yếu, Bác đều nhận thấy.

Lần cuối, tôi gặp Người là trước lúc Người ra đi chừng hai tháng. Vào viếng Bác lại nhớ lời Người trong lần gặp cuối cùng. Lần ấy, thấy Bác yếu, tôi đã khóc, Bác mắng: “Gặp Bác phải mừng chứ sao lại khóc”. Bác không lo sức khỏe mình, vẫn nhận ra: “Đợt này cháu khỏe hơn trước đấy”... Lời dạy bảo của Bác không chỉ là lời nói, mà từ chính lối sống của Người mà tôi cảm nhận trong những lần vinh dự được gặp Bác, và tôi luôn khắc ghi trong lòng, như Bác Hồ luôn sống mãi trong tim tôi”.
 

Tại Đà Nẵng còn có Đại tá Huỳnh Thúc Bá (SN 1944), người được phong anh hùng dũng sĩ khi 23 tuổi, từng vinh dự 3 lần được gặp Bác Hồ.

 
Nữ dũng sĩ 7 lần được gặp Bác Hồ
Đại tá Huỳnh Thúc Bá (người đang vuốt chòm râu Bác) chụp ảnh với Bác Hồ và một số anh hùng dũng sĩ miền Nam tại Phủ Chủ tịch tháng 3/1969

Ngày 17 tháng 9 năm 1967, Huỳnh Thúc Bá được Nhà nước tuyên dương anh hùng khi vừa tròn 23 tuổi. Sau khi ra miền Bắc học tập, năm 1971 ông trở về quân khu 5 làm chính trị viên. Năm 1976, ông tiếp tục ra miền Bắc học tập và về công tác tại Tổng cục Hậu cần. Năm 1989 ông về Cục Hậu cần quân khu 5 với vị trí Phó chủ nhiệm rồi lên Chủ nhiệm chính trị, Bí thư Đảng ủy. Năm 2002 ông về hưu với cấp bậc đại tá.


Nói về những lần được gặp Bác, lần đầu tiên là cuối tháng 4 năm 1968, ông được gặp Bác tại vườn hoa trong Phủ Chủ tịch.
 
Đại tá Huỳnh Thúc Bá kể lại những lần được gặp Bác Hồ 
Đại tá Huỳnh Thúc Bá kể lại những lần được gặp Bác Hồ 

"Bác xuất hiện như một ông tiên trong truyện cổ tích. Đã thấy Bác nhiều lần trong ảnh nhưng đây là lần đầu tiên tôi được trực tiếp gặp Bác. Bác hiền từ, nhân hậu, vĩ đại mà thanh cao quá chừng. Bác bắt tay tôi và Đình, Bác hỏi ngay: Cháu là Huỳnh Thúc Bá? Cháu là Trần Đình? Hai cháu là anh hùng của quê hương “Trung dũng kiên cường đi đầu diệt Mỹ”. Bác hỏi sức khỏe, gia đình, hỏi nhiều đời sống bộ đội và nhân dân. Bác nghe chúng tôi kể chuyện chiến đấu rất chăm chú, bất chợt Bác hỏi: Trong đó các cháu ăn có đủ không? Ngày ăn bao nhiêu? Tôi thành thật trả lời: Thưa Bác, chúng cháu ăn thất thường. Khi về ở với dân thì no. Khi về “cứ” hay đi công tác rất khó khăn. Biết chúng tôi là dân Quảng Nam, Bác hỏi: Mỗi ngày các cháu được mấy loong? Dạ! hai loong - Tôi thưa. Bác cho chúng tôi ăn hai đĩa bánh, lần đầu tiên tôi được ăn thứ bánh ngon và thơm nức như thế. Sau này tôi mới biết đó là bánh ga-tô. Khi chia tay, Bác mở gói thuốc Thủ đô hút một điếu rồi đưa cho tôi. Bác nói: Cháu gói bánh về chia cho các chú, các cô ở nhà nói là quà của Bác. Bao thuốc các cháu chia nhau hút cho vui” - Đại tá Huỳnh Thúc Bá kể lại.


Từ đó về sau ông Bá luôn giữ vỏ bao thuốc Bác cho làm kỷ niệm. Đi đâu ông cũng mang theo bên mình như một bảo vật. Tuy nhiên, trong một trận đánh, khi địch ném bom đã làm cháy mất.


Lần thứ 3, ông Bá được gặp Bác là vào tháng 3 năm 1969, trước khi trở lại chiến trường. “Lúc này sức khỏe của Bác rất yếu. Chúng tôi được yêu cầu ngồi xa đừng để Bác mệt. Tôi biết ý đứng xa nhìn Bác. Bác vẫn thấy tôi và nhớ rõ tên tôi. Vẫy tôi lại gần Bác hỏi: Cháu Bá đã hết sốt chưa? Học có tốt không?”.


Sau này, khi đối diện với sự sống và cái chết, những lúc cam go nhất của cuộc đời, nghĩ về Bác, Đại tá Huỳnh Thúc Bá như có thêm nghị lực để vượt qua tất cả.
 

Khánh Hồng

 

 Khánh Hiền