Nụ cười và tình người trong “lô cốt”
Hiếu dẫn tôi chạy vòng quanh trong một con hẻm nhỏ trên đường Phan Xích Long (quận Phú Nhuận) để đến nhà mẹ con bé Hà. Hiếu kể những lúc làm việc mệt nhọc hay có điều gì bực bội, anh lại ghé vào ngôi nhà lạ lùng này, để khi về, mọi ưu phiền đều tan biến.
Ngôi nhà dị thường
Hai mẹ con bà Hồng trong ngôi nhà 5m2
Sau một hồi chạy quanh, Hiếu cũng dừng lại trước một ngõ cụt giữa hai nhà cao tầng. Ngõ cụt sâu hàng chục mét, bề ngang chưa đầy nửa thước, chỉ đủ cho một người lách vào. Cuối hẻm cụt là nơi trú ngụ của mẹ con bé Hà - không hẳn là một ngôi nhà, đúng hơn, nó là một cái “lôcốt” rộng 5m2. Tầng trệt chỉ đủ cho nhà vệ sinh, hai mẹ con chủ yếu sống ở căn gác gỗ bên trên.
Nhà im ắng không một tiếng người. Hiếu cất tiếng gọi: “Bé Hà ơi!”. Ở trên gác vọng xuống tiếng lanh lảnh như giọng trẻ con: “Mẹ đi vắng rồi, em ở trên này nè!” Tôi và Hiếu leo lên chiếc cầu thang nhỏ xíu mới được biết bé Hà là một cô gái bị liệt nửa người, chân tay co quắp.
Thấy chúng tôi, bé Hà vui ra mặt, nói chuyện tíu tít. Bé nằm một chỗ suốt ngày buồn quá, có người đến trò chuyện là vui như bắt được vàng. Bé bảo, mẹ đi ra phường lãnh trợ cấp 150 ngàn đồng từ sáng. Trụ sở UBND phường không xa, nhưng với người đàn bà nhợt nhạt, đủ thứ bệnh trong người này, nó là một khoảng cách lớn. Hiếu bảo, căn bệnh tim khiến mẹ bé Hà đi bộ chừng trăm mét hoặc leo lên cầu thang là mặt mày xây xẩm, thở không ra hơi.
Người đàn bà tên đầy đủ là Trương Thị Niên Hồng, sinh năm 1953, còn con gái tên Trương Thị Thu Hà. Mặc dù Hà sinh năm 1979, nhưng ai cũng gọi là “bé”. Vì Hà chỉ nằm yên một chỗ, mọi sinh hoạt đều phụ thuộc vào người mẹ ốm yếu.
Bà Hồng kể rằng, căn nhà “lô cốt” này do một tay người chồng quá cố của bà thiết kế. Từ khi ông mất, mọi thứ không thay đổi từ cái cầu thang cho đến ổ điện... ngay cả chiếc quạt trong nhà cũng do ông để lại. Hồi trước, ông là dân thợ điện. Từ khi ông bệnh nặng không qua khỏi (năm 2004), hai mẹ con bệnh tật rau cháo đùm bọc nhau qua ngày.
Bé Hà sinh ra đã bị tật. Bà Hồng nói, có thể là do di chứng chất độc hoá học vì ngày xưa cha bé có đi lính. Khi sinh ra, bé Hà nhỏ bé và co quắp như con mèo, mọi người bảo bỏ đứa con đi, để nó sống càng thêm tội. Nhưng tình mẫu tử thiêng liêng, bà không mảy may nghĩ đến việc làm “ác nhơn ác đức” đó. Bà nghe người ta khuyên nên nắn tay chân cho con kẻo nó cứ còng queo suốt đời. Thế là bà kiên trì nắn ngày này qua tháng khác. Nỗ lực của người mẹ đã được đền đáp bằng việc đứa con khác thường có thể đi lại. Bé Hà được đến trường, học đủ để biết đọc chữ rồi bỏ học về nhà đẩy xe bán trái cây dạo ở ngã tư Phú Nhuận.
“Tội nghiệp, bé phải ở ngoài giữ hàng suốt ngày, đến đi tiểu cũng không dám, lâu ngày sinh bệnh về thận. Chân tay ngắn ngủi, lóng ngóng, một lần vô tình té cầu thang, thế là bé bị giập bàng quang, liệt nửa người”, bà Hồng buồn bã nhớ lại. Từ đó đến nay, bé Hà phải sống chung với ống nước tiểu gắn bên ngoài.
Cả hai mẹ con nghèo, lại đủ thứ bệnh trong người, không có khả năng khám chữa bệnh đành sống qua ngày đoạn tháng. Ngay cả việc thay ống thông tiểu cho bé Hà, người mẹ cũng tự làm, dù biết chỉ là làm “dã chiến”. “Ông trời gọi về lúc nào là vâng lời lúc ấy”, bà Hồng nói.
Tình người và nụ cười
Từ lâu rồi, hai mẹ con ăn cơm trợ cấp của các hội đoàn tôn giáo. Sáng hai mẹ con ăn chung tô hủ tiếu mười ngàn đồng. Trưa, người của giáo xứ Tân Định mang cơm đến tận nhà cho hai mẹ con. Bé Hà nói, em ăn trưa không hết chừa lại chiều ăn nốt. Thỉnh thoảng có người biết chuyện lại tìm tới hẻm sâu này giúp cho lon sữa, cái bánh. Một cô y tá biết hoàn cảnh bé Hà (khi bé vào bệnh viện), tháng nào lãnh lương cũng tranh thủ ghé thăm cho hai mẹ con vài trăm ngàn, suốt mấy năm nay. Có người thấy bé Hà nằm một chỗ buồn thì tặng ngay cái tivi.
Điều đáng nói là trên gương mặt hai mẹ con luôn sẵn nụ cười và lời cảm ơn cuộc đời đã mang đến cho mình những con người phúc đức. Còn những người đến thăm, sau khi ra về thường cảm thấy như họ nhận được từ hai mẹ con này một nghị lực sống.
“Những khi hai mẹ con lủi thủi với nhau, bệnh tật hành hạ, lại mở nhạc Trịnh Công Sơn ra nghe. Ngẫm lời nhạc mà thấm thía giá trị cuộc sống, và thấy hoàn cảnh gia đình mình còn may mắn hơn nhiều người phải sống đầu đường xó chợ, hay bị lũ lụt thiên tai...”, bà Hồng nói.
Tôi đã hiểu tại sao anh bạn Hiếu - một thanh niên môi giới địa ốc - vẫn thường hay ghé ngôi nhà “lô cốt” này mỗi chiều đi làm về mệt mỏi, bực bội.
Theo Xuân Huy
Sài Gòn tiếp thị