1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Nữ công nhân tự nhận mắc Covid-19 để ở nhà trông con có bị xử phạt?

(Dân trí) - Nếu hành vi của chị này chỉ là bịa chuyện với người sử dụng lao động để được nghỉ ở nhà trông con, tức chỉ ở phạm vi hẹp, thì việc xử phạt hành chính cũng không nhất thiết đặt ra.

Tại buổi toạ đàm “Cuộc chiến phòng chống dịch Covid-19 và một số vấn đề pháp lý đặt ra” do Văn phòng Bộ Tư pháp và Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức sáng 20/3, bà Nguyễn Thanh Hà - Phó Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật (Bộ Tư pháp), cho rằng câu chuyện một nữ công nhân bịa chuyện nhiễm bệnh để nghỉ ở nhà trông con cần được xem xét ở mức độ ảnh hưởng.

“Nếu hành vi của chị này chỉ bịa chuyện với người sử dụng lao động để nghỉ ở nhà trông con, tức chỉ ở phạm vi hẹp, thì việc xử phạt hành chính đối với người có hành vi này cũng không nhất thiết đặt ra. Vì vấn đề chính trong câu chuyện này là người sử dụng lao động sẽ không tin tưởng họ nữa và có thể sa thải lao động này do mất tín nhiệm, họ có thể không sử dụng nữ công nhân đó nữa”- bà Hà phân tích.

Nữ công nhân tự nhận mắc Covid-19 để ở nhà trông con có bị xử phạt? - 1

Bà Nguyễn Thanh Hà (Ảnh: PLVN).

Nhưng trong trường hợp nữ công nhân bịa chuyện nhiễm Covid-19 với ảnh hưởng nặng nề hơn như bịa chuyện với thầy thuốc, nhân viên y tế gây ảnh hưởng đến việc theo dõi diễn biến, tình hình dịch bệnh của người có trách nhiệm thì có thể bị xử phạt về hành vi: Khai báo không trung thực diễn biến bệnh truyền nhiễm của bản thân với thầy thuốc, bị xử phạt từ 100-300 nghìn đồng (Điểm a Khoản 1 Điều 9 Nghị định 176/2013).

“Dĩ nhiên, việc xác định họ cố ý hay vô ý thì còn tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể và mức phạt đối với hành vi này, tôi cho rằng cũng rất thấp so với yêu cầu thực tế, cần sửa đổi kịp thời. Trường hợp nữ công nhân đưa thông tin bịa đặt lên mạng xã hội thì sẽ vi phạm về quy định đối với hành vi không trung thực khi đưa thông tin lên mạng, sẽ bị xử phạt hành chính theo Luật”- bà Hà cho hay.

Vì sao liên tiếp có nhiều người tung tin thất thiệt?

Trước câu hỏi có rất nhiều người bị xử lý vì tung tin thất thiệt về dịch Covid -19 nhưng hiện tượng này vẫn tiếp diễn thì có phải do mức phạt tiền chưa đủ sức răn đe, bà Lê Thị Vân Anh - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự hành chính (Bộ Tư pháp) khẳng định, Bộ Luật Hình sự đã quy định về hành vi đưa tin trái quy định lên mạng internet, trong trường hợp có hậu quả như gây hoang mang dư luận, gây thiệt hại vật chất đối với cá nhân, xã hội… thì sẽ xử lý hình sự.

Hành vi nhẹ thì bị phạt tiền từ 30-200 triệu hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Nếu phạm tội có tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự thì có thể bị phạt tiền đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù đến 7 năm

“Dịch Covid-19 là đại dịch mới bùng phát trong vài tháng gần đây, có thể nói thời gian dài trước đây ta chưa từng phải đối mặt với nạn dịch ở mức độ nghiêm trọng như hiện nay. Ở góc độ từ phía người dân, một số người do chưa có ý thức tốt cả về phương diện y tế và pháp luật nên vẫn tiếp tục vi phạm, cá biệt có trường hợp chưa nắm được thông tin hoặc chưa được “trải nghiệm” việc bị cơ quan có thẩm quyền xử lý khi thực hiện hành vi này”- bà Vân Anh đánh giá.

Mặt khác, theo bà Vân Anh, do dịch bệnh đang vô cùng nghiêm trọng nên chúng ta đang tập trung xử lý dịch bệnh, bảo đảm an toàn sức khỏe của người dân là nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu.

Nữ công nhân tự nhận mắc Covid-19 để ở nhà trông con có bị xử phạt? - 2

 Bà Lê Thị Vân Anh - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự hành chính (Bộ Tư pháp).

Trong khi đó, ông Lê Đại Hải - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự kinh tế (Bộ Tư pháp) lại cho rằng, luật quy định tương đối đầy đủ nhưng thực tế vẫn có vi phạm thì khúc mắc nằm ở vấn đề thực thi pháp luật.

“Về phía người dân, tôi lấy ví dụ hiện tượng vẽ “vô tội vạ” trên cột điện, ở đường phố còn diễn ra, nhiều người nói nói do xử phạt không nghiêm. Nhưng thử hỏi có những ai gọi vào số điện thoại cơ quan chức năng là nhà tôi bị vẽ hay tôi thấy người ta đang vẽ để cơ quan chức năng tới kiểm tra, xử phạt hay chưa?”- ông Hải nêu tình huống. Từ đó, ông cho rằng câu chuyện thực thi với luật còn khoảng cách từ nhiều phía.

Hơn nữa, công nghệ thông tin bùng nổ nên nguyên nhân còn ở nhận thức pháp luật. “Nhiều khi một số người dân sử dụng mạng xã hội nghĩ đơn giản chỉ like ủng hộ bạn bè nhưng thực tế cũng tác hại vì đã vô tình lan rộng thông tin xấu độc”- ông Hải nói.

Người nước ngoài bị xử lý như thế nào?

Bà Lê Thị Vân Anh khẳng định, mọi người sinh sống, làm việc trên lãnh thổ Việt Nam đều phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam. Điều này được thể hiện khá rõ trong các quy định của pháp luật Việt Nam liên quan đến xử lý hành vi vi phạm (Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012, Bộ luật hình sự năm 2015).

Vì vậy, trường hợp người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam hoặc đang du lịch ở Việt Nam thời điểm dịch bệnh này nhưng không chấp hành các quy định của Việt Nam về phòng chống dịch như không đeo khẩu trang, không hạn chế đi lại, khám sức khỏe,… thì tùy từng trường hợp cụ thể mà có thể bị xem xét xử phạt vi phạm hành chính (trục xuất) hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Thế Kha