1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Nông dân sống dựa vào rừng nhưng buộc phải... phá rừng

(Dân trí) - Mặc dù những người nông dân trồng rừng, sống dựa vào rừng đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ rừng, nhưng họ không có bất cứ khả năng nào trong việc đàm phán giá cả, luôn bị thua thiệt và buộc phải phá rừng để kiếm kế sinh nhai.

Trong giai đoạn 2006-2011, cả nước đã giao khoán được 10 triệu ha trên tổng số 16,2 triệu ha đất lâm nghiệp cho gần 1,25 triệu hộ gia đình với 4,65 triệu lao động, trong đó có gần 485.000 hộ nghèo, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Tính đến ngày 31/12/2013, cả nước có 14 triệu ha đất rừng tự nhiên, trong đó rừng tự nhiên chiếm 10,5 triệu ha và rưng trồng là 3,5 triệu ha. Hiện nay, Chính phủ đã cấm hoàn toàn việc khai thác gỗ từ rừng tự nhiên, mà chỉ đươc phép khai thác từ rừng trồng. Do đó, nguồn thu nhập của người dân đến từ phí dịch vụ bảo vệ rừng, sản phẩm rừng trồng, trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản.

Thu nhập của người trồng rừng không đảm bảo sinh kế cho bản thân và gia đình (Ảnh: baoquangninh)
Thu nhập của người trồng rừng không đảm bảo sinh kế cho bản thân và gia đình (Ảnh: baoquangninh)

“Gần đây, việc sử dụng gỗ từ rừng trồng hiệu quả thấp vì quy mô nho lẻ, manh mún, trong khi đố việc tổ chức sản xuất khai thác nguồn lợi từ đất rừng còn hạn chế. Tính trung bình 1 ha rừng trồng khai thác ở tuổi 5-6 năm, sau khi trừ chi phí thu được 30-40 triệu đồng, nên thu nhập thấp hơn so với mong đợi, hiệu quả kinh tế thấp hơn so với nhiều cây trồng khác như sắn,…”, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Cao Chí Công cho biết.

Trồng rừng mất thời gian dài mới được thu hoạch, trong khi thu nhập để nuôi sống gia đình phụ thuộc chủ yếu vào rừng nên họ phải thu hoạch cây rừng sớm (3-4 năm thay vì 6-7 năm), vì thế giá bán sản phẩm không cao, chất lượng gỗ thấp, không đảm bảo sinh kế cho bản thân và gia đình.

Mặt khác, khi người nông dân thu hoạch các sản phẩm nông nghiệp và rừng, như cây lấy gỗ, họ thường tự bán riêng lẻ sản phẩm cho thương lái hay người thu mua.

“Họ không có bất cứ khả năng nào trong việc đàm phán giá cả, giá của sản phẩm thường phụ thuộc vào thương lái. Thiếu kiến thức về thị trường và kinh doanh, nông dân làm nông nghiệp và rừng thường bị thua thiệt” - TS. Nguyễn Duy Lượng, Phó Chủ tịch thường trực, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khẳng định.

Thực tế, việc phát triển kinh tế đồi rừng kết hợp nông nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn và thách thức. Công tác quản lý rừng còn thiếu tính pháp lý, nông dân chưa yên tâm trong quản lý, sử dụng đất rừng để phát triển kinh tế lâm nghiệp. Điều kiện được giao đất, giao rừng; thời hạn, hạn mức giao rừng, khai thác gỗ với mục đích thương mại, cơ chế hưởng lợi, tiêu thụ sản phẩm chưa rõ.

TS. Nguyễn Duy Lượng, Phó Chủ tịch thường trực, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (Ảnh T.N)
TS. Nguyễn Duy Lượng, Phó Chủ tịch thường trực, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (Ảnh T.N)

Ý thức chấp hành luật về bảo vệ rừng của không ít hộ nông dân còn hạn chế. Tình trạng chặt phá rừng, vô tình để xảy ra cháy rừng, săn bắt động vật trái phép; phá rừng để trồng các cây trồng khác kiếm kế sinh nhai hàng năm không giảm mà có xu hướng tăng.

Thành lập nhóm sản xuất để nâng cao tiếng nói chính trị

Nhằm hỗ trợ cho nông dân đẩy mạnh sản xuất nông lâm nghiệp theo hướng bền vững, bảo đảm sinh kế, giảm nghèo, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, tháng 4/2014, Hội Nông dân đã viết đề xuất ý tưởng gửi tới Chương trình Hỗ trợ Phát triển Rừng và Trang trại (gọi tắt là FFF) của Tổ chức Nông lương của Liên Hợp quốc (FAO).

Đến nay FAO đa chấp thuận và chọn Việt Nam là 1 trong 10 quốc gia đối tác thực hiện chương trình. Hội thảo khởi động Chương trình FFF tại Việt Nam vừa được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với FFF tổ chức sáng nay, 22/8, tại Hà Nội.

Ông Jeffrey Y Campbell, Giám đốc Chương trình hỗ trợ
Ông Jeffrey Y Campbell, Giám đốc Chương trình hỗ trợ  Trang trại và rừng (FFF) của FAO (Ảnh: T.N)

Ông Jeffrey Y Campbell, Giám đốc Chương trình hỗ trợ  Trang trại và rừng (FFF) cho biết Chương trình tập trung hỗ trợ các hộ nông dân nhỏ lẻ, phụ nữ, người dân tộc thiểu số, cộng đồng sống dựa vào rừng. Với nguồn tài trợ đến từ nhiều chính phủ như Thụy Điển, Phần Lan, Đức, Mỹ và tổ chức Agricord, Chương trình FFF có ngân sách 500,000 USD/mỗi quốc gia trong 3 năm.

“Rừng rất quan trọng với trang trại và gia trại vì nó giúp đảm bảo các yếu cầu thiết yếu như dinh dưỡng cho người dân, tránh xói mòn, sạt lở, cung cấp các sản phẩm cho ngươi dân để họ tự cung tự cấp và tạo cung ứng ra thị trường, đảm bảo an ninh lương thực. Tuy nhiên, những gia đình nông dân nghèo nhất lại sống gần rừng và quanh khu vực có rừng. Nếu họ được tổ chức và đóng vai trò quan trọng hơn trong thị trường thì chúng ta có thể nhận biết họ”, ông Jeffrey nhận định.

“Hiện nay, hộ nông dân sản xuất quy mô nhỏ không được nhìn nhận đúng, họ bị bỏ qua và không được coi là chính thức. Thương lái nhân cơ hội đó để ngăn chặn không cho họ tiếp cận thị trường và họ không có giá cả hợp lý, họ không được đối xử công bằng. Để nâng cao tiếng nói chính trị của họ, cần thành lập các tổ chức, hiệp hội hoặc doanh nghiệp sản xuất để họ được tư vấn, tiếp cận thị trường, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, trao đổi thông tin, tham gia vào phần cung của thị trường để tạo ra các doanh nghiệp chế biến thứ cấp và doanh nghiệp. Như vậy họ có thể tuyển lao động và tạo công ăn việc làm cho nhiều người”, ông nói thêm.

Thảo Nguyên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm