1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Thanh Hóa:

Nông dân “đắng lòng” nhìn tôm chết hàng loạt

(Dân trí) - Thời gian qua, hàng trăm hộ nuôi tôm ở xã miền biển Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) lao đao trước tình trạng hàng trăm hécta tôm sú gần đến kỳ thu hoạch chết. Người nuôi tôm đứng trước nguy cơ nợ nần chồng chất.

Theo chân cán bộ Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản xã Hoằng Phụ, chúng tôi đến thăm cánh đồng nuôi tôm sú của các hộ dân nơi đây. Không giống như trước đây, những căn lều của các hộ nuôi tôm đều đã bỏ hoang, không người ở. Nhiều ao nuôi nước trong veo vì không còn một con tôm nào.

Nông dân “đắng lòng” nhìn tôm chết hàng loạt - 1
Người nuôi tôm "đắng lòng" nhìn tôm chết hàng loạt

Bà Nguyễn Thị Huệ, thôn Sao Vàng, xã Hoằng Phụ ngán ngẩm: “Gia đình tôi có 0,5 hécta nuôi tôm, thời gian gần đây không hiểu sao tự dưng cứ thấy tôm thi nhau chết, tình trạng này chắc cũng không cứu vãn được rồi. Không còn cách nào khác đành chịu khó vớt tôm chết lên mang về phơi làm thức ăn cho lợn, cũng là cách vệ sinh ao nuôi để còn chuẩn bị cho vụ mới”.

Không chỉ gia đình bà Huệ mà hàng trăm hộ nuôi tôm khác ở xã Hoằng Phụ cũng đang lâm vào tình cảnh khốn đốn khi tôm cứ thi nhau chết hàng loạt, nhiều ao nuôi không còn bóng một con nào sống sót.

Theo thống kê của UBND xã Hoằng Phụ, đến thời điểm này số lượng tôm sú của bà con chết đã lên đến khoảng 75 tấn, với giá tôm sú như hiện nay giao động từ 120 - 160 ngàn đồng/kg thì ước tính người nuôi tôm sú ở đây bị thiệt hại khoảng trên 7 tỷ đồng.

Trong khi đó, toàn bộ chi phí cải tạo ao hồ, mua con giống, thức ăn, người nuôi tôm nơi đây đều phải đi vay vốn ngân hàng về đầu tư, đó là chưa kể công chăm sóc. Tại xã Hoằng Phụ hiện có 171 hộ nuôi tôm sú với diện tích 220 héc ta. Đến thời điểm này đã có tới 183 ha nuôi tôm của 151 hộ có hiện tượng tôm chết hàng loạt.

Nông dân “đắng lòng” nhìn tôm chết hàng loạt - 2

Tôm chết được bà con vớt lên vứt khô trên bờ

Trước tình hình trên, chính quyền xã và HTX nuôi trồng thủy sản Hoằng Phụ đã xuống tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm đi kiểm tra để xác định nguyên nhân. Kết quả kiểm tra cho thấy, nguyên nhân tôm chết hàng loạt là do nhiễm vi rút đốm trắng, môi trường nước nuôi đều vượt ngưỡng các chỉ số cho phép nhiều lần. Hơn nữa nhiều ao nuôi tôm của các hộ dân nơi đây sử dụng chung một kênh dẫn nước vào ao nuôi nên dịch bệnh có thể dễ dàng lây lan rộng.

Ngoài ra, thời gian vừa qua, thời tiết nắng nóng kéo dài, nhiệt độ nước trong các ao nuôi tăng cao cũng là một nguyên nhân khiến tôm chết hàng loạt.

Ông Lê Xuân Tích, Chủ nhiệm Hợp tác xã Nông nghiệp xã Hoằng Phụ, cho biết: “Cứ đà tôm chết như thế này chắc chắn con số thiệt hại của người nuôi tôm ở địa phương không chỉ dừng lại ở đây. Hầu hết các hộ gia đình nuôi tôm vay nợ ngân hàng, có hộ lên đến hàng trăm triệu đồng”.

Ngay sau khi nắm bắt tình hình trên, Sở NN&PTNT Thanh Hóa cùng các cơ quan chức năng liên quan đã phối hợp với UBND huyện Hoằng Hóa đến tận nơi để kiểm tra, tìm nguyên nhân và thống kê thiệt hại của người nuôi tôm để có giải pháp giúp bà con khắc phục khó khăn.

Duy Tuyên