1. Dòng sự kiện:
  2. Thảm họa lũ quét Làng Nủ
  3. Mưa lũ lớn ở miền Bắc

Nông dân Đà Lạt mang vỏ thuốc trừ sâu đi đổi quà tặng

Minh Hậu

(Dân trí) - Thay vì vứt bỏ ra môi trường, người dân TP Đà Lạt (Lâm Đồng) thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật, mang đi đổi quà tặng.

Những năm gần đây, để bảo vệ môi trường, Hội nông dân TP Đà Lạt phối hợp cùng các cơ quan chức năng, tổ chức chương trình thu gom vỏ thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), đổi lấy quà tặng.

Sáng 26/9, bà Huỳnh Thị Hồng, ở phường 12, TP Đà Lạt dùng xe máy chở bao tải nhỏ chứa chai lọ, vỏ thuốc BVTV các loại đến điểm đổi quà trên quốc lộ 27C, đoạn thuộc phường 12.

Tại đây, ban tổ chức thông báo toàn bộ vỏ thuốc có tổng trọng lượng 7kg và bà được nhận phần quà là 7 đôi găng tay cao su, có trị giá khoảng 70.000 đồng.

Nông dân Đà Lạt mang vỏ thuốc trừ sâu đi đổi quà tặng - 1

Bà Huỳnh Thị Hồng mang vỏ thuốc BVTV đến điểm đổi quà tặng (Ảnh: Minh Hậu).

Bà Hồng cho biết, gia đình canh tác 0,6ha cây trồng các loại, mỗi tháng phải sử dụng nhiều loại thuốc BVTV để phòng trừ sâu, bệnh hại. 

"Hơn một năm nay, tháng nào tôi cũng gom góp rồi mang đến để đổi quà tặng. Ngoài số vỏ thuốc phát thải từ việc sản xuất của gia đình, tôi cũng gom thêm từ các vườn hàng xóm", bà Hồng nói.

Một nông dân trồng hoa cúc tại xã Xuân Thọ, TP Đà Lạt cho biết, trước đây, sau mỗi lần phun thuốc trừ sâu bệnh, gia đình anh gom vào góc vườn chờ xử lý nhưng có lúc chưa kịp mang đi, nước mưa cuốn xuống suối.

Nông dân này cũng thừa nhận từng chọn biện pháp đốt vỏ bao bì thuốc BVTV ngay tại khu sản xuất. Anh chia sẻ: "Mấy tháng gần đây, mỗi khi phun thuốc xong, tôi nhặt hết vỏ chai lọ, bao bì cho vào thùng nhựa lớn, đậy kín rồi dành đổi quà. Riêng tháng này, tôi gom hơn 10kg, đổi được bộ áo mưa".

Nông dân Đà Lạt mang vỏ thuốc trừ sâu đi đổi quà tặng - 2

Các loại vỏ thuốc BVTV được nông dân đưa đến đổi quà tại phường 12, TP Đà Lạt (Ảnh: Minh Hậu).

Theo bà Nguyễn Thị Do Hà, 50 tuổi, người sản xuất 2ha atiso ở Đà Lạt, việc đổi vỏ thuốc BVTV lấy quà tặng giúp bảo vệ môi trường, sức khỏe con người. Bà cho biết, vì nhận thấy cách làm mang lại ý nghĩa lớn nên bà tham gia làm tình nguyện viên, cùng với lực lượng chức năng đến từng hộ dân để tuyên truyền, vận động.

Bà Hà cho hay, trước đây, người dân thường có thói quen gom và đốt vỏ thuốc ngay tại đồng ruộng hoặc xả thải ra bãi rác, các con suối lân cận. Việc làm này dẫn đến ô nhiễm môi trường đất, không khí, nguồn nước và lâu dài tác động đến sức khỏe con người.

"Nhiều loại thuốc sử dụng trong sản xuất có hoạt chất độc hại nên không xử lý đúng quy trình sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường. Các chất độc hại có thể ảnh hưởng đến sức khỏe thế hệ con cháu về sau", bà Hà nói.

Ông Nguyễn Văn Danh, Chủ tịch Hội Nông dân phường 12, TP Đà Lạt cho biết, địa phương có 418ha đất nông nghiệp. Trung bình mỗi tháng vùng sản xuất nông nghiệp địa phương này xả thải 0,6-0,7 tấn vỏ thuốc BVTV các loại.

"Thông qua chương trình thu gom, đổi quà tặng, mỗi tháng phường xử lý 0,4-0,5 tấn vỏ thuốc. Số còn lại được các hộ dân thu gom tại nơi sản xuất để chuyển cho cơ quan chức năng xử lý", ông Danh chia sẻ.

Nông dân Đà Lạt mang vỏ thuốc trừ sâu đi đổi quà tặng - 3

Từ 2022 đến nay, chương trình đã thu gom, xử lý 100 tấn vỏ thuốc BVTV các loại (Ảnh: Minh Hậu).

Theo Hội Nông dân TP Đà Lạt, chương trình được triển khai từ 2022 đến nay. Các phần quà tặng bao gồm găng tay cao su, ủng, khẩu trang, mặt nạ phòng độc, đèn pin, áo mưa, áo thời trang. Tùy vào trọng lượng vỏ thuốc, nông dân sẽ được ban tổ chức tặng các phần quà tương ứng.

Chị Nguyễn Thị Phương Anh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP Đà Lạt, cho biết chương trình được đơn vị tổ chức vào thứ 5 của tuần cuối cùng hàng tháng. Toàn bộ vỏ thuốc từ chương trình sẽ được cơ quan chức năng chuyển đến nhà máy xử lý rác thải theo đúng quy định.

"Chương trình đã thu hút sự tham gia của hàng nghìn hộ dân trên địa bàn. Từ 2022 đến nay, chúng tôi đã thu gom và xử lý khoảng 100 tấn vỏ thuốc BVTV các loại", chị Nguyễn Thị Phương Anh nói.

Hội Nông dân TP Đà Lạt đang phối hợp cùng các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức mở rộng chương trình trong thời gian tới.