1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

"Nông dân cần có cuộc cách mạng trong văn hóa để môi trường tốt hơn"

(Dân trí) - Sáng 21/12, Hội Nông dân Việt Nam cùng Bộ TN-MT tổ chức hội thảo tăng cường phối hợp giữa Hội Nông dân các cấp với ngành tài nguyên và môi trường trong việc đưa Luật Bảo vệ môi trường vào cuộc sống.

Nông dân cần có cuộc cách mạng trong văn hóa để môi trường tốt hơn - 1

Ông Thào Xuân Sùng - Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam - phát biểu tại buổi hội thảo (Ảnh: Nguyễn Trường).

Luật rất khả thi, còn lại phụ thuộc vào con người

Theo ông Thào Xuân Sùng - Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam - buổi hội thảo được tổ chức xin ý kiến các cơ quan liên quan, các nhà khoa học, lãnh đạo Hội Nông dân các địa phương đã làm tốt công tác bảo vệ môi trường.

Trên cơ sở này, lãnh đạo Hội Nông dân Việt Nam cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) sẽ ban hành chương trình phối hợp để triển khai tốt công tác bảo vệ môi trường 2021-2025, tầm nhìn đến 2045.

Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua, được Bộ TN-MT và Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì, phối hợp đóng góp ý kiến, xây dựng kĩ càng.

Ông Sùng nhận định rằng, các Điều, Khoản trong Luật này rất khả thi. Vấn đề còn lại phụ thuộc vào con người có khả thi hay không? Bởi vì, bảo vệ môi trường phải là những hành động thiết thực sau buổi hội thảo.

Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đề nghị các đại biểu đi thẳng vào vấn đề để có những đóng góp, giải pháp thiết thực nhất nhằm tăng cường sự phối hợp giữa Hội và Bộ TN-MT từ trung ương cho đến địa phương cùng với các đoàn thể chính trị - xã hội, các Bộ có liên quan.

Nông dân cần có cuộc cách mạng trong văn hóa để môi trường tốt hơn - 2

Quang cảnh buổi hội thảo (Ảnh: Nguyễn Trường).

Theo TS.Trần Văn Miều - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam - Hội Nông dân Việt Nam là chủ thể quan trọng, trách nhiệm, năng động, sáng tạo trong bảo vệ môi trường và triển khai thực hiện Luật Bảo vệ môi trường.

Ông Miều cho biết, Hội Nông dân Việt Nam quản lý đối tượng rất rộng, "đâu đâu cũng có nông dân". Bên cạnh đó, những sáng tạo, nghiên cứu của những "bác học chân đất" là không thiếu. Vì vậy, cần phát huy sự sáng tạo của nông dân rồi phổ biến, tuyên truyền để việc này được lan tỏa.

"Phải coi Hội Nông dân là đối tác quan trọng của Bộ TN-MT. Hội giữ vai trò quan trọng, là trung tâm của trung tâm. Từ đó, cần phải có hành động thế nào đó để chuyển tải được Luật Bảo vệ môi trường đến được với người nông dân…" - ông Miều nói và đề xuất, các cấp của Hội cần nghiên cứu, phổ biến, ứng dụng tri thức bản địa, tri thức dân gian vào bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Nông dân cần có cuộc cách mạng trong văn hóa để môi trường tốt hơn - 3

Theo ông Nguyễn Hưng Thịnh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường - cho biết những quy định của Luật Bảo vệ môi trường gắn liền với mục tiêu cải thiện chất lượng môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân... (Ảnh: Nguyễn Trường).

Nơi có tỉ lệ rừng, nước cao nhất lại là nơi rất nghèo

Theo ông Nguyễn Hưng Thịnh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT) - Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2022. Với 80% diện tích toàn quốc, 67% dân số sống trên địa bàn nông thôn nên nông thôn Việt Nam đóng góp một phần quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường trong giai đoạn hiện nay.

Những quy định của Luật Bảo vệ môi trường gắn liền với mục tiêu cải thiện chất lượng môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân; cân bằng sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển kinh tế bền vững.

Trong đó, chất lượng môi trường nói chung bao gồm chất lượng môi trường nông thôn được coi là nền tảng, là mục tiêu để bảo vệ trên cơ sở điều tiết các hoạt động dân sinh, kinh tế có tác động đến chất lượng môi trường nông thôn thông qua công tác kiểm kê, thống kê, theo dõi và quản lý bằng các công cụ phù hợp…

Luật cũng quy định trách nhiệm của các tổ chức chính trị - xã hội, trong đó có Hội Nông dân về việc vận động cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, giám sát việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân.

Tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường, tư vấn, phản biện, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường…

Thảo luận xoay quanh vấn đề này, lãnh đạo Hội Nông dân một số tỉnh như Hưng Yên, Nam Định, Bắc Ninh và các chuyên gia cho rằng, để nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân các cấp và cán bộ, hội viên trong việc tham gia quản lý, bảo vệ môi trường… thì cần tăng cường sự phối hợp giữa Bộ TN-MT và Hội Nông dân bằng các hành động cụ thể.

Nông dân cần có cuộc cách mạng trong văn hóa để môi trường tốt hơn - 4

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu tại hội thảo (Ảnh: Nguyễn Trường).

Phát biểu bế mạc, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà khẳng định đây là hội nghị đầu tiên mang tính chủ động của Hội Nông dân Việt Nam với Bộ này và ghi nhận sự nỗ lực của Hội Nông dân các cấp đã đạt được trong vấn đề bảo vệ môi trường.

Một trong những nội dung quan trọng của Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã nhấn mạnh vào trò chủ thể của Nhân dân, trong đó hơn 60% là nông dân sinh sống ở nông thôn.

"Nếu nói về chủ thể thì nông dân đóng vai trò lớn nhất, rộng nhất và điều này được thể hiện rất rõ. Con số đó khẳng định vai trò nòng cốt và hơn ai hết, nông dân phải là chủ thể trực tiếp chủ động, chủ trì chứ không thể là ai khác" - ông Hà nhấn mạnh.

Theo ông Hà, vấn đề môi trường là vấn đề rộng lớn; Đảng, Nhà nước, các Bộ ngành, các cấp hội phải bảo vệ Nhân dân; bảo vệ môi trường sống thiết yếu để sinh trưởng, phát triển. Bởi lẽ, nơi có tỉ lệ rừng, nước tốt nhất, cao nhất lại là nơi rất nghèo. Đồng thời, nơi đó đang chịu rất nhiều vấn đề về thiên tai, sạt lở đất… vì vậy nơi đó cần phải được quan tâm.

Ngược lại, nông dân là chủ thể, chịu ảnh hưởng kinh tế- xã hội, hoạt động lao động sản xuất nên cũng phải có trách nhiệm bảo vệ môi trường.

"Tôi muốn từ nông dân cũng thay đổi một số tập tục cổ hủ về ma chay, mai táng. Nông dân cần có cuộc cách mạng trong văn hóa, vấn đề liên quan đến mai táng để sao cho môi trường tốt hơn…" - Bộ trưởng Hà gửi gắm.