Nông dân bỏ ruộng đi làm “quặng tặc”
(Dân trí) - “Cơn bão giá” quặng Crôm tràn qua khiến hàng trăm người nông dân huyện Triệu Sơn, Thanh Hoá sẵn sàng bỏ cả đồng áng, ùn ùn đổ về mỏ quặng Cổ Định. Những nguy hiểm đã được báo trước, nhưng vì miếng cơm manh áo, họ mang sự sống ra “đánh đu” với thần chết.
Nóng bỏng cơn sốt quặng Crôm
Con đường dẫn vào bãi quặng Crôm Cổ Định ẩn mình dưới những hàng cây xà cừ cổ thụ, bình yên và hiền hoà như một vùng quê yên tĩnh; ít ai biết nơi đây đang là điểm đến lý tưởng của những người nông dân.
Đường xá gồ ghề, lởm chởm với những ổ gà, đá răm như một minh chứng cho sự ‘”tàn phá” của những chuyến xe công nông chở quặng hàng ngày nườm nượp vào ra bãi quặng. Không khó để hỏi thăm con đường tiến vào bãi quặng bởi ở đây ai cũng biết mỏ, đơn giản vì người thân, anh em của họ đều đang quần quật khai thác quặng trong mỏ.
Sau 30 phút ì ạch, đánh vật với con đường nham nhở từ trung tâm ngã ba Nưa, xã Tân Ninh, chúng tôi mới vào đến bãi quặng. Cảnh tượng đầu tiên đập vào mắt là những hố quặng sau khi được khai thác triệt để, giống hệt như những hố bom. Hàng trăm người đang hì hục bên những vỉa quặng, chia làm nhiều nhóm, mỗi nhóm chừng 4-7 người.
Một nhóm như thế trung bình một ngày khai thác được 3-4 tạ quặng Crôm. Mỗi tạ được bán với giá 180.000đ. Theo những “phu quặng”, giá này so với hồi trước Tết Nguyên đán là đã tăng, do hiếm hàng.
Lợi nhuận từ việc khai thác quặng trái phép thực sự đã có sức “mê hoặc” đối với những người nông dân vốn chân lấm tay bùn mới kiếm đủ ăn. “Cơn sốt quặng” vì thế ngày càng lan rộng. “Làm nghề này vất vả một chút nhưng có tiền tiêu liền. Cứ sau buổi chiều, nhập hàng cho họ là nhận tiền ngay. Làm ruộng thì phải đợi lâu lắm mới thu hoạch được. Không có tiền, làm sao sống được”, anh L.H.Q, một phu quặng có thâm niên tại bãi quặng cho biết.
Nhà nhà, người người rủ nhau đi khai thác quặng; có sản phẩm là bán ngay tại chỗ, nhận “tiền tươi”. Những ngày cao điểm, vùng quê này giống như một “đại công trình”.
Ái ngại phận “quặng tặc”
Theo những người dân sống phía bìa ngoài mỏ quặng cho biết, dân đầu nậu thường rất “dị” cánh phóng viên. Họ sẵn sàng doạ dẫm với những lời lẽ mang tính côn đồ, thậm chí cho “đệ tử” ra “nói chuyện” bằng tay chân. Chúng tôi phải vào vai sinh viên ngành địa chất đi tham quan thực tế mới tiếp cận được với bãi quặng.
Đứng trên mỗi vỉa quặng bao giờ cũng có những đầu nậu - họ là chủ mỏ tự bỏ tiền túi mua phương tiện máy móc đem về khai thác. 1 giàn máy khai thác có giá từ 15 đến 20 triệu đồng. Có máy, họ thuê những phu quặng lao động, trả lương theo sản phẩm. Tiếng máy nổ ầm ầm, 4 phu quặng lầm lũi, cần mẫn dưới hố quặng sâu dưới lòng đất thấp so với mặt đất chừng 4m.
Đào, súc và tời đất lên. Những mảng đất có dính cả nước được cho có lẫn với quặng được máy hút lên chỗ đãi quặng phía trên cao. Cả hệ thống hoạt động rất trơn tru. 4 người đào phía dưới được trang bị duy nhất đôi ủng nhằm bảo vệ đôi chân, ngoài ra không tồn tại một thiết bị bảo hộ lao động nào khác.
Hố quặng được đào theo kiểu “hầm ếch”, đào hết chỗ này không có quặng, họ lại chuyển sang vỉa kế bên, cứ thế tạo nên những… mê cung ngay dưới lòng đất. Đứng trên hố quặng chúng tôi không khỏi lạnh người bởi đất phía trên có thể sập bất cứ lúc nào.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, mỗi năm ở bãi quặng này ít nhất cũng có vài mạng người vĩnh viễn nằm lại bên vỉa quặng do những hố đào quá sâu bị sập. Mới nhất phải nói đến trường hợp anh N.V. T ở thôn Quần Nham, xã Đồng Lợi đã bị khối đất phía trên cao đổ sập, vùi luôn xác dưới hố quặng. Sau này phải dùng cả máy súc, người nhà mới tìm được xác.
Xa xa, một toán người phụ nữ mặt mũi bịt kín bưng. Đây chính là những “phu quặng” không có vốn để mua máy móc về khai thác, hơn nữa không chấp nhận làm công cho các ông chủ nên họ rủ nhau tự làm riêng. “Làm cho bọn họ bị quản lý thời gian ác lắm, mà công sá cũng có nhiều đầu. Làm riêng, thoải mái muốn nghỉ lúc nào thì nghỉ”, một phụ nữ tiết lộ.
Làm theo kiểu thủ công, 1 nhóm người gồm 6 người, được phân công rõ ràng: 2 người đào đất, 2 người gánh và 2 người đãi. Công việc khá nặng nhọc, vì làm theo kiểu rất thô sơ này nên nhiều khi đào phải những chỗ toàn là đất không có quặng thế là phải đi đào chỗ khác. Tuy nhiên, “rủi ro” lớn nhất mà họ phải đối mặt đó chính là bị các “đầu nậu” ép giá mua. “Làm được bao nhiêu là phải bán cho chúng, chúng nó mà phát hiện mang ra ngoài kiểu gì bọn nó cũng cho côn đồ vào tính sổ. Muốn yên ổn làm thì phải chấp nhận thôi”, cô L.T.T cho biết. Thông thường 1 tạ quặng giá ngoài thị trường được 18.000đ tuy nhiên khi đem bán cho các đầu nậu chỉ được 160.000đ.
Bữa trưa chóng vánh ngay tại bãi quặng để giữ chỗ.
Xế trưa, rửa chiếc cuốc, nhấc đôi quang gánh, trải tấm áo mưa, bữa cơm đạm bạc với mấy quà cà, vài cọng rau, ít muối vừng… Họ ăn cho no bụng để lấy sức chiều còn làm tiếp. “Về nhà làm gì cho xa. Mà có về ăn bữa cơm xong ra đến nơiồin đâu chỗ mà đãi mà đào nữa. Nhiều bọn nó nhanh lắm, cứ thấy chỗ nào mình làm có nhiều là đến tranh ngay”, 1 chị phân trần.
Theo lý giải của ông Lê Đình Tám, trạm trưởng trạm kiểm sát mỏ quặng Cổ Định, sở dĩ người dân ùn ùn đổ về đây khai thác là do người dân đi từ trên con đường mòn từ trên núi xuống khai thác trộm. Hơn nữa lực lượng hiện tại của trạm quá mỏng nên không thể kiểm soát hết.
“Chúng tôi cũng đã đề nghị với cấp trên cho tăng cường thêm lực lượng những vẫn chưa thấy gì cả. Để chấm dứt được tình trạng người dân tự ý vào khai thác trái phép cần phải có chế tài xử phạt mạnh hơn. Chứ bắt được họ chỉ là thu dụng cụ. Họ mất cái này, mai về lại sắm cái khác, rồi lại vào khai thác, nan giải lắm”, ông Tám cho biết.
Mỏ Cổ Định đang bị “chảy máu”. Người nông dân mải mê với giấc mộng quặng Crôm cũng đang phung phí đồng ruộng của mình.
Bài, ảnh: Lê Ngọc Anh