1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

“Nóng bỏng” phiên thảo luận mở rộng Hà Nội

(Dân trí) - Vấn đề mở rộng Hà Nội đã tạo nên sự phân chia ý kiến thực sự rõ nét giữa các đại biểu Quốc hội. Cuộc tranh luận diễn ra rất nóng bỏng, với nhiều phát biểu “vượt giờ” mà vẫn chưa bộc bạch hết ý muốn nói.

Có 31 đại biểu, trong đó có nhiều người là thành viên Chính phủ đã lên tiếng trong buổi thảo luận tại hội trường về việc điều chỉnh địa giới hành chính thủ đô Hà Nội, diễn ra sáng 19/05.

Vụng múa lại chê đất lồi!

Đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) đặt vấn đề, có cần thiết phải xây dựng một thủ đô hoành tráng, có 12 triệu dân, nhiều trường học, bệnh viện lớn? Theo ông, nếu mở rộng Hà Nội như tờ trình, Hà Nội sẽ là thành phố có diện tích lớn thứ 11 trên thế giới và là thủ đô lớn thứ 2 trên thế giới sau Tokyo. Ông dẫn lời nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt nói, đô thị cực lớn, động lực phát triển công nghiệp là một mô hình công nghiệp đã cũ nhiều sai lầm mà phương Tây đang phải từ bỏ.

Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) thẳng thắn bộc lộ sự không đồng tình với tờ trình của Chính phủ. Theo ông, vấn đề này lớn hơn nhiều so với các dự án QH đã từng quyết như thuỷ điện Sơn La, nhà máy lọc dầu Dung Quất… và Quốc hội sẽ phải chịu trách nhiệm với lịch sử.

Ông cho rằng, có thể mở rộng, nhưng cần tính toán kĩ lưỡng mở đến đâu. Ông dẫn ra trường hợp của Singapore, nhỏ hơn thủ đô Hà Nội 1,5 lần, nhưng vẫn trở thành một nước công nghiệp không kém gì các nước công nghiệp châu Âu. Sở dĩ Hà Nội chật chội là do bày biện kém giống như “vụng múa lại chê đất lồi” và vấn đề là cần phải sắp xếp lại.

Ông Thuyết cũng không đồng tình với lĩ lẽ, nếu Quốc hội chưa thông qua thì sẽ ảnh hưởng vì Hà Tây đã dừng hết lại, nhiều việc không giải quyết... Ông đặt ngược lại vấn đề, Quốc hội chưa thông qua tại sao đã có chỉ đạo dừng các việc. “Không phải vì cái sai ấy mà Quốc hội phải lao theo quyết nhập Hà Tây với Hà Nội”, ông Thuyết nhấn mạnh.

Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) phân tích, chúng ta vẽ ra viễn cảnh thủ đô to đẹp hơn, nhưng cách làm chưa đàng hoàng. Theo ông Quốc, việc mở rộng chưa được thực hiện từ một quá trình lâu dài, có cơ sở khoa học và chưa hợp lòng dân.

Chính phủ nói đã làm việc cật lực 6 năm nhưng người dân lại chưa được biết. Thêm nữa, qui hoạch vùng được làm từ 6 năm, nhưng vấn đề mở rộng địa giới hành chính Hà Nội mới được làm và nhiều nhà chuyên môn chưa được hỏi ý kiến.

Nhà sử học này cũng nhắc đến chiếu dời đô của Lý Công Uẩn, một áng văn đầy cơ sở khoa học với câu cuối “vậy các khanh nghĩ thế nào” để lấy ý kiến quần thần. Chiếu dời đô ban hành vào tháng tháng Giêng, nhưng tới mùa Thu mới thực hiện, trong khi 15/3/2008 Chính phủ “ban chiếu” và mùng 1/7/2008 đã thực hiện. Ông Quốc đánh giá, chúng ta làm nhanh hơn, nhưng không dân chủ, không thận trọng bằng các cụ xưa.

“Nên hiểu Hà Nội là thủ đô chứ không phải là một tỉnh”, đại biểu Nguyễn Ngọc Đào (Hà Nội) nối tiếp. Theo ông Đào, nên xây dựng Thủ đô mang tầm của trung tâm chính trị hành chính, nếu có thể kèm nhiệm vụ kinh tế thì cũng là nền kinh tế đặc thù, ở tầm cao hơn.

Ông Đào đề nghị, thành lập UB đặc trách trực thuộc Thủ tướng chuyên bàn về vấn đề mở rộng. Từ đó, có một tờ trình hợp lý, chặt chẽ về cơ sở khoa học trình lên để kì họp thứ 4 của QH quyết định. Phương án 2, Quốc hội chỉ thông qua nghị quyết nhất trí mở rộng Hà Nội và giao Chính phủ thực hiện một tờ trình nghiêm túc để kì họp thứ 4 thông qua. Phương án thứ ba là lãnh đạo các tỉnh sẽ ngồi với Hà Nội có một cuộc họp hay một hội nghị mang tính tầm cỡ để quyết định Hà Nội sẽ rộng bao nhiêu? “Phương án của tôi Hà Nội gấp 1,5 lần như hiện nay”, ông Đào bộc lộ.

Đại biểu Trần Tiến Cảnh (Hà Nam) góp thêm, tờ trình của Chính phủ nêu việc sáp nhập để khắc phục các vấn đề về độ lõm, tranh chấp thì có thể đặt vấn đề sáp nhập nhiều địa nơi khác. Ông Cảnh cũng đề xuất nên có 2 phương án để Quốc hội lựa chọn và theo ông “đi nhanh chưa hẳn đã tốt”.

Cần dựa vào cơ quan chuyên môn để quyết định

Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Trần Văn Tuấn lí giải, do tờ trình đề cập nội dung còn quá ngắn gọn, chưa rõ nên đã tạo ra sự hiểu lầm, ví dụ nêu vùng rau xanh, vùng phân lũ, khắc phục độ lõm v.v... Ông Tuấn nhận khuyết điểm về việc đã không soát xét kỹ để có những sai sót như trên. Tuy nhiên, theo ông những chi tiết thiếu sót trên không làm thay đổi nội dung của Tờ trình, việc mở rộng địa giới là rất cần thiết.

“Nóng bỏng” phiên thảo luận mở rộng Hà Nội - 1
Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội) tán thành việc mở rộng. (Ảnh: TTXVN)
 
Nếu nói Chính phủ chuẩn bị không đàng hoàng, vội vã thì chưa khách quan là ý kiến của đại biểu Vũ Văn Hiến (Hậu Giang). Theo ông, Chính phủ đã có 6 năm với 20 cuộc hội thảo và phương án mở rộng Hà Nội như đã trình là phương án “tối ưu nhất” trong các phương án được nêu ra. Các phương án khác có diện tích nhỏ hơn, nhưng lấy mỗi nơi một ít và đều là những nơi phát triển của các tỉnh sẽ tạo nên sự căng thẳng.

Theo ông Hiến không có vấn đề về lòng dân vì nhiều người dân Hà Tây rất phấn khởi khi sáp nhập về Hà Nội. Ông Hiến cũng cho rằng, nếu để đến 2010 mới quyết, mấy triệu người sẽ rơi vào tình trạng qui hoạch treo.

Đại biểu Bàn Đức Vinh (Hà Giang) nhìn nhận, việc mở rộng đã hội các yếu tố cần và đủ. Các đại biểu Quốc hội đều nói “cần” mở rộng, còn đủ là HĐND các cấp đã có nghị quyết nhất trí và nếu QH không thông qua các nghị quyết đó sẽ phải huỷ!

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cho biết, đề án đã trải qua một quá trình xây dựng với sự tham gia của các cơ quan chuyên môn của Chính phủ, của các hội nghề nghiệp, các nhà khoa học và có tham khảo ý kiến của các chuyên gia quốc tế.

Ông Hùng nhìn nhận, trong toàn bộ quá trình chuẩn bị này cũng còn có những ý kiến khác nhau và ngay thảo luận của đại biểu Quốc hội cũng còn những ý kiến khác nhau. Nhưng theo ông cần phải dựa vào các cơ quan chức năng, cơ quan chuyên môn, coi đó là những cơ sở quan trọng để có thể quyết định.

“Chúng ta chuẩn bị một cách nghiêm túc, có cơ sở khoa học, chúng ta đã tiến hành quá trình dân chủ theo đúng quy định của pháp luật”, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh.

Trao đổi với báo giới trong giờ giải lao, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết ông đang lắng nghe ý kiến của đại biểu. "Có những ý kiến góp ý đúng và chưa đúng, tôi sẽ phát biểu trước khi QH biểu quyết", Thủ tướng nhấn mạnh.

Cấn Cường