1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Đà Nẵng:

Nơm nớp lo nhà thành mộ vì “cát tặc”

(Dân trí) - Không nằm trong khu vực bị sạt lở nhưng nhiều hộ dân của thôn Trung Sơn, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang vẫn phải lo “nơm nớp” vì nhà cửa và tính mạng của mình đang treo lơ lửng bên miệng tử thần vì “cát tặc”.

Sống bên miệng tử thần

Thôn Trung Sơn, xã Hoà Liên, huyện Hoà Vang có khoảng 200 hộ dân sinh sống. Trong đó có đến 34 hộ của xóm Mốc nằm cạnh ngay dưới khu đồi cát trắng (thuộc diện tích dự án của khu công nghiệp mở rộng Hoà Khánh do Công ty CP Gài Sòn làm chủ đầu tư). Vì thế những hộ dân này đều nằm trong diện quy hoạch giai đoạn 2 dự án.

Tuy nhiên, đến nay chủ đầu tư vẫn chưa có “động thái” gì cho việc di dời tái định cư mà nạn “cát tặc” lộng hành khiến cho nhiều hộ dân “tiến thoái lưỡng nan” vì chẳng biết di chuyển về đâu mà ở lại thì nơm nớp lo sợ mỗi khi mưa lũ kéo dài làm đồi cát vỡ.

Đơn cử là trường hợp hộ chị Nguyễn Thị Minh Dung, mưa lớn đã làm lở một phần nhà gây hư hỏng nặng khiến cho gia đình chị phải sơ tán lâu ngày vì không đủ kinh phí để sửa chữa.

Chị Dung cho biết: “Gia đình đành đóng cửa nhà và đi ở nhờ, ở đậu nơi khác thôi”. Không hơn nhà chị Dung, căn nhà thờ hoành tráng tộc Nguyễn cũng do bị nước lũ đổ xuống kéo theo những trảng cát đã xói mòn giờ đành bỏ hoang không ai thăm viếng. 

Ngoài ra, nhiều diện tích ruộng vườn của các hộ dân nơi đây giờ đã trở nên hoang hóa vì bị cát trắng và lũ tấn công. Việc người dân bị mất nhà, đất sản xuất những tưởng sẽ cảnh tỉnh chủ đầu tư tăng cường bảo vệ để chấm dứt nạn khai thác cát trộm nhưng không, đến nay nạn “cát tặc” vẫn tiếp tục và có tổ chức tinh vi hơn. 

Ông Nguyễn Văn Hường (xóm Mốc, thôn Trung Sơn) kinh hoàng kể lại: “Năm ngoái, đồi cát bị lở, thằng nhỏ nhà tôi đang cuốc đất tại mảnh ruộng gần đồi may mắn thoát nạn nhờ ôm cây cột điện gần đó để khỏi bị nước cuốn”. Câu chuyện đó trở thành sự tích cho cả xóm.

Mấy hôm nay, nghe dự báo thời tiết có mưa lũ kéo dài nhiều ngày, cả xóm Mốc đều như đang ngồi trên đống lửa. Bà Tư buồn bã tâm sự: “Thấy mưa lâu ngày, gia đình tôi có ai dám ngủ đâu? Cứ sợ “lũ cát” đổ xuống thì nhà biến thành mộ luôn…”

… Do “cát tặc” lộng hành

Theo nhiều người dân nơi đây phản ánh, sau khi có quy hoạch dự án, đồi cát trắng trở thành “mảnh đất màu mỡ” cho “cát tặc” lộng hành. Ngày cũng như đêm, các xe tải ngang nhiên vào đây lấy cát nhưng đơn vị chủ quản hầu như không thể làm gì bọn chúng: "lực lượng bảo vệ chỉ là “bình phong” cho công việc trộm cát được trót lót hơn mà thôi".

Nơm nớp lo nhà thành mộ vì “cát tặc” - 1
  

Những ngôi nhà có nguy cơ bị lũ cát vùi lấp. cuốn trôi.   

Bà Hà Thị Tư (xóm Mốc, thôn Trung Sơn) cho biết: Có cả 1 đường dây, chúng phân công người canh gác, người xúc và xe chở cát ra ngoài. Nếu có động tĩnh gì là gọi điện thông báo cho nhau nên rất khó bắt giữ.

Theo khảo sát của PV Dân trí, quả đúng như lời của người dân phản ánh. Đồi cát trắng rộng ngút ngàn với vô số hố sâu rộng.

Theo ông Võ Chí Thanh, trưởng thôn Trung Sơn: “Cứ mưa to vài giờ đồng hồ là nước sẽ ngập hố ngay. Cát trắng không thể giữ được nước. Chỉ một lỗ nhỏ, nước sẽ theo đó và tự khơi dòng để thoát ra ngoài. Lúc ấy không còn là dòng nước mà là thác nước và những nhà dân thuộc xóm Mốc ngay dưới chân đồi sẽ là nơi hứng chịu trực tiếp”.

Đem những vấn đề bức xúc của người dân trao đổi với ông Nguyễn Thu, Chủ tịch UBND xã Hòa Liên được biết: Khu đất trên do UBND TP phê duyệt và đã có chủ sử dụng nên UBND xã chỉ quản lý về mặt Nhà nước chứ không thể cử người đứng ra giữ cát cho chủ đất được.

“Sau khi nhận được thư phản ánh của nhân dân, UBND xã đã trực tiếp đến địa điểm để kiểm tra, ghi nhận mối nguy hiểm đang đe doạ đến đời sống của nhiều hộ dân vùng này” - ông Thu khẳng định.

Trong khi chính quyền còn đang lừng khừng giải quyết thì để “tự cứu mình”, người dân nơi đây chỉ biết mỗi cách là khi thấy xe cát chạy lên đồi liền xông ra ngăn chặn không cho vào. Theo bà Tư: “Không thể nói ngon, nói ngọt với bọn chúng”.

Tuy nhiên, mọi cố gắng của người dân cũng chỉ là tạm thời. Còn trước mắt những hố cát vẫn bị đào khoét sâu rộng và luôn là hiểm họa rình rập người dân mỗi khi mùa mưa lũ về.

MSan - PHà