1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Nỗi trăn trở của Thủ tướng

“Sao lại cứ phải đứng sau 6 nước ASEAN? Chúng ta có đuổi kịp được ASEAN-6 không? Không có lý do gì chúng ta không cải thiện được để bằng ASEAN-6”?

Hơn một lần
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đặt ra những câu hỏi này trong các phiên họp của
Chính phủ.

Hơn một lần Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đặt ra những câu hỏi này trong các phiên họp của Chính phủ.

Thủ tướng trăn trở điều này vì ông cảm nhận được rằng: “Trong những năm gần đây, năng lực cạnh tranh của nước ta chậm được cải thiện. Tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế cũng đã chậm lại. Xã hội có không ít vấn đề bức xúc. Một trong những nguyên nhân là động lực mà những cải cách trước đây tạo ra đã không còn đủ mạnh để thúc đẩy phát triển. Đây là lúc chúng ta cần có thêm động lực để lấy lại đà tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững. Nguồn động lực đó phải đến từ Đổi mới thể chế và phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của Nhân dân”.

Thực tế cho thấy, nền hành chính của chúng ta hiện đang còn không ít những rào cản cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, của nhân dân, đòi hỏi phải gỡ bỏ. Tiến độ cải cách dù đã đạt được những bước tiến nhất định, nhưng vẫn chưa được như mong muốn, thậm chí là chậm trễ ở nhiều bộ, ngành, địa phương.

Trong khi đó công cuộc hội nhập với các FTA đã ký với một loạt đối tác đã đến thời điểm thực thi. Cơ hội mở ra rất nhiều và theo đó là thách thức cũng không nhỏ, không thể “đủng đỉnh” được nữa.

Trong phiên họp Chính phủ cuối năm 2014, Thủ tướng thêm một lần nhấn mạnh “tháng nào Chính phủ cũng kiểm điểm xem tăng trưởng thế nào, sản xuất phát triển thế nào. Nếu sản xuất không phát triển, kinh tế không phát triển thì đừng nói đến việc khác nữa. Không có kinh tế phát triển thì lấy đâu giải quyết việc làm, lấy đâu mà thu ngân sách, giải quyết các vấn đề xã hội”.

Nhìn lại năm 2014, với quan điểm Nhà nước không làm thay doanh nghiệp và cũng không thể làm thay doanh nghiệp, mà vai trò của Nhà nước là kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi nhất để doanh nghiệp phát triển, ngày 18/3/2014, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 19/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Chỉ sau 9 tháng thực hiện, Nghị quyết đã đem lại những kết quả ban đầu như Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh báo cáo với Chính phủ: Chỉ số “Bảo vệ nhà đầu tư” dự kiến tăng từ vị trí 157 lên vị trí 52; “Khởi sự kinh doanh” từ vị trí 109 lên khoảng vị trí 60; “Nộp thuế” từ vị trí 149 lên khoảng vị trí 134; “Tiếp cận điện” từ vị trí 115 lên khoảng vị trí 111. Với những kết quả ấy, Bộ trưởng Vinh dự kiến xếp hạng tổng thể về môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng lên thứ hạng 56.

Tuy nhiên nếu so sánh với 6 nước dẫn đầu khu vực về môi trường kinh doanh (nhóm ASEAN-6 gồm các nước Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Philippines, Brunei), chúng ta vẫn còn phải nỗ lực hơn nữa.

Thủ tướng không hài lòng: “Các đồng chí xem, để (đất nước) thấp kém hơn Philippinnes, Thái Lan, Malaysia… 6 nước ASEAN, cứ lúc nào mình cũng thấp kém hơn sao được. Chúng ta hoàn toàn có thể theo kịp họ”.

Trong cuộc họp Chính phủ thường kỳ cuối năm 2014, yêu cầu rà soát thủ tục liên quan đến các bộ, ngành, Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ rà soát lại, làm rõ, bộ, ngành nào phải giảm nội dung gì, bỏ thủ tục nào. Nếu chúng ta chưa có thực tiễn thì học kinh nghiệm của các nước gần mình. Các nước ASEAN đã tiến bộ đi trước, xem nước nào được đánh giá cao nhất, họ cũng phải bảo vệ sản xuất trong nước, cũng phải bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường… tham khảo họ quy định thủ tục như thế nào để vận dụng rút ngắn thời gian lại.

Thủ tướng nói: “Không có lý do gì chúng ta không bằng được các nước ASEAN 6. Không có lý do gì chúng ta không cải thiện được để bằng họ”.

Thực tiễn 9 tháng thực hiện Nghị quyết 19 cho thấy mục tiêu này hoàn toàn có thể thực hiện được nếu tất cả các bộ, ngành, địa phương cùng “xông vào” cải cách “phục vụ nhân dân, phục vụ doanh nghiệp bằng hành động cụ thể, bằng việc làm cụ thể”.

Đương nhiên, nếu trên dưới cùng chung sức, chung lòng thì việc khó mấy cũng có thể làm được. Ở đây là vấn đề trách nhiệm của bộ phận thực thi, mà trực tiếp là trách nhiệm và sự quyết tâm của những người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương.

Không chỉ có lãnh đạo Chính phủ nêu lên vấn đề trách nhiệm mà trong nhiều diễn đàn khác nhau, các chuyên gia cũng vậy bởi dường như “quyết tâm cải cách ở trên thì rất cao, nhưng càng xuống dưới nhiệt huyết càng giảm”. Ngay tại phiên họp Chính phủ cuối năm, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh cũng nói thẳng ra rằng “nhiều bộ chưa quan tâm lắm, thậm chí có đồng chí còn chưa biết Nghị quyết này nó hình thù thế nào”. Vị Bộ trưởng không sợ “lấy đá ghè chân” báo cáo với Chính phủ có tới 5 Bộ hầu như chưa thực hiện giải pháp nào trong các giải pháp được giao theo Nghị quyết 19.

Thủ tướng biểu dương những bộ, ngành đã vào cuộc quyết liệt cũng chính là nhắc nhở những bộ, ngành còn chậm trễ: "Tôi biểu dương và tôi nhắc hoài cách làm của Bộ trưởng Tài chính và 2 Tổng cục trưởng Thuế, Hải quan. Các đồng chí đã nghiêm túc chấp hành chỉ đạo của Chính phủ, đề cao trách nhiệm, đã thực hiện đạt hiệu quả cao, dư luận đồng tình hoan nghênh. Vấn đề này không mất thêm tiền bạc mà là vấn đề trách nhiệm, tôi đề nghị lãnh đạo các bộ, ngành cũng phải làm như thế và lãnh đạo các địa phương cũng phải hết sức tập trung chỉ đạo cái này”. “Tôi hết sức nhấn mạnh, muốn các đồng chí lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, năm 2015 phải đặc biệt quan tâm cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh”…

“Nếu người đứng đầu cơ quan nào không làm được thì mời làm việc khác”, Thủ tướng cương quyết.

Theo Bình Minh

Chinhphu.vn