1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Nơi “trả nợ đời” của những người một thời lầm lỗi

(Dân trí) - Họ quê nơi khác, đến Nghĩa Dũng để trả nợ đời. Món nợ pháp luật trả hết, họ chọn nơi đây để lập nghiệp, làm lại cuộc đời dẫu rằng cuộc “tái sinh” không dễ dàng. Vượt qua lầm lỗi, họ vươn lên như cây rừng bám rễ xanh tươi ngay trên mảnh đất cằn cỗi này.

Con đường thẳng vào Trại giam số 3 – Bộ Công an (đóng tại xã Nghĩa Dũng, Tân Kỳ, Nghệ An) xanh um bóng cây. Dưới cánh đồng, những phạm nhân vẫn lầm lũi lao động, cải tạo. Họ ở đây để trả giá cho những lỗi lầm trong quá khứ. Thế nhưng, cũng có những người trả xong món nợ pháp luật lại chọn luôn mảnh đất này để lập nghiệp, "tái sinh" chính mình.

Ông Hoàng Phúc Đạt tâm sự: Giờ nhìn lại, tôi không dám nghĩ mình có được như ngày hôm nay, có một gia đình yên ấm, con cái phương trưởng ngay trên mảnh đất đã ghi dấu ấn những ngày tháng cùng cực tủi hổ”.
Ông Hoàng Phúc Đạt tâm sự: "Giờ nhìn lại, tôi không dám nghĩ mình có được như ngày hôm nay, có một gia đình yên ấm, con cái phương trưởng ngay trên mảnh đất đã ghi dấu ấn những ngày tháng cùng cực tủi hổ”.

“Có 6 người quê nơi khác, sau khi mãn hạn tù quyết định ở lại Nghĩa Dũng lập nghiệp. Người đầu tiên là ông Phan Thế Cát, mãn hạn tù năm 1974, 1975 gì đó, tính ra ở đây cũng hơn 40 năm rồi, rồi đến ông Bàn Tuấn Thái (người Cao Bằng), ông Phạm Văn Trắng (quê Hải Phòng), ông Hoàng Phúc Đạt (quê Thanh Hóa), ông Hồ Văn Thuyết (quê Quỳnh Lưu, Nghệ An)...

Hiện cả 6 người này đều đã lập gia đình, sinh con đẻ cái ở đây. Tất cả họ đều hòa nhập tốt, chấp hành tốt quy định pháp luật, có nhiều đóng góp cho công tác tố giác tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương”, ông Hoàng Đình Tâm – Trưởng Công an xã Nghĩa Dũng cho biết.

Theo chân ông Trưởng Công an xã, chúng tôi đến thăm nhà ông Hoàng Phúc Đạt (SN 1950, xóm Đình, Nghĩa Dũng). Có tuổi rồi, việc đồng áng không kham được nhiều như trước, ông Đạt học thêm nghề thợ rèn, cũng có đồng ra đồng vào phụ vợ hay thêm đồng quà tấm bánh cho các cháu.

Ông Hoàng Phúc Đạt với công việc hàng ngày của mình.
Ông Hoàng Phúc Đạt với công việc hàng ngày của mình.

Bên lò rèn rực đỏ, ông Đạt đang rèn liềm, dao… phục vụ người dân trong vùng. Người đàn ông tóc hoa râm ngại ngùng nhắc đến quá khứ, nguồn cơn đưa ông đến mảnh đất này.

Ông Đạt quê Thanh Hóa, đã từng có thời gian tham gia chiến trường B, năm 1971 phục viên về quê. Con đường vướng vòng lao lý của Hoàng Phúc Đạt đơn giản đến xót xa. Ngày đó, một người bạn hỏi ông có mua lưới đánh cá không, ông gật đầu mà không biết mảnh lưới đó là đồ ăn cắp từ kho HTX, thế là bị kết án 3 năm về tội tiêu thụ tài sản người khác phạm tội mà có.

Cái thời ấy, tội tiêu thụ tài sản phạm tội, lại là tài sản xã hội chủ nghĩa thì nặng lắm, về làng không dám ngẩng mặt nhìn ai. Bởi vậy ra tù, ông Đạt không trở về quê nữa mà quyết định ở đây sinh sống. Hơn nữa, không chỉ mảnh đất này giữ ông lại mà còn có cô thôn nữ Nguyễn Thị Vinh (SN 1956) “neo” trái tim ông.

“Tôi quen bà ấy trong thời gian thụ án nhưng mãi mấy năm sau gia đình mới chấp nhận gả con gái cho tôi. Hai bàn tay trắng, hai vợ chồng bới đất lặt cỏ, làm việc quần quật để nuôi 4 đứa con ăn học. Giờ nhìn lại, tôi không dám nghĩ mình có được như ngày hôm nay, có một gia đình yên ấm, con cái phương trưởng ngay trên mảnh đất đã ghi dấu ấn những ngày tháng cùng cực tủi hổ”, ông Đạt tâm sự.

Ông Bàn Tuấn Thái: Cuộc đời tôi vẫn còn nhiều may mắn khi được mọi người tin yêu.
Ông Bàn Tuấn Thái: "Cuộc đời tôi vẫn còn nhiều may mắn khi được mọi người tin yêu".

Cách nhà ông Đạt không xa là nhà ông Bàn Tuấn Thái (SN 1952). Ông Thái quê ở Cao Bằng, đã từng có thời gian công tác trong quân đội. Năm 1982, ông Tuấn bị Tòa án Quân sự Quân khu 1 kết án 20 năm tù vì vi phạm kỉ luật quân đội, hủy hoại tài sản.

“Khi tôi vào đây thụ án, vợ (người vợ đầu của ông Thái – PV) bỏ đi lấy chồng khác, đứa con trai thất lạc mãi trong Tây Nguyên. Mãn hạn tù trước thời hạn 5 năm, tôi về Cao Bằng thì nhận ra mình không còn gì nữa, không gia đình, không sự nghiệp, không mảnh đất cắm dùi nên quyết định vào đây. Tôi không oán trách quá khứ, mình làm mình phải chịu thôi.

May bà nhà tôi thương, rồi các cậu (anh trai bà Hoa, vợ ông Thái bây giờ - PV), dân làng, cán bộ quản giáo, cán bộ xã… thương yêu, đùm bọc nên mới gượng dậy nổi sau bao nhiêu biến cố của cuộc đời”, ông Thái trầm ngâm.


Ông Bàn Tuấn Thái đã tạo lập được cuộc sống mới trên quê hương thứ 2 của mình.

Ông Bàn Tuấn Thái đã tạo lập được cuộc sống mới trên quê hương thứ 2 của mình.

Ra tù, ông quyết định ở lại Nghĩa Dũng lập nghiệp chỉ với tờ giấy tạm vắng lấy từ quê nhà vào. Ngày nên nghĩa với bà Trần Thị Hoa, hai người chỉ có một túp lều tranh đúng nghĩa, chơ vơ bên hông Trại giam số 3. “Tôi không nghề nghiệp chi cả, chỉ biết bán sức lao động để nuôi vợ con. Việc chi tôi cũng làm, từ cày bừa đổi công lấy trâu cày ruộng nhà mình, đóng gạch thuê, chở sỏi…

Có những lần con bé bị ốm, sáng tôi bơi sông sang bên kia đi chở sỏi thuê, tối lại bơi về. Vất vả thì không kể hết nhưng thấy cuộc đời mình vẫn còn may mắn khi có một mái ấm đi về, có làng xóm, anh em đùm bọc, có hai đứa con để chăm bẵm. Năm ngoái tôi cũng tìm được đứa con trai thất lạc mãi trong Tây Nguyên, hè này sẽ đón các cháu ra đây chơi”, ông Thái vui vẻ khoe.

Hơn 60 tuổi ông vẫn vác cày, dắt trâu ra đồng, trưa về nhâm nhi chén chè xanh đặc sánh vợ đã om từ sáng. Một hạnh phúc bình dị mà ngày đầu vào đây ông chẳng dám mơ.

Năm 1973, ông Hồ Văn Thuyết (SN 1947, quê xã Quỳnh Thọ, Quỳnh Lưu, hiện trú xóm Dương Lễ, xã Nghĩa Dũng) bị kết án chung thân về tội giết người, nạn nhân là vợ ông. Sau phiên phúc thẩm, ông được giảm án xuống 20 năm tù và được chuyển đến thi hành án tại Trại giam số 6 – Bộ Công an (đóng tại huyện Thanh Chương) sau chuyển về trại giam số 3. Trong thời gian thụ án, ông bị tai nạn, cánh tay phải cụt đến gần bả vai.

Ông Hồ Văn Thuyết: Đã có những lúc tôi nghĩ cuộc đời mình thế là chấm hết...
Ông Hồ Văn Thuyết: "Đã có những lúc tôi nghĩ cuộc đời mình thế là chấm hết..."

“Đã có những khi tôi nghĩ cuộc đời mình như thế là chấm hết. Một cái án giết người, một cánh tay bị cụt... tôi không dám nghĩ đến tương lai của mình nhưng cán bộ quản giáo động viên, tôi còn con trai nữa nên phải gắng sống, gắng cải tạo tốt để sớm trở về”, ông Thuyết chia sẻ.

Sau 3 lần giảm án, năm 1986 ông Thuyết được ra tù trước thời hạn. Về quê sống thế nào với miệng lưỡi thế gian? Sau nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ, ông quyết định đưa con trai và người em út lên Nghĩa Dũng lập nghiệp. “Trên này đất rộng, màu mỡ, mình chăm chỉ thì đất không phụ công người, với lại, ở đây, người ta nhìn mình bằng con mắt cảm thông nhiều hơn là soi mói quá khứ đã ngủ yên”, ông nói với con trai mà như động viên chính mình.

Mang cái án giết vợ nhưng ông đào hoa lắm. Hai người đàn bà nữa đã đến trong cuộc đời ông nhưng vì không sinh được con nên hai người quyết định dứt áo ra đi. Người phụ nữ hiện tại là người vợ thứ 4, có 2 người con riêng. “Tôi có 1 thằng con riêng, bà ấy có 2 đứa, vợ chồng tôi sinh được 1 đứa nữa là 4. Tôi chẳng giấu diếm các con chuyện cũ, tôi kể hết, dốc lòng hết với các con, thà để chúng biết trước còn hơn là giấu diếm rồi sau này khi biết chuyện lại sốc. 4 đứa con cả chung lẫn riêng nhưng tôi xem đứa nào cũng là con nên chúng cũng yêu thương, đùm bọc nhau”, ông Thuyết tâm sự.

Ra tù, với 1 cánh tay, ông Thuyết cần mẫn lao động làm lại cuộc đời.
Ra tù, với 1 cánh tay, ông Thuyết cần mẫn lao động làm lại cuộc đời.

Mất cánh tay phải, ông học cách cầm cuốc, cầm liềm với bàn tay trái. Nhát cuốc ông đưa lên, bổ xuống đất rắn bật lóe lửa nhưng ông Thuyết vẫn cần mẫn cuốc xới. Chỉ với một tay nên cứ làm túc tắc, mệt thì nghỉ, nghỉ rồi làm tiếp. Vợ đi chăm cháu ngoài Hà Nội, ông ở nhà một tay quán xuyến nhà cửa, chăm 2 con bò cái – được mua bằng vốn vay ngân hàng chính sách. Hai con bò sắp sinh, ông tính đến chuyện bán bê con trả nợ rồi lo cho thằng út học cấp 3.

“Tôi trả án ở đây, rồi lập nghiệp cũng ở đây, sau này chết đi cũng ở đây. Đất này không sinh ra tôi nhưng cho tôi “tái sinh” lần nữa. Quá khứ đã ngủ yên nhưng tôi không bao giờ quên nó bởi những ngày tháng thụ án luôn nhắc nhở tôi sống tốt hơn”, ông Thuyết trầm ngâm bên mảnh vườn xanh um của mình.

Hoàng Lam