1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Thứ trưởng Nội vụ:

“Nói thẳng thiếu sót, tôi cảm ơn chứ khen nhau mãi nghe cũng chán!”

(Dân trí) - “Các đại biểu cứ nói thẳng, nói thật, chỉ ra những hạn chế, thiếu sót để đề án ngày càng hoàn thiện thì chúng tôi cảm ơn. Chứ cứ khen ngợi nhau mãi, tôi nghe cũng chán”, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn nói.

Ngày 9/7, Bộ Nội vụ tổ chức hội thảo góp ý Đề án Đổi mới hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến 2030. Mục tiêu của đề án sẽ góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp có đủ phẩm chất, trình độ và năng lực, đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân, phát triển của đất nước.

Mở đầu buổi hội thảo, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn đề nghị các đại biểu nói thẳng, nói thật để chỉ ra những hạn chế, thiếu sót để đề án ngày càng hoàn thiện góp phần đổi mới hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức. “Các đại biểu cứ nói thẳng, nói thật chúng tôi mới cảm ơn. Chứ khen ngợi nhau mãi, tôi nghe cũng chán!”, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn nói rõ quan điểm.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ đề nghị đại biểu nói thật, nói thẳng

Thứ trưởng Bộ Nội vụ đề nghị đại biểu nói thật, nói thẳng

Cho ý kiến góp ý xây dựng đề án, ông Ngô Văn Giang - Phó Giám đốc Trung tâm đào tạo cán bộ (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, nhiều năm nay công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức được đổi mới liên tục. Thế nhưng nhiều nội dung trong đó chưa được thực hiện. Điều đó dẫn đến hiệu quả, chất lượng đào tạo cán bộ, công chức chưa cao.

Theo ông Giang phải gắn công tác đào tạo với quy hoạch, sử dụng cán bộ để phù hợp với vị trí việc làm. Ngoài ra, cũng không nhất thiết Bộ nào cũng có trường, học viện đào tạo vì như vậy không hiệu quả. Giảng viên đào tạo cho lực lượng này phải là những chuyên gia đầu ngành.

Sau khi xem xét đề án, ông Hoàng Ngọc Thịnh - Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Tư pháp) đưa ra đánh giá đổi mới phải bắt đầu từ người thầy chứ không phải là học viên. “Phải có ông thầy tốt, chơi với bạn lớn thì cán bộ, công chức mới học hỏi được nhiều, gặt hái được thành công”, ông Thịnh nêu.

Để học viên đỡ chán trường, chán lớp, theo ông Thịnh, giảng viên, chương trình đào tạo phải luôn đổi mới, không lặp lại. Mục đích đào tạo không phải theo thị trường lao động mà phải dựa theo yêu cầu của nhà nước.

Ngoài ra, ông Thịnh cũng đề nghị xóa các trung tâm bồi dưỡng chính trị ở cấp huyện, tập trung toàn bộ nguồn lực cho cấp tỉnh. Vì theo ông Thịnh cán bộ giảng dạy những trung tâm cấp huyện thường kiêm nhiệm nhiều việc khác, làm việc không chuyên nghiệp.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Điều đánh giá thẳng thắn những tồn tại của ngành nội vụ

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Điều đánh giá thẳng thắn những tồn tại của ngành nội vụ

Hưởng ứng lời đề nghị “nói thẳng, nói thật” của Thứ trưởng Trần Anh Tuấn, ông Nguyễn Trọng Điều - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ nói ra “sự khác biệt” đối với lực lượng cán bộ, công chức, viên chức hiện nay. “Chúng ta phải thừa nhận một nền công vụ rất lạc hậu. Luật cán bộ, công chức của chúng ta cũng rất khác biệt, lạc lõng so với thế giới. Đội ngũ cán bộ, công chức làm việc hiệu quả thấp, không đáp ứng được yêu cầu”, ông Điều đánh giá.

Theo ông Điều, từ hậu quả trên dẫn đến kết quả hoạt động của nền hành chính không đáp ứng với sự phát triển kinh tế - xã hội. Từ phân tích đó, ông Điều đề nghị Bộ Nội vụ phải làm rõ được những “khát khao” trong đề án.

Kết lại buổi làm việc, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn cho rằng, đánh giá của nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ là hơi cực đoan. “Luật cán bộ, công chức, viên chức của chúng ta đang tiếp cận đúng xu hướng cải cách công vụ trên thế giới. Đó là xác định vị trí việc làm, kết hợp hệ thống chuyên nghiệp để phát huy hết ưu điểm, hạn chế nhược điểm”, ông Tuấn giải thích.

Ông Tuấn cũng đánh giá dự thảo Đề án Đổi mới hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến 2030 chưa đạt yêu cầu, cần phải viết lại. Để đề án sát với thực tế, ông Tuấn đề nghị đơn vị xây dựng đề án phải đánh giá lại công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ từ năm 2010 đến nay.

Quang Phong