1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Cà Mau:

Nỗi niềm mẹ con cháu bé bị hành hạ như thời trung cổ

(Dân trí) - Tại Bệnh viện đa khoa Đầm Dơi, Hào Anh bảo đây là thời gian sung sướng nhất trong suốt quãng đời tuổi thơ cơ cực của em. Tại đây PV Dân trí cũng thấu hiểu nỗi niềm riêng của người phụ nữ lỡ làng mà vô tình đẩy con vào địa ngục...

Nằm trên giường bệnh là... sướng nhất
 
Nguyễn Hào Anh điều trị thương tích tại Khoa ngoại Bệnh viện đa khoa Đầm Dơi từ ngày 29/4. Nằm trên giường bệnh nhưng Hào Anh cho đây là khoảng thời gian sung sướng nhất cuộc đời mình vì có bà ngoại, mẹ, em sinh đôi chăm sóc và được nhiều người đến thăm, cho quà.
 
Nỗi niềm mẹ con cháu bé bị hành hạ như thời trung cổ - 1
Mặt Hào Anh bầm đen vì thương tích
 
Trên khắp người Hào Anh có vô số vết thương, cũ mới chồng lắp lên nhau. Với giọng thều thào, Hào Anh kể lại: “Lần đầu tiên cậu Giang đánh con gãy cả cây dầm bơi xuồng. Trên trán con, cậu Giang đánh bằng cây tre. Sau lưng trầy trụa là do bàn ủi nóng. Cậu mợ Giang dùng dây tròng vào cổ, siết đến nín thở, dùng kìm bẻ gãy 5 cây răng…”.
 
Bà Trương Linh Phượng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đầm Dơi cho biết: Khi cháu Nguyễn Hoàng Anh (Hào Anh là tên gọi ở nhà) xuất viện, UBND huyện sẽ trao đổi với gia đình: Nếu gia đình không thể nuôi cháu được, huyện sẽ liên hệ gửi cháu vào trung tâm bảo trợ xã hội.
 
Còn bà Đặng Thị Đẹp, bà ngoại Hoàng Anh nói: khi xuất viện bà sẽ mang cháu về nuôi (nguồn: Thanh niên).
“Không biết giận ai, cậu mợ Giang nướng sắt đỏ, rồi kêu con ngó lên, cháy da cái xèo, đau điếng. Nhiều đêm, con bị cột tay treo lên, còng chân để muỗi cắn…” - bà ngoại của Hào Anh lau nước mắt, nấc nghẹn khi nghe cháu kể.
 
Vì sao em không trốn ra ngoài? Hào Anh lắc đầu nói: Con không dám vì cậu mợ sẽ bắt lại ngay. Cậu mợ Giang nói mẹ con thiếu tiền, con ở để trả nợ. Cậu Giang dọa bỏ trốn sẽ cho xã hội đen “xử”.
 
Bác sĩ Ninh Văn Hoa, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Đầm Dơi cho biết: “Chúng tôi đang điều trị đa chấn thương cho Hào Anh vì thương tích cũ mới chi chít. Bệnh nhân đang được điều trị chống nhiễm trùng và tiếp tục xét nghiệm, chụp hình để xác định thêm thương tật. Chưa thể kết luận chính xác chữa lành vết thương bao lâu?”
 
Ông Võ Văn Chác, Đội trưởng Đội CSĐT TP về TTXH Công an huyện Đầm Dơi cho biết: “Qua điều tra ban đầu cháu Hào Anh ở cho vợ chồng Giang - Thơm khoảng 20 tháng, bị hành hạ khoảng đầu năm 2009, thời gian gần đây mới trở nên nghiêm trọng như: bắt cháu căng tay vào trần nhà, buộc chân vào sàn nhà, dùng nước sôi, hóa chất xử lý trại tôm tạt vào người, dùng kìm bẻ răng, dùng bàn ủi nóng in vào người…”
 
Mẹ dang dở, con phải vào đời sớm
 
Hay tin con bị hành hạ dã man, chị Phạm Thị Thoa (mẹ của Hào Anh) tức tốc đến chăm sóc con. Gần một năm trời, mẹ con mới gặp mặt nhau đầy nước mắt. Con bị thương tật không biết bao giờ lành còn mẹ bị lời ra tiếng vào là “vô tâm” với con thơ.
 
Nỗi niềm mẹ con cháu bé bị hành hạ như thời trung cổ - 2
Chị Phạm Thị Thoa bóp chân, tay cho con đỡ đau, mỏi
 
Vừa chăm sóc con, chị Thoa vừa hổ thẹn với mọi người và ngậm ngùi với thân phận mình. Mới 17 tuổi, chị vâng lời cha mẹ, rời quê nhà ở ấp Ngọc Tuấn, thị trấn Cái Nước (huyện Cái Nước) sang lấy chồng vùng Giáp Nước, xã Phú Mỹ (huyện Phú Tân).
 
Hạnh phúc lứa đôi chưa bao lâu thì người chồng sinh tật “mèo mỡ”, ruồng bỏ vợ đang mang thai. “Bị chồng bỏ rơi, tôi quay về với cha mẹ ruột, nhà có đến 8 anh chị em mà chỉ có 4 công vườn tạp. Tôi sinh đôi nên đặt tên 2 con trai là Nguyễn Hào Anh, Nguyễn Hào Em” - chị Thoa kể.
 
Con được 3 tuổi, chị Thoa gửi con cho bà ngoại rồi ra TP Cà Mau làm mướn, ai mướn gì làm nấy, kiếm tiền gửi về nuôi con. Hào Anh học hết lớp 4 thì nghỉ theo mẹ làm mướn kiếm sống. Những ngày mưu sinh ở Cà Mau, chị Thoa quen biết Huỳnh Thanh Giang nên đã gửi Hào Anh vào đó làm từ lúc 12 tuổi với tiền công vài trăm nghìn đồng/tháng.
 
Chị Phạm Thị Thoa nói trong nước mắt: “Ở TP Cà Mau làm thuê kiếm sống, tôi đi bước nữa với người thợ hồ quê Nha Trang, có thêm bé gái vừa lên 6. Cha kế cũng biết lo cho con nhưng cuộc sống còn quá khó khăn. Tôi đành cho Hào Anh đi làm công, đỡ gánh nặng, học thêm nghề”.
 
“Bây giờ tương lai Hào Anh chẳng biết đi về đâu? Mấy ngày rồi, gia đình cậu Giang - Thơm có nói tôi làm giấy bãi nại rồi cho vài chục triệu để làm vốn. Họ còn nói thêm, nếu không thì sau này không được vui đâu!” - chị Thoa nức nở.
 
Thân phận người đàn bà nghèo không nói được nhiều về tương lai của mình, của đàn con thơ thất học, không nghề, không nhà cửa. Chị Phạm Thị Thoa lên giường bệnh bóp chân cho con đỡ mỏi, đỡ đau. Tay bóp chân con, nước mắt cứ rơi rơi, không dám nhìn lên.
 
Huyền Trang

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm