1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Nga Putin thăm Việt Nam
  3. Metro số 1 TPHCM

Nỗi lòng người cha có con bị ném khỏi xe buýt

“Tôi không trách cô ấy. Tôi biết vợ mình không cố ý ném con như thế. Điều tôi lo bây giờ là nhà vốn đã nghèo, hai mẹ con lại như thế, tôi không biết lo cho ai trước bây giờ…”, anh Lục Văn Thức rối bời chia sẻ.

Nhớ lại lúc nghe tin dữ: Con bị ném khỏi xe buýt, vợ bị đưa vào nhà thương Biên Hòa, anh Thức rụng rời chân tay, luống cuống không biết nên vào thăm ai trước. Lúc đó anh vẫn không tin người ném con anh chính là vợ anh, chị Đào Thị Mỹ Hương. Anh cho rằng chị Hương vì chứng kiến cảnh con bị ném khỏi xe nên mới hóa điên.

 

Vừa vào viện thăm con, thắt ruột thấy con nằm thoi thóp trên giường bệnh, anh lại nhận được tin dữ từ bố vợ: “Thằng Trí là do con Hương ném đấy. Bệnh nó bộc phát trở lại rồi con ơi”. Lòng anh một lần nữa lại bị xé toạc.

 

“Gia đình không oán hận cô ấy”

 

Gặp chúng tôi tại khoa Ngoại - Thần kinh, Bệnh viện Chợ Rẫy, anh Thức nói trong nghẹn ngào: “Cho đến giờ tôi vẫn không tin chuyện đó là sự thật. Tôi ngồi ở đây lo cho con mà không biết làm cách nào có thể lo lắng cho vợ. Không biết bệnh tình cô ấy thế nào…”.

 

Cách đây 3 năm, khi đến với chị Hương, anh Thức biết rõ căn bệnh tâm thần nhẹ của vợ nhưng anh vẫn quyết yêu thương. Sau khi kết hôn, cuộc sống gia đình rất êm ấm, họ càng hạnh phúc hơn khi bé Trí ra đời.

 

Chị Hương rất thương con, yêu chồng, đảm đang chịu khó. Mấy tuần gần đây, do chứng viêm xoang hành hạ, chị ở nhà giữ con và dưỡng bệnh. “Chỉ mới tuần trước thôi, thấy sức khỏe cô ấy khá hơn nhiều, tôi mới yên tâm để vợ ở nhà chăm con để đi chạy ghe chở lúa. Phải chi hôm đó tôi đừng đi…”, anh Thức nghẹn ngào.

 

Ông Đào Văn Huấn, 64 tuổi, bố chị Hương, cho biết chị bắt đầu bị bệnh từ năm 15 tuổi. Cứ 2, 3 năm bệnh lại tái phát một lần và bị vài tháng lại khỏi. Đến năm 2005, thấy con đã qua 7 năm không phát bệnh, ông mới ưng gả chị cho anh Thức.

 

Ông Huấn than thở: “Một bên là con, một bên là cháu, tôi rất đau lòng. Nếu con tôi tỉnh táo, chắc chắn không bao giờ hành động như thế. Bây giờ tôi chỉ trông chờ vào sự khoan hồng của pháp luật”.

 

Đắp lại tấm chăn cho con, anh Thức khẳng định: “Không ai muốn xảy ra chuyện này. Tôi tin ngay cả vợ tôi cũng thế. Đó chỉ là phút quẫn trí vì bệnh. Tôi chỉ mong con chóng khỏe để tôi có thể chạy đến với vợ. Cô ấy đang rất cần tôi…”.

 

Khi người mẹ không còn nhận ra con mình

 

Mọi chuyện bắt đầu từ tuyến xe buýt Biên Hòa - Vũng Tàu sáng ngày 7/4. Theo lời kể của một hành khách trên chuyến xe, người phụ nữ khoảng 30 tuổi bế một đứa trẻ lên xe. Chị này đưa tờ 500.000đ để trả tiền vé xe buýt. Khi nhận tiền trả lại, chị thả tiền xuống mặt đường.

 

Thượng tá Bùi Trung Bình, Phó trưởng công an thị xã Bà Rịa, cho biết: Theo biên bản lời khai ban đầu, gia đình của đối tượng đã đến làm việc, chứng minh thân nhân của đối tượng. Theo bố của chị Hương, chị bị tâm thần từ năm 15 tuổi nhưng bệnh án không còn để chứng minh.

 

Nếu đối tượng mắc bệnh tâm thần, không thể truy cứu trách nhiệm hình sự. Ngược lại, sẽ khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối tượng. Khi có kết quả giám định, cơ quan điều tra sẽ tiếp tục xử lý vụ việc.

Sau đó, chị này liên tục nhéo vào tay chân đứa bé khiến nó khóc thét. Rồi chị mở cửa kính xe, vứt trang sức của đứa trẻ xuống đường. Cuối cùng, chị này bất ngờ nhổm người dậy, đưa đứa trẻ lọt hẳn ra ngoài cửa sổ và ném xuống đường.

 

Đứa bé thét lên rồi lăn tròn trên đường. Hành khách trên xe nháo nhào chạy xuống, riêng người phụ nữ vẫn tỉnh bơ ngồi trên xe. Tại công an phường Phước Trung, người phụ nữ khai tên Đào Thị Cẩm Hồng, 37 tuổi, quê An Giang. Hỏi về đứa trẻ, chị lơ ngơ nói mình mượn của người thân.

 

Thấy biểu hiện bất thường, cơ quan điều tra đưa chị đi giám định pháp y tâm thần. Xác minh lại, tên thật của chị là Đào Thị Mỹ Hương, 28 tuổi, quê An Giang. Đến ngày 8/4, một người đàn ông đến nhận chị là con gái, đến lúc này mọi người mới biết đứa trẻ là con ruột của chị Hương.

 

Tìm đến Viện Giám định pháp y tâm thần phía Nam, BV Tâm thần trung ương 2, TP Biên Hòa, Đồng Nai, chúng tôi chứng kiến cảnh chị Hương đang nằm sõng soài giữa sân nắng. Khi có người đến vực dậy, chị chống cự rất quyết liệt, ba người đàn ông vừa dỗ dành, vừa nắm giữ mới đưa được chị vào phòng.

 

Bác sĩ Nguyễn Thành Quang, Viện Giám định pháp y tâm thần phía Nam, cho biết: “Chúng tôi đang theo dõi và điều trị. Sau đó Hội đồng giám định pháp y sẽ đưa ra kết luận và chuyển cho cơ quan điều tra”. Lúc này, chị Hương vẫn không biết con mình đang nguy kịch trong bệnh viện.

 

Anh Thức cho biết: “Hiện tại, nghe tiếng xi, bé có thể đi tiểu. Thỉnh thoảng, bé trở người. Những lần như thế đều la khóc với vẻ đau đớn. Nhìn con đau, người làm cha như tôi thấy mình vô dụng quá. Phải chi tôi có thể chịu đựng thay con và vợ mình”.

 

Theo Nhóm PV

Tiếp thị & Gia đình