1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Nỗi lo mùa bánh trung thu

Gói hút ẩm được mua từ Lạng Sơn với giá 200 đồng/gói, chất chống mốc được cho “quá tay” để giữ bánh được lâu, nhân bánh không đảm bảo vệ sinh,... Mùa bánh trung thu đang ngày một “nóng”, mà nỗi lo về chất lượng bánh cũng ngày một tăng.

Gói hút ẩm Trung Quốc, chất chống mốc quá liều

 

Ông Dương Ngọc Thanh, Phó chủ tịch UBND xã Xuân Đỉnh (Từ Liêm, Hà Nội) cho biết ở làng nghề sản xuất bánh truyền thống Xuân Đỉnh còn 58 cơ sở được cấp phép hoạt động, sản lượng khoảng 400-500 tấn/vụ. Trước khi vào vụ, 100% cơ sở tại làng nghề đã được tuyên truyền, tập huấn về VSATTP. Tuy nhiên, trên thực tế trong quá trình sản xuất, tình trạng vi phạm VSATTP vẫn diễn ra.

 

Tại cơ sở sản xuất Minh Ý (Xuân Đỉnh), nguyên liệu dùng để chế biến bánh không được đặt trên kệ kê cao. Đặc biệt, đoàn kiểm tra liên ngành VSATTP của Sở Y tế Hà Nội còn phát hiện cơ sở này sử dụng gói hút ẩm không có nguồn gốc, bao bì in bằng tiếng Trung Quốc. Chủ cơ sở, ông Nguyễn Thừa Chiến, cho biết hút ẩm này do một người bà con đi Lạng Sơn mua về với giá 200 đồng/gói.

 

Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, nói ngay: “Chất lượng bánh trung thu đạt tiêu chuẩn nhưng nếu sử dụng gói hút ẩm không rõ nguồn gốc là chưa đảm bảo theo quy định về nguyên liệu sản xuất, bảo quản”.

 

Tại cơ sở sản xuất bánh mứt dân tộc cổ truyền Đinh Tỵ (Xuân Đỉnh), đoàn kiểm tra liên ngành cũng phát hiện và thu giữ 2.800 gói hút ẩm không có nguồn gốc. Đoàn kiểm tra đã yêu cầu cơ sở bóc toàn bộ 300 chiếc bánh trung thu có sử dụng gói hút ẩm này. Được biết, trung bình cơ sở này sản xuất hơn 200 chiếc/ngày và đã sản xuất từ ngày 27/8. Như vậy, lượng bánh có sử dụng túi hút ẩm không rõ nguồn gốc đã bán ra là rất lớn.  

 

Trước sự việc trên, ông Dương Ngọc Thanh cho biết sẽ tăng cường kiểm tra, tịch thu hết những gói hút ẩm không rõ nguồn gốc. Thông tin về việc sử dụng gói hút ẩm không có nguồn gốc sẽ được thông báo rộng rãi đến các cơ sở sản xuất trong xã.

 

Theo bác sĩ Trần Văn Ký - Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm VN: “Chất hút ẩm có rất nhiều dạng, được làm từ nhiều thành phần, hóa chất khác nhau, và cũng được sử dụng trong nhiều sản phẩm khác nhau như con chíp điện tử, giấy tờ, thực phẩm... Nếu muốn cho chất hút ẩm vào trong thực phẩm, nhà sản xuất phải thông báo với cơ quan chức năng, đồng thời phải ghi dòng chữ cảnh báo đối với người tiêu dùng là “không được ăn” bằng tiếng Việt. Công bố về thành phần của chất hút ẩm để cơ quan quản lý biết loại đó có được phép sử dụng hay không. Còn ghi dòng cảnh báo để người tiêu dùng, nhất là trẻ em và cụ già không bị nhầm lẫn gói bột chống ẩm với bột nêm (vì thực tế đã có trường hợp bị nhầm)”.

 

Về việc cơ sở sản xuất bánh ở Hà Nội sử dụng chất hút ẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, thành phần, bác sĩ Ký nói: “Không thể nào nói nó gây độc đến đâu nếu như không qua kiểm nghiệm. Nếu nhà sản xuất không công bố thành phần chất hút ẩm mà tự tiện cho chất hút ẩm không rõ nguồn gốc vào là xem như vi phạm, và có thể xem chất hút ẩm đó là chất có thể gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng”.

 

Cũng theo bác sĩ Ký, “sợ” nhất trong việc không đảm bảo vệ sinh, chất lượng thực phẩm ở bánh trung thu là phần nhân bánh. Nhân bánh được làm từ nhiều loại nguyên liệu mà cơ quan chức năng không thể nào kiểm soát được, như thịt heo, thịt gà, mỡ heo, lạp xưởng, trứng... Một số cơ sở mua nhân đã được chế biến sẵn, nên chính họ cũng không rõ về chất lượng của nhân bánh. Bên cạnh đó là việc dùng chất chống mốc Natribenzoat  để giữ cho bánh không mốc, hỏng. Nhiều nhà sản xuất thường cho chất này quá liều nhằm giữ bánh được lâu, nhưng thực chất là gây độc cho người sử dụng.

 

Vô vàn kiểu mất vệ sinh

 

Một cán bộ của khoa An toàn vệ sinh thực phẩm (Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM) nhận định thông thường các cơ sở sản xuất bánh trung thu vi phạm về điều kiện vệ sinh, nhất là vệ sinh cá nhân. Những người trực tiếp tham gia làm nhân, làm bánh không được tập huấn kiến thức VSATTP, để móng tay dài, ở trần, chỉ mặc quần cộc...

 

Kế nữa là điều kiện vệ sinh của cơ sở, dây chuyền sản xuất không đảm bảo. Do vậy, loại bánh thường bị nhiễm vi sinh nhiều nhất là bánh dẻo, bởi nó không qua khâu nướng.

 

Một điểm đáng lưu ý nữa là nhiều cơ sở “ăn gian” bằng cách không đảm bảo thành phần nhân bánh như nhân đậu xanh thì pha thêm khoai lang...

 

“Việc kiểm tra các cơ sở sản xuất bánh trung thu chủ yếu là kiểm tra về điều kiện vệ sinh, chứ rất khó bắt cơ sở về chất lượng vì còn phải qua kiểm nghiệm, mà khi có kết quả kiểm nghiệm, thì mùa bánh trung thu cũng đã tàn!”, vị cán bộ trên cho biết.

 

Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) đã có văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh, thành yêu cầu các địa phương tăng cường kiểm tra để các cơ sở sản xuất  bánh trung thu tự giác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP).

 

Theo đó, các cơ sở tuyệt đối không được sử dụng chất bảo quản, chất chống mốc độc hại, không sử dụng phẩm màu độc. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh cần đảm bảo đầy đủ điều kiện VSATTP theo quy định, không để bánh gần hàng hóa có mùi lạ.

 

Cục An toàn vệ sinh thực phẩm cũng đề nghị các cơ quan chức năng thường xuyên thanh tra, kiểm tra liên ngành để ngăn chặn các cơ sở sản xuất kinh doanh bánh trung thu giả, kém chất lượng, không đảm bảo VSATTP. Ngoài ra, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm sẽ phối hợp với Thanh tra Bộ Y tế và các Sở Y tế kiểm tra các khâu sản xuất, lưu thông và sử dụng bánh trung thu.

 

Theo Thúy Anh - Thanh Tùng

Thanh Niên