1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Thanh Hóa:

Nỗi lo của hàng trăm hộ dân bên bờ sông Mã

(Dân trí) - Thời gian qua, hàng trăm hộ dân xã Hoằng Khánh, huyện Hoằng Hóa, đang phải sống trong cảnh nơm nớp lo sợ, vì hàng trăm mét vuông đất thổ cư và nhiều diện tich đất canh tác nằm phía Bắc sông Mã bị sạt lở, sụt lún nghiêm trọng.

 
Nỗi lo của hàng trăm hộ dân bên bờ sông Mã - 1
Tình trạng sạt lở dọc bờ sông Mã đoạn qua xã Hoằng Khánh khiến người dân lo lắng
 
Theo sự chỉ dẫn của cán bộ UBND xã Hoằng Khánh, chúng tôi tìm ra phía bờ Bắc sông Mã, đoạn chạy qua địa bàn xã, nơi có nhiều diện tích đất bị sạt lở nghiêm trọng.
 
Vừa đi, một cán bộ xã vừa băn khoăn, “Tình trạng sạt lở đất đã xảy ra mấy năm nay rồi, khiến tâm lý người dân sống gần sông rất lo lắng. Chính quyền xã đã có nhiều kiến nghị lên các cơ quan, ban nganh cấp trên nhờ can thiệp, giải quyết, nhưng đến nay vẫn chưa thấy có ý kiến gì?”.
 
Thực tế cho thấy, hàng trăm mét vuông đất thổ cư, đất nông nghiệp của người dân thuộc thôn 5 Đại Điền và một số thôn ven sông, đang trong tình trạng bị sạt lở nghiêm trọng. Những dãy tre che chắn dọc bờ sông nay đã bị cuốn phăng, nhiều ngôi nhà bị đổ nát do sụt lún đất, hàng trăm mét đất canh tác, đất vườn bị xâm thực và sạt lở.
 
Nỗi lo của hàng trăm hộ dân bên bờ sông Mã - 2
Sạt lở đã khiến nhiều diện tích đất canh tác của người dân bị cuốn trôi
 
Bác Lê Ngọc Lai, một người dân sống ven sông buồn rầu: “Sau trận lũ lịch sử năm 2007, ngôi nhà hơn 40 m2 của gia đình tôi đang ở bị sụt lún dưới chân móng, rồi đổ sập ngay trước mắt. Trong một ngày, gia đình tôi không còn nhà ở, phải chuyển đi chỗ khác. Không những thế, diện tích đất canh tác của gia đình ở gần sông cũng bị xói mòn, ăn sâu đến hơn 10 m rồi. Giờ kể lại, vợ tôi vẫn đang còn hoảng sợ”.
 
Dọc bờ sông Mã, nhiều diện tích đất canh tác, đất vườn bị sạt lở, ăn sâu vào chân đê, kéo dài từ thôn Đại Điền, thôn Trà Lao, Trà Sơn với gần 2km. Trong đó, thôn 5 Đại Điền chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi tình trạng sạt lở, sói mòn. Gần mỏ cát 65, nhiều mét đê bị khoét sâu từ 4 - 5m, tạo thành vách đứng chơi vơi, chỉ cần một cơn sóng nhỏ vỗ bờ là cả mấy chục m2 đất bị lún sâu xuống lòng sông.
 
Nỗi lo của hàng trăm hộ dân bên bờ sông Mã - 3
Hiện trạng sạt lở
 
Chị Nguyễn Thị Đồng, thôn 5, xã Hoằng Khánh phàn nàn: “Nhiều năm nay, khúc sông này tình trạng khai thác cát liên tục xảy ra nên bờ sông bị sụt lún hàng chục m2 đất, có nơi chỉ còn khoảng 10m là đến chân đê. Mấy sào đất ngô và bầu của gia đình trồng vào tháng trước, giờ may ra còn thu hoạch được 1/3 diện tích thôi, còn lại bị nước sông lấn chiếm hết rồi. Chúng tôi luôn sống trong nơm nớp lo sợ nhưng cũng chẳng biết làm gì”.
 
Hoằng Khánh là xã thuần nông, chủ yếu dựa vào trồng trọt và chăn nuôi. Thế nhưng, nhiều diện tích đất đất canh tác của người dân trong xã đang bị thu hẹp bởi tình trạng sạt lở đang xảy ra.
 
Nỗi lo của hàng trăm hộ dân bên bờ sông Mã - 4
Nhà nước đã phải bỏ ra hàng tỷ đồng để kè dọc bờ sông
 
Nỗi lo của hàng trăm hộ dân bên bờ sông Mã - 5
Nhưng tình trạng khai thác cát dưới sông là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng sạt lở
 
Chỉ tính trong năm 2010, bờ Bắc sông Mã, đoạn qua xã Hoằng Khánh bị nước sông ăn mòn khoảng 20m tính từ mép sông, nhiều dãy tre chống xói mòn cũng bị cuốn trôi.
 
Trao đổi với Dân trí, ông Lê Chí Thanh, Chủ tịch UBND xã Hoằng Khánh cho biết: “Hiện nay, có hơn 1 ha đất canh tác của thôn 5 đã bị sạt lở hoàn toàn và khoảng 15 hộ dân sống gần đê cũng chịu tình cảnh này. Tính từ mép sông, có hơn 40m đất bị sạt lở. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng bị sạt lở đất là do tình trạng khai thác cát tại hai mỏ cát 65 (do Công ty Hùng Cường chủ thầu) nằm trên địa phận của xã. Bên cạnh đó là việc xây dựng kè chắn nước, làm trạm bơm tưới tiêu cho bà con trong xã của xí nghiệp Bắc sông Mã nên nước bị ứ đọng, lũ tràn về là dòng nước dâng cao, gây nên sạt lở đất nơi đây.
 
Nỗi lo của hàng trăm hộ dân bên bờ sông Mã - 6
Chính quyền địa phương đã kiến nghị nhưng tình trạng vẫn không thay đổi
 
Chúng tôi đã kiến nghị lên UBND huyện Hoằng Hóa, Chi cục đê điều, UBND tỉnh Thanh Hóa nhưng chưa thấy cơ quan, chức năng nào vào cuộc. Năm (2008 - 2009), xí nghiệp Bắc sông Mã đã kè được hơn 30m dọc bờ sông để chống xói mòn, sạt lở. Chúng tôi rất mong các cơ quan, ban ngành chức năng quan tâm, xem xét tình trạng sạt lở đất, để người dân trong xã yên tâm sinh sống”.
 
Lan Anh - Nguyễn Thúy - Duy Tuyên