Nỗi khiếp đảm của những “tù nhân” trở về từ Nam Phi

(Dân trí) - Những tháng ngày vật lộn trên con tàu Thuỵ Cát 101 được nhóm thuỷ thủ “tù nhân” miêu tả là quãng thời gian “khủng khiếp”. Những trận đòn roi như cơm bữa, những ngày trong tù tội họ chỉ có một ước vọng: Đặt chân về đến quê nhà Việt Nam!

Bật khóc khi chạm chân vào đất quê hương
Vào hồi 13h50 chiều qua (22/6), 10 thuyền viên Việt Nam bị cảnh sát Nam Phi bắt giữ vì nghi là cướp biển, bắt cóc và được xử trắng án đã về đến sân bay Nội Bài, Hà Nội. Về đến quê hương, nhiều người đã không kìm nổi dòng nước mắt khổ đau vì nhớ lại những tháng ngày cơ cực.

“Tôi và các bạn đã không thể nào tưởng tượng được mình phải trải qua những tháng ngày kinh hoàng như vậy. Ước vọng lớn nhất của chúng tôi là được trở về Tổ quốc. Chúng tôi đã làm tất cả vì điều đó!”, thuyền viên Trần Văn Thanh, quê Quỳnh Lưu, Nghệ An bật khóc cho biết.

Đứng bên cạnh Thanh, thuyền viên Nguyễn Văn Dương gục xuống vai một người bạn, khóc oà.

Trong số 10 lao động trở về từ Nam Phi hôm qua, hầu hết không có người nhà ra đón. Ngay khi vừa tiếp đất, nhận hành lý, xuất hiện ở cửa ra, họ được một số đối tượng tự xưng là từ các công ty môi giới lao động lôi kéo, đẩy đưa lên xe về thẳng Hà Nội. Sự trao đổi giữa phóng viên với các thuyền viên trở nên rất vất vả do sự truy cản quyết liệt, thô bạo từ những người này.

10 thuỷ thủ người Việt, tuổi từ 17 đến 28, tất cả đều quê ở Nghệ An bị bắt hồi tháng 5 với những cáo buộc chiếm giữ một tàu Đài Loan và bắt thuyền trưởng, thuyền phó làm con tin ở vùng biển ngoài khơi Nam Phi. Theo những thuỷ thủ này, họ đã gần như tuyệt vọng sau những ngày tháng bị ngược đãi, đánh đập tàn tệ.

Ác mộng đói khát, đòn roi
Gặp gỡ phóng viên tại Hà Nội, các thuyền viên vẫn không giấu nổi ánh mắt kinh hoàng khi kể lại sự việc. Anh Hoàng Văn Tân (Quỳnh Lưu, Nghệ An) kể lại, trên tàu có tất cả 31 người, trong đó có 16 người Việt Nam và một nhóm người Indonesia (cai tàu và thuyền trưởng đều là người Đài Loan).

Cai tàu tên là A Xuân rất hung hãn và sẵn sàng hành hung thuỷ thuỷ đoàn vì bất cứ lý do “trời ơi” nào đó. “Một lần, A Xuân phát hiện bị mất một cây thuốc, liền gọi tất cả những thuyền viên hút thuốc lên boong tàu, hạn cho mỗi người 3 đòn gậy sắt", Tân nói.

Để chứng minh, Tân giơ lên cánh tay còn nhằng nhịt những sẹo và vết sứt trên môi còn hằn rõ sau 45 ngày trong trại tạm giam ở Cape Town. Các thuyền viên trở về lần này cho biết thêm, điều kiện làm việc trên tàu rất khắc khổ với những bữa ăn chỉ có bánh mỳ, bánh bao, phải làm việc thông trưa, thông đêm. Bữa trưa cũng chỉ có cơm rang cà rốt và một chút cá vừa đánh bắt được.

Trong số những thuyền viên này, Nguyễn Văn Thiết (quê xã Nghi Xuân, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An) là người bị đánh nhiều nhất vì anh mới đi làm chưa quen việc (tính đến thời điểm sự việc xảy ra, Thiết mới làm được 15 ngày).

Nỗi khiếp đảm của những “tù nhân” trở về từ Nam Phi - 1

Hồ Văn Hân, Nguyễn Văn Thiết, Hoàng Văn Tân (từ trái qua) trong cuộc nói chuyện với phóng viên

Sự việc xảy ra cũng nhanh như một cuốn phim, với những ngã rẽ làm thay đổi số phận bao thuyền viên người Việt từng sống những ngày tháng khổ đau. Cũng giống như nhiều lần khác, ca làm việc đó bắt đầu từ 8h tối ngày 3/5 đến 3h chiều ngày 4/5 (giờ địa phương Nam Phi). Sau nhiều giờ bị bắt làm việc liên tục, do sóng to, ướt hết quần áo và lạnh nên Thiết vào phòng để thay đồ.

Khi anh vừa vào phòng thì cai tàu tên là A Xuân đạp cửa xông vào dùng tay đánh hộc máu mồm, máu mũi vì cho rằng anh trốn việc. Ngay sau đó ít phút, thuyền viên Hoàng Văn Tân, sinh năm 1991, quê tại xã Nghi Hòa, huyện Nghi Lộc, Nghệ An vào phòng thay ủng do vào quá nhiều nước cũng lập tức bị cai tàu lao vào tát tới tấp vào mặt.

Giọt nước tràn ly, nhóm 10 thuyền viên người Việt đã bắt, trói A Xuân vào một phòng nhỏ trên tàu và gặp thuyền trưởng để nói chuyện (6 thuyền viên người Việt khác lúc đó đang làm việc trong hầm lạnh nên không biết). “Lúc đó anh em chỉ nghĩ được một điều, phải làm điều gì đó về lại Việt Nam nếu không sẽ chết dần chết mòn trên tàu cá này”, Tân nói.

Câu chuyện nhanh chóng tìm được “tiếng nói chung”, vị thuyền trưởng đồng ý cho các thuyền viên trở về Việt Nam. Cũng theo các thuyền viên, họ chỉ nhốt A Xuân hết một đêm rồi thả ra, trong thời gian này, A Xuân vẫn được chu cấp chăn, nệm.

“Khi thuyền còn cách cảng vài km, anh em trên tàu hốt hoảng khi bất ngờ xuất hiện những cảnh sát mặc cảnh phục màu xanh da trời. Sau đó mọi người bị bắt tạm giam”. Cơ quan hành pháp Nam Phi cũng khẳng định, họ lên tàu mà không gặp phải bất kỳ sự phản kháng nào.

“Đâu thể quẳng hết gánh lo đi…”

Theo tìm hiểu của Dân trí, 10 thuyền viên này được 3 công ty trực tiếp đưa sang Đài Loan lao động đánh bắt cá xa bờ gồm: Công ty Cung ứng lao động quốc tế và dịch vụ (Inmasco thuộc Cienco 1), Công ty Vinamoto và Công ty Napico. Hợp đồng các công ty ký với người lao động là đánh bắt cá xa bờ với mức lương là 250USD/ tháng.

Thiết cũng như nhiều thuyền viên khác cho biết, nhóm lao động Việt Nam gồm 16 người làm việc trên tàu Thụy Cát 101, có chủ là một người Đài Loan. “Theo hợp đồng lao động đã ký, công việc của chúng tôi là đánh bắt cá ngừ, mức lương là 250USD/ tháng, tuy nhiên, khi bước lên tàu thì công việc lại là câu cá du căn, nhiều điều khoản trong hợp đồng như ăn uống, nghỉ ngơi không được thực hiện”. Thời gian làm việc thường xuyên kéo dài từ gần 20 tiếng, có khi đến hơn 30 tiếng liên tục.

Về những sự việc vừa xảy ra, ông Vũ Đình Tuân, Trưởng phòng thị trường Đài Loan (Công ty Inmasco) cho biết, 6 trong số 10 lao động về nước là do Inmasco đưa đi. Tàu Thuỵ Cát 101 đánh bắt cá trên nhiều vùng biển khác nhau. Các lao động đều mới sang làm việc từ tháng 3, tháng 4 vừa qua. “Chúng tôi rất bất ngờ trước hành động của thuyền viên trên. Việc này cũng đồng nghĩa với việc vi phạm hợp đồng”, ông Tuân nói.

Nỗi khiếp đảm của những “tù nhân” trở về từ Nam Phi - 2

Tân với nhằng nhịt những viết sẹo trên tay

Ông Tuân cho biết, ngoài khoản 4,5 triệu tiền đặt cọc, Công ty không thu phí môi giới và các khoản khác. (Phí quản lý tính bằng 8,3% lương, tương đương 1 tháng lương/năm làm việc). Tuy nhiên, ngay sau đó chính các thuyền viên về nước lại khẳng định: Để có thể đi làm công việc đánh bắt cá trên tàu Thuỵ Cát 101, mỗi người phải đóng 11,2 triệu, chưa kể thêm khoảng hơn 2 triệu cho công ty môi giới tại Nghệ An.

“Tất cả các thuyền viên người Việt đều có gia cảnh rất nghèo, số tiền đó là cả một gia sản, được vay nợ từ người thân, ngân hàng. Đến nay, tôi vẫn chưa dám báo cho gia đình biết sự việc xảy ra”, Hoàng Văn Tân cho biết.

Ông Tuân cho biết đang tiếp tục làm việc với các thuyền viên và với đối tác Đài Loan để có hướng xử lý do người lao động vi phạm hợp đồng. Lãnh đạo Cục quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội) cũng cho biết, cơ quan này đang yêu cầu các đơn vị liên quan báo cáo vụ việc và giải quyết theo hướng có lợi cho người lao động.

Phúc Hưng