1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nam Phi cáo buộc 10 thủy thủ Việt Nam tội “cướp tàu”

(Dân trí) - Đại diện Liên đoàn Vận tải Quốc tế ở Nam Phi vừa đặt câu hỏi về tính chính đáng của những cáo buộc phạm tội “bắt cóc, cướp tàu” mà giới chức Nam Phi đưa ra với 10 thủy thủ Việt Nam bị cảnh sát nước này bắt giữ ngoài khơi bờ biển Cape Town.

Hãng tin SAPA dẫn lời lực lượng cảnh sát quốc gia của nước này cho biết, một đơn vị cảnh sát đặc biệt của Nam Phi ngày 5/5 đã “kết thúc” một vụ nổi loạn của các thủy thủ Việt Nam làm việc trên một chiếc tàu đánh cá Balena của Đài Loan.
 
Họ bắt 10 người, tất cả đều là người Việt Nam, trong số 29 thủy thủ đã giữ thuyền trưởng và thuyền phó làm con tin. Tuy nhiên, tin cho biết vụ giải cứu diễn ra nhanh chóng và cảnh sát không gặp sự kháng cự cũng như phải dùng đến biện pháp bạo lực nào để bắt giữ những thủy thủ “nổi loạn”.

SAPA cho biết thêm những thủy thủ “nổi loạn” đã kiểm soát con tàu vào khoảng 3 giờ chiều 4/5 và yêu cầu đưa thuyền vào cảng. Vụ giải cứu diễn ra sau khi viên thuyền trưởng tìm cách báo động cho nhà chức trách ở Cape Town.“Thuyền trưởng không bị thương, nhưng thuyền phó bị thương trong vụ xô xát và đang được điều trị”, một người phát ngôn cảnh sát cho biết.

Cũng theo hãng tin này, 10 người Việt Nam bị bắt và đối mặt với những cáo buộc liên quan đến bắt cóc và cướp bóc. Họ phải xuất hiện trước tòa án Cape Town Magistrate vào ngày 7/5. 19 thành viên khác trên tàu không tham gia vào vụ cướp tàu và không bị bắt giữ.

Tuy nhiên, ông Cassiem Augustus, đại diện của Liên đoàn vận tải quốc tế ở Cape Town, cho rằng những thủy thủ Việt Nam “đã hành động do tuyệt vọng” sau nhiều tháng bị các chỉ huy người và thủy thủ Trung Quốc trên tàu đánh đập và ngược đãi.

“Họ hình như đã yêu cầu dừng tàu ở Cape Town để có thể lên bờ để đi máy bay về nhà”, ông Augustus nói. “Khi yêu cầu này bị từ chối, họ đã chiếm quyền kiểm soát con tàu”.

Ông Augustus khẳng định những thủy thủ này đã trải qua một thời gian dài bị ngược đãi và đánh đập trong khi phục vụ trên tàu. Một người đã bị đánh dập mũi, một người khác bị băng ở đầu, trong khi một người nữa đã bị từ chối cho phép lên bờ suốt 19 tháng qua. Phát ngôn viên cảnh sát Nam Phi cũng xác nhận điều này.

“Tôi có một người phiên dịch và những đại diện người Việt Nam ở đây đã tham gia và đang tìm kiếm một luật sư để đại diện cho những thủy thủ này trước tòa”, ông Cassiem Augustus thông báo thêm.

Chiếc tàu cá thuộc quyền sở hữu của một người Đài Loan và đăng ký ở một hòn đảo thuộc Thái Bình Dương. 

Nhật Mai
Theo Afriquejet, Independent Online