1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Nơi hội tụ nghĩa tình biên giới

(Dân trí) - Ai từng đến chợ Na Mèo, Quan Sơn, Thanh Hóa, chắc không quên món chẻo cá với xôi nếp. Chợ Na Mèo không chỉ là Trung tâm thương mại sầm uất nhất phố núi mà còn là nơi giao lưu giữa các dân tộc Thái, Mường, Dao... thắm đượm nghĩa tình Việt - Lào.

Chợ cửa khẩu Quốc tế Na Mèo cách trung tâm thành phố Thanh Hóa gần 200 km về phía Tây với những đoạn đường uốn lượn như dải lụa. Đây không phải lần đầu tiên tôi đặt chân lên huyện vùng biên này nhưng vẫn không tránh khỏi cảm giác sợ đến dựng tóc gáy mỗi lần xe đổ đèo bên những vách núi dựng đứng. Dọc đường chúng tôi bắt gặp từng tốp thanh niên nam, nữ trong bộ trang phục truyền thống lộng lẫy khoe sắc nói cười rôm rả hướng lên Na Mèo. Chợ nằm ngay cửa khẩu Na Mèo và chỉ họp vào thứ bảy hàng tuần.

Nơi hội tụ nghĩa tình biên giới    - 1
Muối i ốt là thứ không thể thiếu trong mỗi phiên chợ nơi vùng biên này.

Đi chợ Na Mèo không đơn thuần chỉ để mua bán, trao đổi hàng hóa mà đây còn là nơi giao lưu, nơi để thanh niên nam nữ từ các bản làng xa xôi hẹn hò, tìm kiếm bạn tình. Chợ bắt đầu diễn ra từ tối thứ sáu cho hết ngày thứ bảy hàng tuần. Đêm thứ sáu, mọi người gần như không ngủ, uống rượu, múa khèn, xòe váy là điều thú vị nhất của các cô gái, chàng trai Thái, Dao, Mông, Mường... giao lưu văn hóa, văn nghệ, thắm đượm nghĩa tình nơi biên giới.

Đêm ở cửa khẩu Na Mèo tưng bừng lạ thường. Ánh đèn cao áp từ khu cửa khẩu soi rõ mặt người, từng tốp thanh niên nam nữ người Mông, Thái, Mường ở các rẻo cao Cha Khót, Ché Lầu, Xía Nọi... dập dìu cùng nhau xuống chợ từ sớm trong bộ áo mới thơm lừng hương vị thổ cẩm, vui chơi, ca hát suốt đêm, đợi sáng mai vào chợ.

Na Mèo là xã vùng biên của huyện Quan Sơn, giáp nước bạn Lào. Ở đây, đồng bào dân tộc Thái chiếm tới hơn 90% dân số. Chợ cửa khẩu là Trung tâm thương mại duy nhất của bà con vùng biên huyện Quan Sơn, Thanh Hóa và huyện Viêng Xay, tỉnh Hủa Phăn, nước bạn Lào. Ở đây, có đầy đủ các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu của bà con như lương thực, thực phẩm, đồ điện tử, đồ gia dụng, vải vóc, bánh kẹo... Thực phẩm chủ yếu là thịt lợn, cá biển, cá tươi... được người kinh mang từ dưới xuôi lên.

Nơi hội tụ nghĩa tình biên giới    - 2

Nơi hội tụ nghĩa tình biên giới    - 3
Không khí mua sắm rộn ràng nơi phiên chợ vùng biên.

Không khí chợ thật náo nhiệt, với đủ thành phần ngôn ngữ, trong đó có cả tiếng Lào, tiếng Thái. Vào chợ, anh bạn tôi đã chuẩn bị tiền Lào trước nên việc mua bán diễn ra rất thuận lợi. Hàng hóa được bày bán la liệt, khá nhiều nhưng rất hiến khi có sự tranh chấp, xô xát... ai ai cũng vui vẻ, cười nói thoải mái. Người lớn tuổi đi chợ thường mua đồ dùng thiết yếu phục vụ đời sống, thanh niên nam nữ lại ưa thích quần áo, giày dép, mũ nón... Thi thoảng, chúng tôi bắt gặp vài vị khách nước ngoài đi bằng xe đạp cũng ghé vào chợ ngắm hàng, chụp ảnh lưu niệm.

Người bán không chỉ có dân bản địa mà còn có các tiểu thương từ các huyện lận cận lên và từ Lào sang. Nhiều sản phẩm do người địa phương mang ra bán như: Măng khô, Bí xanh, bí đỏ, hạt dưa, hạt bầu... Chợ chỉ họp một lần vào thứ bảy hàng tuần, nên cứ thành thông lệ từ ngày thứ sáu, tiểu thương ở dưới xuôi mang hàng lên để kín trong chợ và dọc hai bên đường ngoài cổng chợ. Là chợ phiên nên người đi chợ thường mua rất nhiều để phục vụ cho cả tuần.

Nơi hội tụ nghĩa tình biên giới    - 4
Hàng hóa nơi đây cũng phong phú về chủng loại và đa dạng mẫu mã không kém phiên chợ miền xuôi.

Nơi hội tụ nghĩa tình biên giới    - 5
Những món hàng "cây nhà lá vườn".

Điều đặc biệt ở đây là người mua chỉ cần lựa đồ rồi trả tiền không phải mặc cả về giá. Người bán cũng rất vô tư không chèo kéo, đòi thách giá. Vòng luân chuyển cứ thế diễn ra cho đến hết phiên chợ.

Gần đến trưa, anh bạn tôi đã thúc giục ra cổng chợ để ăn món chẻo cá. Nghe thấy mùi thơm chẻo cá từ quán bốc ra đã khiến bụng tôi réo sôi nổi. Quán chẻo cá khá đơn giản, bếp than củi được đặt ở giữa, vài bộ bàn ghế gỗ đặt xung quanh nhưng rất đông khách. Món chẻo được làm bằng cá suối nướng với ớt giã nhỏ, trộn với cơm mẽ và ít rau thơm rồi nấu lên cho chín, ăn với xôi nếp, mùi vị thơm lừng, rất ngon! Theo truyền thống, ăn chẻo cá phải nhâm nhi vài ly rượu Lào mới thấy hết cái hương vị mặn nồng, chua, chát của món chẻo này. Người đi chợ thường ăn chẻo cá với xôi vào bữa trưa, sau đó nghỉ ngơi chuẩn bị hành lý mang về kết thúc phiên chợ.

Từ năm 2004, cửa khẩu Na Mèo được nâng cấp lên thành cửa khẩu Quốc tế. Do đó, lưu lượng, phương tiện qua lại ngày một tăng. Chợ cửa khẩu Quốc tế Mèo cũng đổi tên từ đó. Trung bình hàng năm, có từ 8 - 10 nghìn lượt người xuất nhập cảnh, trên 5 nghìn lượt phương tiện qua lại. Tập trung chủ yếu vào các ngày chợ phiên hoặc đi thăm thân. 

Nơi hội tụ nghĩa tình biên giới    - 6

Nơi hội tụ nghĩa tình biên giới    - 7
Tiểu thương huyện Viêng Xay nước bạn Lào mang cây nhớt (một loại hương liệu) sang chợ Na Mèo để bán.

Nơi hội tụ nghĩa tình biên giới    - 8
Các chàng trai, cô gái vùng bản ra về khi chợ đã vãn.

Những năm gần đây, số lượng hàng hóa tăng lên rõ rệt, không chỉ đa dạng về chủng loại mà phong phú cả về mẫu mã. Bên cạnh những mặt hàng thông dụng còn có nhiều hàng hóa mang đậm nét văn hóa vùng cao như vải vóc bằng thổ cẩm, cơm lam, cố thắng... Nhiều loại nông sản trong vùng đã có mặt tại chợ. Đáp ứng đủ nhu cầu thị trường vùng biên.

Càng về chiều, phiên chợ cũng bắt đầu vãn đi, phía bên kia là đất bạn Lào, nhiều người đang khẩn trương làm thủ tục xuất cảnh về cho kịp bữa cơm chiều. Chúng tôi cũng chuẩn bị hành trang về xuôi. Tất cả đều bịn rịn, lưu luyến giờ phút chia tay phiên chợ vùng biên và cùng hẹn đến phiên chợ sau…

Hoàng Văn - Duy Tuyên