Nới “giờ giới nghiêm” diện mạo phố cổ quanh hồ Hoàn Kiếm thay đổi thế nào?
(Dân trí) - Ông Phạm Tuấn Long - Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho biết, để thu hút khách, thúc đẩy du lịch của Thủ đô, từ ngày 1/9, thành phố Hà Nội chính thức nới “giờ giới nghiêm” ở các nhà hàng, quán bar đến 2h sáng; phố đi bộ quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm được hoạt động từ 19h00 thứ Sáu đến 24h00 Chủ Nhật hàng tuần.
Từ sau dịp Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, thành phố đã đưa ra kế hoạch tổ chức tuyến phố đi bộ ở khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm và một số vùng phụ cận. Vậy tại sao đến thời điểm này, kế hoạch mới triển khai, thưa ông?
Sau một thời gian thử nghiệm tổ chức phố đi bộ trên địa bàn quận Hoàn Kiếm ở địa bàn khu bảo tồn cấp I, qua theo dõi cho thấy, khi tổ chức các hoạt động, khu vực trung tâm nội đô lịch sử rất cuốn hút khách du lịch và người dân Thủ đô tham gia. Theo thống kê, những tối cuối tuần có tổ chức tuyến phố đi bộ, lượng khách du lịch tăng gấp đôi so với những ngày thường. Theo đó, trung bình, ngày thường có khoảng 3.000 khách nước ngoài lưu trú thì cuối tuần tăng lên đến khoảng 6.000 khách.
Từ việc khách du lịch tăng thêm đó đã tạo cơ hội việc làm rất tốt cho người dân, đảm bảo an sinh xã hội, kiểm soát được an ninh trật tự trên địa bàn. Đó cũng là cơ hội để quảng bá di sản Hà Nội mà quận Hoàn Kiếm là nơi có mật độ rất cao. Cụ thể, khu phố cổ là di tích cấp quốc gia, còn hồ Hoàn Kiếm là di tích cấp quốc gia đặc biệt. Ngoài những giá trị di sản, công trình tôn giáo tín ngưỡng tiêu biểu, hồ Hoàn Kiếm còn có giá trị cảnh quan mặt nước, cây xanh nằm ngay giữa lòng Thủ đô, là nơi mà du khách khi đến Hà Nội không thể bỏ qua.
Thời gian qua, hoạt động đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm đã diễn ra nhưng chỉ trong khu vực ven hồ. Trong khi đó, khu vực này có nhiều cơ quan của Thành phố và rất ít nhà dân nên khi tổ chức đi bộ sẽ khai thác các không gian của các cơ quan trong thời gian không hoạt động để tổ chức hoạt động cộng đồng. Vì vậy, việc tổ chức thời gian, không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm là hoàn toàn phù hợp trong giai đoạn hiện nay. Dù vấn đề đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm đã được đặt ra từ nhiều năm trước nhưng đến thời điểm này thực hiện mới phù hợp.
Với kinh nghiệm triển khai phố đi bộ trong khu phố cổ, với sự chỉ đạo chặt chẽ, sát sao của chính quyền Thành phố, hoạt động đi bộ ở khu vực hồ Hoàn Kiếm sẽ đáp ứng theo hướng sinh hoạt cộng đồng của dân cư trên địa bàn quận, địa bàn Thủ đô và là điểm thu hút khách du lịch đến với Hà Nội.
Việc triển khai tuyến phố đi bộ từ chiều tối ngày thứ Sáu đến đêm Chủ Nhật hàng tuần sẽ thu hút rất đông du khách. Vậy quận Hoàn Kiếm cũng như thành phố đã đưa ra phương án đảm bảo an ninh trật tự thế nào để đảm bảo sự bình yên ở khu vực nhạy cảm này?
Với mong muốn tạo dựng không gian cho lợi ích của cộng đồng và tạo thành điểm đến an toàn cho người dân và du khách, chúng tôi xác định vấn đề đầu tiên là đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn. Nếu tạo lập không gian đi bộ mà không giữ được an ninh an toàn thì người dân, du khách sẽ không đến nữa. Do vậy, phải ý thức tốt việc đảm bảo an ninh, đi kèm theo là vấn đề trật tự, trong đó có việc tổ chức giao thông, trông giữ phương tiện... Chúng tôi đã có phương án cụ thể cho các vấn đề này để triển khai thực hiện. Quận Hoàn Kiếm đã giao nhiệm vụ cho từng đơn vị.
Nhiều người cho rằng, du lịch của cả nước cũng như Hà Nội chưa có điểm nhấn nên không hấp dẫn du khách. Vậy việc mở tuyến phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm lần này có gì mới so với những tuyến phố đi bộ quanh khu vực phố cổ?
Khi du khách đến, chúng ta phải đo được họ có mong muốn như thế nào và chúng ta nên cung cấp dịch vụ gì cho họ. Điều đầu tiên, du khách đến đây phải được thưởng ngoạn cảnh quan của hồ, thăm quan di sản trong khu vực, đi liền với đó là không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng, như không gian văn hóa, không gian vui chơi, phù hợp với điều kiện cảnh quan khu vực hồ Hoàn Kiếm. Chúng ta đặt ra tiêu chí là tất cả những hoạt động trong khu vực đều phải đáp ứng yêu cầu tôn vinh cảnh quan giá trị di sản ở đây. Nếu chúng ta giữ được hoạt động như vậy thì đó chính là đặc trưng của hồ Hoàn Kiếm, thu hút du khách đến với Hà Nội.
Từ ngày 1/9, Hà Nội cũng nới “giờ giới nghiêm” đối với các nhà hàng, quán bar ở khu vực quận Hoàn Kiếm đến 2h sáng. Điều đó tác động thế nào đến du lịch của Thủ đô?
Việc mở rộng thời gian hoạt động thương mại phục vụ phát triển du lịch là chủ trương được chính quyền thành phố rất quan tâm để thực hiện việc đó với mong muốn tạo nhiều điểm giữ chân được khách du lịch khi đến với Hà Nội. Khi đến đây, khách du lịch rất mong muốn được hiểu rõ hơn về khu vực phố cổ, nhưng do thời lượng không nhiều nên họ chỉ tìm hiểu, khám phá các hoạt động cũng như đời sống Thủ đô. Cho phép khách sạn nhà hàng và các loại hình phục vụ đến 2h sáng là cơ hội tốt để du khách tìm hiểu thêm, thúc đẩy phát triển du lịch, phát triển kinh tế của khu vực trung tâm thành phố.
Vẻ đẹp của Hà Nội thường gắn liền với sự yên bình. Vậy làm thế nào để cân đối giữa văn hóa của Thủ đô với việc cho phép các nhà hàng, quán bar mở cửa đến 2h sáng để thu hút khách du lịch?
Đặc điểm của quận Hoàn Kiếm là nhà hàng khách sạn, dịch vụ đan xen trong khu dân cư. Do vậy, chúng tôi yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh phải đáp ứng các điều kiện về đảm bảo an ninh, an toàn, không vi phạm trật tự đô thị, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt là đảm bảo khống chế tiếng ồn với các công trình liền kề. Đây là các loại hình kinh doanh có điều kiện, Thành phố đã có quy định để các hộ kinh doanh phải chấp hành theo các quy định của thành phố thì mới được phép mở.
Các cơ quan quanh bờ hồ Hoàn Kiếm mở cửa để du khách đi vệ sinh
“Chúng tôi cũng đang tìm giải pháp hạn chế tối đa việc lắp đặt thêm nhà vệ sinh mới ở khu vực hồ Hoàn Kiếm mà tận dụng hạ tầng đang có ở khu vực này. Cụ thể, những cơ quan đóng trong khu vực này đều đồng tình mở cửa để du khách vào vệ sinh. Các cơ quan này không thể đứng ngoài, cần phải chung tay để góp phần vào phát triển du lịch của Thành phố”, ông Phạm Tuấn Long – Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm nói.
Xin cảm ơn ông!
Quang Phong (thực hiện)