1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Nỗi day dứt của nữ thượng tá về "ngôi mộ tình yêu" 2 liệt sỹ

(Dân trí) - Ngay dưới ngôi mộ của liệt sỹ nam là một bộ hài cốt nữ. Họ là ai? Câu hỏi ấy đến bây giờ vẫn là nỗi day dứt của người phụ nữ dành cả cuộc đời đi tìm tên cho những người đã ngã xuống.

Nỗi day dứt của nữ thượng tá về ngôi mộ tình yêu 2 liệt sỹ - 1
Thượng tá Nguyễn Thị Tiến - Nguyên Phó GĐ Bảo tàng Quân khu 4.

Tôi đã có khá nhiều dịp làm việc với Thượng tá Nguyễn Thị Tiến – Nguyên Phó Giám đốc Bảo tàng Quân khu 4. Câu chuyện của bà hầu như chỉ xoay quanh việc tìm và trả lại tên cho các liệt sỹ – công việc mà bà đã dành phần lớn cuộc đời quân ngũ của mình để làm. Ngay cả khi về hưu, nữ thượng tá quân đội này cũng luôn đau đáu về số phận của những người lính đã ngã xuống cho nền độc lập dân tộc.

Với đề tài “Xác minh lý lịch liệt sỹ chưa biết tên qua di vật nằm cùng phần mộ”, Thượng tá Nguyễn Thị Tiến cùng các đồng đội, cộng sự của mình đã tìm được tên tuổi, địa chỉ của hơn 500 liệt sỹ, từ đó đưa các anh về với mẹ cha, với gia đình, quê hương.

Nỗi day dứt của nữ thượng tá về ngôi mộ tình yêu 2 liệt sỹ - 2

Cả khi về hưu, Thượng tá Tiến vẫn miệt mài sưu tầm những kỷ vật chiến tranh.

Mỗi khi các đoàn quy tập liệt sỹ bàn giao cho các di vật tìm thấy trong quá trình quy tập hài cốt các liệt sỹ (chủ yếu ở Lào), bà tận dụng các mối quan hệ của mình để giới thiệu các di vật đó lên các phương tiện thông tin đại chúng, trên trang facebook cá nhân.

“Biết đâu, người quen của các liệt sỹ nhận ra các di vật ấy. Từ đó có manh mối để khớp nối, xâu chuỗi để tìm và trả lại tên cho các anh các chị. Họ đã hi sinh cả tuổi trẻ, cả xương máu của mình nhưng khi trở về chỉ còn là nắm xương, không một dòng tên tuổi, địa chỉ…”, Thượng tá Tiến trầm ngâm.

Nỗi day dứt của nữ thượng tá về ngôi mộ tình yêu 2 liệt sỹ - 3
Đoàn quy tập Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Nghệ An cất bốc hài cốt liệt sỹ được tìm thấy ở tỉnh Xiêng Khoảng, Lào (ảnh tư liệu).

Bà bảo, việc đưa thông tin di vật liệt sỹ đến được với nhiều công chúng là một cuộc chạy đua với thời gian bởi lẽ những người cùng thời với các liệt sỹ hay người thân, người trực tiếp an táng… cũng đã già, trí nhớ và sự minh mẫn cũng không còn tốt. Bởi vậy, cứ mỗi câu chuyện, mỗi di vật, mỗi chi tiết đặc biệt về các liệt sỹ được đưa lên các phương tiện thông tin đại chúng, bà lại phấp phỏng chờ mong.

Thế nhưng có những câu chuyện đã được kể đi kể lại nhiều lần nhưng vẫn chưa có câu trả lời… Câu chuyện “Đám cưới người âm” là trường hợp như thế!

“Khoảng năm 1999, tổ công tác Đoàn quy tập hài cốt liệt sỹ Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Nghệ An triển khai đào bới tìm kiếm ở Khăng Khay, Xiêng Khoảng, Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào. Khi đào một ngôi mộ, hài cốt còn đầy đủ được bọc trong một cái tăng, vẫn còn dây dù buộc. Sau khi hoàn tất việc cất bốc, các chiến sỹ thắp hương, gọi hồn gói anh vào tấm vải trắng. Ai cũng thấy lạ là khói hương cứ quẩn quanh dưới huyệt mà không bay lên...

Nỗi day dứt của nữ thượng tá về ngôi mộ tình yêu 2 liệt sỹ - 4
Thượng tá Nguyễn Thị Tiến trong lần đi tìm mộ liệt sỹ ở mặt trận Tây Nguyên.

Anh Thức (Thượng tá Đặng Minh Thức, nguyên Phó Trưởng đoàn quy tập hài cốt liệt sỹ, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Nghệ An) nói “ta thử tìm lại, hình như sót cái gì?”. Tổ công tác lấy thanh sắt thuốn sâu xuống. Kỳ lạ! Nghe tiếng loạt soạt của cái gì không phải đất. Lệnh đào tiếp!

Khi đào xuống khoảng 20cm đất, tổ phát hiện một bộ hài cốt nữa, cũng được gói trong tấm tăng ni lon. Hài cốt một phụ nữ, có nắm tóc dài ở phần hộp sọ. Đôi dép cao su nhỏ xinh vẫn nguyên. Cái cặp tóc ba lá thép không rỉ vẫn còn.

Mọi người lặng đi trước sự việc quá đỗi lạ lùng, chưa từng gặp trong quá trình tìm kiếm, cất bốc các hài cốt liệt sỹ. Chắc là họ yêu nhau nhưng chưa kịp chờ đến ngày giải phóng đã hi sinh. Có lẽ đồng đội đã tổ chức đám cưới cho họ rồi an táng chung một huyệt mộ...”, giọng bà Tiến như lạc đi.

Nỗi day dứt của nữ thượng tá về ngôi mộ tình yêu 2 liệt sỹ - 5
Thượng tá Nguyễn Thị Tiến vẫn luôn đau đáu về số phận những người lính ngã xuống trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc nhưng vì nhiều lí do phần mộ không xác định được danh tính, đơn vị, quê quán.

Bao nhiêu năm trôi qua, câu chuyện đám cưới người âm này vẫn luôn khiến bà day dứt. Họ đã cùng chiến đấu, cùng hi sinh, cùng nằm chung một huyệt mộ. Dù sống hay chết vẫn luôn sát cánh bên nhau! Ngoài hai bộ hài cốt ra thì không có di vật nào khả dĩ để có thể lần ra manh mối về danh tính của hai liệt sỹ. Bởi vậy, cả hai người đều trở về quê hương, an táng cạnh nhau trong Nghĩa trang quốc tế Việt – Lào với tấm bia mộ “Liệt sỹ chưa biết tên”.

Thượng tá Tiến day dứt: “Những người an táng hai liệt sỹ họ còn sống không? Còn nhớ câu chuyện tình yêu bi hùng của hai người lính này không? Tôi chỉ mong các anh chị, những người đã chôn cất họ cho tôi được liên lạc để biết đơn vị, biết tên tuổi, quê hương và đưa anh chị về với gia đình, người thân. Nếu tìm được, tôi chắc hai họ sẽ làm đám cưới cho anh chị”.

Hoàng Lam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm