1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM vào mùa mưa

Nỗi buồn của đại tá già chưa kịp ra sách mừng Đại tướng

(Dân trí) - Đại tá Trần Thịnh Tần đã bỏ nhiều công sưu tập, gặp gỡ những người đồng đội cũ từng có dịp gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp để tập hợp các bài viết in thành sách mừng Đại tướng sống qua 100 tuổi. Nhưng sách chưa kịp in thì Đại tướng đã ra đi…

“Chỉ đạo của Đại tướng theo tôi suốt cuộc đời”

Đại tá Trần Thịnh Tần, nguyên Cục trưởng Cục Quân nhu (Tổng cục Hậu cầu Quân đội Nhân dân Việt Nam) kể: “Lần đầu tiên tôi được gặp Đại tướng là vào năm 1971, khi Đại tướng vào thị sát mặt trận đường 9 Nam Lào. Khi đó tôi làm thư ký cho Phó Tư lệnh mặt trận phụ trách hậu cần. Lúc đó tôi cũng chỉ được gặp Đại tướng vài lần ở Sở chỉ huy Mặt trận”.

Lần thứ 2 thì đại tá Trần Thịnh Tần vinh dự được trở thành người hướng dẫn cho Đại tướng đi thăm hậu cứ hậu cần của 1 trung đoàn do Cục Quân nhu hậu cần tiến hành làm mẫu. Đây là đơn vị có nhiệm vụ huấn luyện cho cán bộ, chiến sĩ ngành quân nhu thành thạo việc tìm kiếm, chế biến các loại rau củ, quả, trứng… khai thác nguồn thực phẩm tại chỗ trong điều kiện tiếp tế hậu cần khó khăn. Trong hành trình này, những chỉ đạo của Đại tướng về công tác hậu cần khiến đại tá Trần Thịnh Tần không thể nào quên.

Nỗi buồn của đại tá già chưa kịp ra sách mừng Đại tướng
Đại tá Trần Thịnh Tần (thứ 2 từ phải sang) chụp ảnh cùng Đại tướng dịp Đại tướng thị sát mặt trận đường 9 Nam Lào

Đại tá Trần Thịnh Tần kể: “Đại tướng rất quan tâm đến công tác hậu cần tại chỗ. Đại tướng bảo trong chiến tranh, hậu cần tại chỗ là vô cùng quan trọng. Đại tướng kể trận Điện Biên Phủ mà không có 7.000 tấn gạo sản xuất được tại Tây Bắc thì gạo ở xuôi cũng không thể chuyển lên kịp nuôi quân. Đại tướng nhấn mạnh phải nhanh chóng triển khai mô hình hậu cứ quân nhu ở các chiến trường, để giải tỏa nỗi băn khoăn của các tư lệnh về vấn đề nuôi quân”.

Đại tá Tần cho biết: “Ghi nhớ lời căn dặn của Đại tướng, anh em hậu cần chúng tôi đẩy mạnh công tác chuẩn bị lương thực tại chỗ. Đến năm 1973, cây sắn (mì) đã bạt ngàn ở trận tuyến hậu cần vận tải Trường Sơn, sẵn sàng phục vụ các sư đoàn được tăng cường vào phía Nam để tạo thế trận vững chắc, chuẩn bị thời cơ tiến lên giành thắng lợi cuối cùng”.

Hòa bình lập lại, khi về hưu rồi thì đại tá Trần Thịnh Tần lại có nhiều dịp để gặp Đại tướng hơn khi theo anh em cựu chiến binh các đoàn Điện Biên, Trường Sơn về thăm Đại tướng. Ông kể: “Mỗi lần đến thăm, Đại tướng lại cầm tay từng anh em mà căn dặn phải sống tốt, đóng góp xây dựng địa phương, giữ gìn truyền thống bộ đội Cụ Hồ, lính của anh Giáp. Nhớ lời Đại tướng, dù về hưu tôi vẫn nhiều năm làm Bí thư chi bộ khu phố, tham gia công tác bảo vệ an ninh trật tự, khuyến học khuyến tài của địa phương…”.

Khi đã về hưu, đại tá Trần Thịnh Tần lại có nhiều dịp gặp gỡ, trò truyện cùng Đại tướng
Khi đã về hưu, đại tá Trần Thịnh Tần lại có nhiều dịp gặp gỡ, trò truyện cùng Đại tướng

Đại tá Trần Thịnh Tần đúc kết: “Chỉ đạo của Đại tướng theo suốt cuộc đời tôi. Trong khoảng thời gian công tác, tôi chủ yếu làm việc ở Tổng cục Hậu cầu nên chỉ đạo “công tác hậu cần tại chỗ vô cùng quan trọng” của Đại tướng tôi xem như kim chỉ nam trong công tác. Khi về hưu, chỉ đạo “giữ gìn truyền thống bộ đội Cụ Hồ, lính của anh Giáp” của Đại tướng lại theo tôi trong quãng đời làm lính giữa đời thường”.

Nỗi nuối tiếc cuối đời…

Đại tá Trần Thịnh Tần năm nay đã 82 tuổi nhưng được xem như là “lớp trẻ” trong Ban liên lạc Chiến sĩ Điện Biên tại TPHCM. Do đó, rất nhiều công việc liên lạc, cần tinh thần tỉ mẩn của Ban liên lạc đều được giao cho ông làm, tư gia của ông cũng chính là trụ sở của Ban liên lạc.

Năm 2010, nhân dịp Kỷ niệm đại thọ 100 tuổi của Đại tướng, ông đã cùng các thành viên trong Ban liên lạc đi vận động kinh phí khắp nơi để tổ chức đại thọ cho Đại tướng ngay tại TPHCM. Ông kể: “Thành phố không làm thì mình làm thôi. Mà mừng lắm, hôm đó hội trường chật kín người, hơn 300 anh em cựu chiến binh ở khắp nơi tụ về để mừng Đại tướng vượt trăm xuân”.

Nhân dịp này, ông nảy ra ý định làm 1 tập sách nhỏ quy tụ những bài viết của các chiến sĩ đã từng có cơ hội làm việc cùng Đại tướng, được Đại tướng chỉ dạy. Sau đó là hơn 2 năm trời ông liên lạc khắp nơi nhờ anh em cũ viết bài gửi về cho ông tập hợp. Ông cũng tìm kiếm lại nhiều hình ảnh cũ về Đại tướng chính ông chụp khi Đại tướng thị sát chiến trường Trường Sơn để làm phong phú thêm cho bộ sách…

Đại tá Trần Thịnh Tần nuối tiếc bên bản thảo cuốn sách chưa kịp in mừng Đại tướng
Đại tá Trần Thịnh Tần nuối tiếc bên bản thảo cuốn sách chưa kịp in mừng Đại tướng

Ông kể: “Vì chúng tôi cũng già cả rồi, làm cũng chậm, sửa tới sửa lui tới đầu năm nay mới xong. Do đó, chúng tôi dự định sẽ in để mừng Đại tướng nhân dịp 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (năm 2014). Nhà in báo cần đến 80 triệu đồng để in, anh em chưa kiếm đủ tiền in thì Đại tướng đã qua đời…”.

Nói đến đây, vị đại tá già hướng ánh mắt ra ngoài hiên nhìn khoảng sân trống vắng. Đôi mắt xa xăm không diễn tả hết được niềm thương, nỗi buồn và tiếc nuối của ông…

Tùng Nguyên - Hồng Nhung