1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Nỗi ám ảnh ung thư bên Phá Tam Giang

(Dân trí) - 43 người chết vì căn bệnh ung thư trong 5 năm trở lại đây; người dân xã Điền Hải, huyện Phong Điền (Thừa Thiên Huế) đang vô cùng hoang mang, lo lắng nhưng đến nay vẫn chưa nhận được kết luận chính thức nào từ các cơ quan chức năng.

Ung thư do nguồn nước ô nhiễm?

 

Hàng chục năm nay, người dân Điền Hải vẫn phải dùng nước ô nhiễm để ăn uống, sinh hoạt. Nước giếng khoan nhiễm phèn, nhiễm mặn nặng. Ở thôn Ngư Nghiệp ven Phá Tam Giang, nước giếng vừa bơm lên đã đỏ au, vẩn đục, bốc mùi tanh hôi khó chịu.

 

Ông Phan Chính, trưởng thôn Ngư Nghiệp cho biết: “Sống ở đây đã mấy chục năm nhưng bà con vẫn chưa có được một bịch nước sạch để dùng. Chúng tôi đã nhiều lần phản ánh lên cấp trên nhưng vẫn chưa thấy động tĩnh gì”.

 

Chỉ tay vào bể nước vừa mới bơm, anh Trần Văn không khỏi bức xúc: “Nước đóng vàng, lợn cợn và có mùi hôi như thế này nhưng chúng tôi vẫn phải dùng. Nếu không lấy nước này để sinh hoạt thì biết lấy chi”.

 

Trước  đây, các hộ dân trong làng đều dùng nguồn nước ở Phá Tam Giang hay một số hồ nước ở gần nghĩa địa. Khi nguồn nước ở đây bị nhiễm phèn và bốc mùi nặng, họ chủ động khoan giếng sâu tới 3-4 chục mét để dùng nhưng nguồn nước cũng chẳng khá hơn.

 

“Gần cả đời người sống ở đây, tui toàn phải dùng nước nhiễm phèn và hôi tanh. Trong làng có nhiều người chết vì bệnh ung thư mà nghe đồn là do nguồn nước. Tui không biết thật hay giả nữa”, bà Trần Thị Xí than thở.

 

Còn chị Thơm thì cho biết, nhà chị đã năm lần thay giếng mới mà nước bơm lên vẫn bốc mùi, nhiễm bẩn. Mỗi lần trong nhà có người ốm đau là lại ám ảnh nghĩ đến bệnh ung thư.

 

Cái chết gần đây nhất của chàng thanh niên 24 tuổi càng làm người dân trong làng thêm lo lắng. Theo thống kê 5 năm trở lại đây, ở Điền Hải có 43 người chết vì mắc bệnh ung thư không rõ nguyên nhân.

 

Người dân khẳng định nhiều người bị ung thư là do nguồn nước. Ông Chính khẳng định: “Nước mà ô nhiễm trầm trọng như thế thì kiểu gì mà chẳng sinh bệnh”. Chúng tôi đến nhà anh Phan Thanh, gia đình có 3 người thân chết vì ung thư. Anh ngậm ngùi tâm sự: “Đến giờ tui vẫn không biết ba mạ và ông nội vì răng mà bị ung thư nữa. Không biết có phải do nguồn nước bị nhiễm độc không. Nhưng gia đình tui vẫn phải dùng nước này để sinh hoạt”.

 

Một số người dân ở đây còn nói, trước kia họ lấy nước gần khu vực chôn cất người chết để dùng nên có thể nhiễm nhiều chất độc.

 

Nước sạch - chờ đến bao giờ?

 

Trước thực trạng nguồn nước bị ô nhiễm đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe nhân dân, một số người đã mua nước dịch vụ được vận chuyển từ xã Quảng Ngạn lên với giá 3.500 đ/20 lít để uống, còn mọi sinh hoạt khác vẫn phải dùng nguồn nước vốn có. Đối với những hộ nghèo khó thì việc mua nước dịch vụ là rất khó khăn.

 

Chị Xuân tâm sự: “Tui cũng muốn mua nước dịch vụ để uống lắm nhưng cuộc sống khó khăn quá nên phải dùng liều nước này chứ biết răng chừ”.

 

Ông Cao Huy Bửu, Chủ tịch UBND xã Điền Hải, cho hay: “Thời gian gần đây, ở Điền Hải số người chết vì ung thư tăng đột biến nhưng vẫn chưa xác định được đâu là nguyên nhân. Người dân cho rằng do uống phải nước bị ô nhiễm. Trạm y tế xã cũng đã gửi mẫu nước đi xét nghiệm nhưng vẫn chưa có một kết luận nào từ phía các cơ quan chức năng nên cũng không dám khẳng định”.

 

Hiểu sự lo lắng của người dân, xã đã nhiều lần kiến nghị lên cấp trên để xin nước sạch. Công ty cấp phát nước cũng đã về khảo sát và hứa hẹn nhưng vẫn chưa thấy động tĩnh gì. Chủ tịch UBND xã cũng cho biết hiện có hai phương án để đưa nước sạch về xã. Một là kéo nước từ nhà máy nước sạch Hòa Bình Chương (Phong Điền) về. Hai là đợi cầu Ca Cút hoàn thành rồi mạch nước ngầm sẽ được đưa qua cầu chảy về xã. Theo ông Bửu  thì phương án một có vẻ khả quan hơn vì chi phí thấp hơn.

 

Trong khi chính quyền đang tìm phương án thì người dân vẫn phải dùng nước bẩn mỗi ngày. Nỗi ám ảnh về căn bệnh ung thư đang bao trùm người dân nơi đây.

 

Nguyên Phương