1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Nỗi ám ảnh của những người chuyên mổ tử thi

“Khi đó tôi phải mổ xác chết của một em bé 6 tháng tuổi. Nằm trên bàn mổ, em bé đẹp như một thiên thần. Tôi không nỡ mổ cái xác đó vì quá thương cảm. Hình ảnh đó ám ảnh tôi suốt bao nhiêu năm nay” - một bác sĩ giám định pháp y chia sẻ.

Không được trọng thị ra mặt như các bác sĩ khác, bác sĩ giám định pháp y từng bị người đời gọi là…“đồ tể” bởi ngày đêm mổ xẻ xác chết. Dù vậy họ vẫn thầm lặng làm việc không có ngày nghỉ để tìm ra nguyên nhân tử vong của bệnh nhân, đóng góp cho nghiên cứu điều trị bệnh và giúp nhiều người thoát khỏi tội oan sai.

 

Bác sĩ pháp y cũng bị xác chết ám ảnh

 

Không khí phòng mổ tử thi của Trung tâm Giám định Pháp y TPHCM gây cảm giác rờn rợn. Trong phòng, chất phóc-môn dùng giữ xác chết khỏi phân hủy xông lên cay xè mắt, mũi.

 

Các nhân viên giám định pháp y đang giải phẫu xác một đàn ông người Đan Mạch đã trương phình. Theo bác sĩ giám định, người đàn ông này chết không rõ nguyên nhân trong một khách sạn tại quận 1.

 

Chỉ tính từ Tết đến nay, các bác sĩ của Trung tâm giám định Pháp y TP đã phải mổ tới 30 xác chết. Riêng trong 5 ngày Tết, hơn 20 tử thi đã được giải phẫu tại đây.

 

Nỗi ám ảnh của những người chuyên mổ tử thi - 1
Các giám định viên pháp y luôn phải làm việc trong môi trường độc hại. Ảnh: Thanh Huyền.
 

Bác sĩ Nguyễn Thanh Tuyền, nguyên giám định viên trưởng, là người có tuổi nghề cao nhất ở trung tâm. Bác sĩ Tuyền đã “bầu bạn” cùng xác chết được 40 năm. Quãng thời gian làm việc đó đủ để lại nhiều ấn tượng khiến cho người bác sĩ già này không bao giờ quên được.

 

Bác sĩ nhớ lại một kỷ niệm nghề nghiệp ám ảnh ông suốt bao nhiêu năm nay: “Khi đó tôi phải mổ xác chết của một em bé 6 tháng tuổi. Nằm trên bàn mổ, em bé đẹp như một thiên thần. Tôi có cảm giác bé đang ngủ thôi chứ chưa chết. Tôi không nỡ mổ cái xác đó vì quá thương cảm. Dường như việc tôi sắp làm khiến cơ thể bé không còn toàn vẹn nữa”.

 

Chả thế mà nhiều bác sĩ giám định pháp y chỉ đi làm được vài ngày đã phải bỏ việc vì bị sốc khi tiếp xúc với xác chết.

 

Bác sĩ Phan Văn Hiếu, Giám đốc Trung tâm giám định Pháp y TPHCM cho biết từng chứng kiến nhiều nhân viên ngất xỉu ngay trong phòng mổ, có người sau khi mổ xong không dám ăn cơm vì bị ám ảnh bởi cảnh tượng người chết thối rữa.

 

Hết lòng vì y học vẫn bị coi là… “đồ tể”

 

Nguy cơ lây bệnh cao gấp 50 lần

 

Do đặc thù nghề nghiệp, sức khỏe của các giám định viên pháp y bị ảnh hưởng rất nhiều. Hằng ngày tiếp xúc với tử khí và các hóa chất như phóc-môn khiến họ có nguy cơ mắc ung thư rất cao.

 

Người bác sĩ pháp y không thể biết trước bệnh nhân của họ có bị các bệnh truyền nhiễm như lao, HIV… hay không. Nếu mổ phải xác chết bị lao phổi, các bác sĩ giám định pháp y có nguy cơ nhiễm bệnh cao gấp 50 lần bình thường.

Đầu năm, các bác sĩ giám định pháp y không dám đi chúc Tết bè bạn vì sợ họ kiêng cữ. “Tết tôi thường ở nhà vì nghề của mình mổ xác chết nên người ta ngại. Nếu đi chúc Tết sợ bạn bè nghĩ là mình đem đến cho họ sự xui xẻo”, bác sĩ Hiếu chia sẻ, “Nhiều khi mới đi mổ tử thi về còn bị con gái trêu chọc không cho vào phòng ngủ”.

  

Bác sĩ Tuyền vẫn nhớ có lần anh đến Hóc Môn để giám định xác một phụ nữ chết trôi. Sau đó vài hôm, khi tới Hóc Môn ăn tiệc cưới, bác sĩ phát hiện đám trẻ con bịt mũi, chạy tránh xa anh. Hóa ra bọn trẻ nhận ra anh là người mổ xác chết hôm trước.

 

Theo bác sĩ Tuyền, dù khi mổ xác bác sĩ có đeo găng tay nhưng vẫn bị tử khí ám vào cơ thể, không cách nào làm hết được. Chính vì vậy, đôi lúc họ bị bạn bè, người thân xa lánh do ngửi thấy mùi hôi.

 

Bác sĩ Phan Văn Hiếu tâm sự: “Chúng tôi rất buồn khi mọi người chưa hiểu về công việc pháp y. Ngay cả trong ngành cũng chưa có được sự gắn kết giữa pháp y và lâm sàng. Pháp y không chỉ phục vụ cho tố tụng như mọi người vẫn lầm tưởng. Công việc của chúng tôi là đào sâu nghiên cứu mô hình bệnh tật, tạo ra tiền đề cho việc điều trị”.

 

Nỗi ám ảnh của những người chuyên mổ tử thi - 2
Bác sĩ Hiếu ham mê thu thập, trau dồi sách pháp y để cống hiến cho khoa học. Ảnh: Thanh Huyền.

 

Vì tâm huyết với nghề mà bác sĩ Hiếu từng từ bỏ công việc tại khoa Cấp cứu của Bệnh viện Nguyễn Tri Phương. Không những thế, để làm tốt công việc giám định pháp y hiện nay, anh còn phải học thêm 5 năm nữa và đọc rất nhiều sách y khoa.

 

Anh lý giải: “Làm bác sĩ chuyên khoa đã khó, làm bác sĩ pháp y còn khó hơn bởi phải giỏi cả giải phẫu học lẫn mô học và sinh lý học. Không chỉ thế bác sĩ pháp y còn phải hiểu cách điều trị cho tất cả các chuyên ngành như một bác sĩ đa khoa”.

 

Theo Thanh Huyền

 VietNamnet