"Nói 4.0 với người nông dân chỉ có 1 công đất đúng là chuyện trên trời"
(Dân trí) - Người nông dân có ít đất, càng bám nông nghiệp thì mảnh đất lại càng chia nhỏ, do vậy cần có phương án chuyển đổi nghề nghiệp, có thể họ vẫn ở địa phương nhưng làm việc khác.
Đó là quan điểm của Bộ trưởng Lê Minh Hoan tại buổi giới thiệu Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, vừa diễn ra hôm qua (29/4), ở Đồng Tháp.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, nông dân nước ta hiện cơ bản đã phân hóa thành 3 nhóm. Có người đã vượt lên, vận hành trang trại hàng chục ha đất. Nhóm trung là những người canh tác trên mảnh đất một vài nghìn m2 đến vài ha. Nhóm còn lại là những nông dân đã không còn đất sản xuất, đi làm thuê cho nông dân khác.
"Với mỗi nhóm nông dân lại cần những giải pháp khác nhau. Với chủ trang trại lớn, họ không cần hỗ trợ nhiều nữa, chúng ta chỉ vận động họ hợp tác để dẫn dắt những người khác.
Chủ yếu tập trung giải pháp cho 2 nhóm còn lại. Nhóm có đất sản xuất quy mô trung bình, chúng ta thúc đẩy liên kết để gia tăng nguồn lực. Với nhóm có quá ít và không có đất sản xuất thì cần phương án chuyển đổi nghề, có thể họ vẫn ở địa phương nhưng làm việc khác.
Người nông dân có ít đất càng bám nông nghiệp thì mảnh đất lại càng chia nhỏ, do vậy cần có phương án chuyển đổi nghề nghiệp, có thể họ vẫn ở địa phương nhưng làm việc khác. Nói chuyện 4.0 với người nông dân chỉ có 1 công đất thì đúng là chuyện trên trời", ông Hoan nói.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, nông nghiệp Việt Nam, nhất là khu vực ĐBSCL đang đối diện với "3 biến". Biến động thị trường, biến đổi khí hậu và biến chuyển xu thế tiêu dùng.
Theo ông Hoan, biến đổi khí hậu đã trở thành chuyện rất rõ ràng. Biến động thị trường cũng thể hiện rõ trong những năm qua, các nước liên tục mở cửa, đóng cửa và dựng hàng rào kỹ thuật với nông sản Việt.
"Biến chuyển xu thế tiêu dùng, từ ăn no đến ăn ngon đến ăn sạch, ăn dinh dưỡng. Đến nay, người ta mua gạo còn kèm điều kiện truy xuất nguồn gốc. Họ yêu cầu việc sản xuất không tác động xấu tới môi trường, không gây suy giảm đa dạng sinh học hay ảnh hưởng sức khỏe cộng đồng. Như EU vừa áp đặt lệnh không mua nông sản sản xuất từ đất rừng bị tàn phá, bất kể sản phẩm ngon, sạch, chất lượng ra sao", Bộ trưởng nói.
Trước biến động, ông Hoan cho biết nông nghiệp Việt Nam không thể đứng yên, cần hành động để thay đổi để phát triển. Theo ông Hoan, chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cần giải quyết 3 vấn đề gồm phát huy thành tựu, sửa chữa sai lầm và hướng tới những điều chưa có.
"Nông nghiệp nước ta đã từng phát triển với việc đánh đổi môi trường, sức khỏe cộng đồng, giá trị cao nhưng chi phí cũng cao. Sản xuất không rõ nguồn gốc, tự phát, người mua người bán không biết nhau mà kết nối qua hệ thống thương lái chằng chịt. Thế giới đang hướng tới nông nghiệp minh bạch, trách nhiệm và bền vững, Việt Nam không đứng ngoài xu thế", Bộ trưởng nói.
Chiến lược phát triển hướng tới nền nông nghiệp thông minh, tích hợp đa giá trị, chi phí thấp giá trị cao. Ông cho rằng trong thời đại mới nông dân cần chủ động hơn, người làm nông nghiệp phải chuyển từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế, từ tạo ra sản phẩm, tạo ra thương phẩm.
"Thay đổi tư duy năng suất, sản lượng sang tư duy chuỗi giá trị, tiếp cận thị trường. Sẽ rủi ro nếu sản phẩm không thành thương phẩm hoặc đến thị trường không bền vững, đến với chi phí cao.
Bán hàng thô là nấc thang thấp nhất của nền kinh tế, tiếp đó là bán sản phẩm đã chế biến, rồi đến bán hàng hóa được tích hợp dịch vụ. Nấc thang cao nhất là nền kinh tế trải nghiệm hay chính là du lịch, đây là điều chúng ta chưa có.
Lúc này người ta không còn mua con cá, trái xoài mà người ta đến ao, đến vườn xem cách trồng xoài, nuôi cá ra sao. Trải nghiệm thì không có giá so sánh, người ta mua vì thích, vì cảm xúc, vì hạnh phúc", ông Hoan nói.
Ông Hoan cho rằng không kỳ vọng tất cả nông dân đều cùng lúc có thể làm du lịch, nhưng có thể lan tỏa dần. Có khách tới, nông thôn sẽ năng động, nông dân sẽ tự hào làm nông nghiệp.